Con co giật, biến chứng vì những sai lầm ngớ ngẩn của cha mẹ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nhiều cha mẹ sốt sắng quá mức dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn, gây hại cho con trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Sốt chỉ là triệu chứng, không phải bệnh. Đây là phản ứng của cơ thể khi không may bị nhiễm virus, vi khuẩn.

Nếu sốt không làm cho trẻ chán ăn, không gây bứt rứt, khó chịu thì để nguyên, trẻ sẽ hết sốt tự nhiên và phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi”.

Nhưng thực tế, khi trẻ bị sốt cha mẹ thường sốt sắng quá mức, dẫn tới những sai lầm ngớ ngẩn, gây hại cho sức khỏe trẻ. Trong đó phải kể đến những sai lầm thường gặp như:

Vội vã cho con uống đủ các loại thuốc hạ sốt

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, cha mẹ cần nhận biết mức độ sốt của trẻ. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cơ thể trẻ, hầu như không gây hại gì cho em bé. Nhưng nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên thì có thể gây co giật cho trẻ nên phải sử dụng thuốc hạ sốt.

Nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liệu lượng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ

Điều đáng lo ngại là nhiều cha mẹ nóng lòng thấy con chưa hạ sốt đã vội vã cho uống tiếp thuốc khác để hạ nhiệt nhanh hơn. Cách làm này được khuyến cáo là rất nguy hiểm với trẻ, đặc biệt là khi dùng xen kẽ 2 loại thuốc hạ sốt có tác dụng tương đương là paracetamol và ibuprofel. Liều lượng 2 loại thuốc này khác nhau và việc uống xen kẽ cũng dễ khiến phụ huynh nhầm khoảng thời gian uống tiếp theo, có thể gây tác dụng phụ vì quá liều.

Bọc trẻ quá kín

Khi bị sốt trẻ thường có biểu hiện ớn lạnh. Vì thấy con lạnh nên nhiều cha mẹ bọc kín con, đắp chăn ấm. Cách làm này sẽ làm bệnh trẻ thêm nặng. Tốt nhất, khi cho trẻ uống hạ sốt, cần tránh bọc kín quá, nên để trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa.

Chườm lạnh, dán miếng hạ sốt

Nhiều người cho rằng trẻ đang nóng hầm hập được chườm lạnh, chườm mát sẽ giúp hạ nhiệt nhanh hơn. Nhưng thực tế, việc chườm mát, dùng miếng dán hạ nhiệt, bôi dầu… đều không có tác dụng khi trẻ bị sốt.

Nguy hiểm hơn, khi lau mát ở trẻ nhỏ có thể gây co mạch ngoại biên đột ngột, giảm tưới máu ngoại vi gây hạ thân nhiệt tay chân ngoại vi nhưng thân nhiệt trung tâm vẫn cao gây rối loạn điều hòa thân nhiệt. Vốn dĩ, ở trẻ nhỏ, cơ chế điều hòa nhiệt độ chưa hoàn chỉnh nên khi làm mát vô tình sẽ làm trẻ sốt cao hơn nữa.

Chườm lạnh, miếng dán hạ sốt được cho là không có tác dụng khi trẻ bị sốt. Ảnh minh họa

Cho trẻ uống thuốc phòng co giật

Trẻ bị sốt thường dẫn đến co giật. Có nhiều trường hợp trẻ sốt cao bị co giật khiến cha mẹ lo sợ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi mới 38 độ để phòng ngừa hoặc xin bác sĩ kê đơn thuốc động kinh, thuốc an thần để đề phòng. Điều này hoàn toàn sai lầm và gây hại cho trẻ.

Bác sĩ Dũng chỉ rõ, khi trẻ bị co giật, việc đầu tiên là cha mẹ cần hết sức bình tĩnh. Thông thường triệu chứng co giật ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không ai có thể đoán trước được. Ngay khi thấy trẻ co giật cần đặt trẻ nằm nghiêng, để các dịch ở mũi, ở họng (nếu có) chảy theo đường miệng ra ngoài để thông đường thở cho trẻ. Tránh để các dịch chảy ngược vào phổi, gây tắc thở rất nguy hiểm.

Thường trẻ chỉ co giật vài chục giây là có thể trở lại trạng thái bình thường và tự hết và khóc. Tuyệt đối, khi trẻ co giật, các bậc phụ huynh không cho ngón tay hay thìa… vào miệng của trẻ. Đợi trẻ hết cơn co giật, các bậc phụ huynh có thể lấy khăn mềm để vào miệng trẻ, tránh không để trẻ cắn vào lưỡi.

Lạm dụng thuốc nhét hậu môn

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ thường áp dụng nhiều cách để hạ nhiệt nhanh cho trẻ, trong đó có việc cho trẻ uống thuốc kết hợp nhét thuốc ở hậu môn. Cách làm này là không đúng, bởi thuốc nhét hậu môn có liều lượng tương đương thuốc uống, dùng cho những bé không uống được hoặc hay nôn.

Hơn nữa, thuốc nhét hậu môn có nhược điểm là hấp thu thất thường, nếu trong trực tràng có phân sẽ ít tác dụng. Vậy nên, cách tốt nhất vẫn là cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để tránh gây nguy hại cho trẻ, bác sĩ Dũng khuyến cáo, đối với những trường hợp trẻ uống hạ sốt mà không đỡ, có thể trẻ mắc bệnh khác, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám.

Khi trẻ bị sốt cao, việc uống nhiều nước, gồm nước lọc, nước trái cây, nước oresol hỗ trợ rất tốt cho việc hạ sốt. Cha mẹ cần cho trẻ uống liên tục, uống từng tí một sẽ giúp thẩm thấu oresol được tốt hơn. Đừng đợi đến khi trẻ bắt đầu sốt trở lại mới uống nước mà hãy luôn nhắc nhở trẻ uống từng tí một.

Ngoài ra, khi trẻ sốt cao nên mặc ít đồ, phòng thoáng đãng. Tuyệt đối không đắp chăn, ủ ấm cho trẻ. Nếu trẻ mệt, li bì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân.

L.Minh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/con-co-giat-bien-chung-vi-nhung-sai-lam-ngo-ngan-cua-cha-me-d10256.html