Con chữ nuôi người trong giấc mơ

Cuối năm. Buổi sáng. Nắng ấm. Tôi không thấy những con hải âu soải đôi cánh thấp, tíu tít gọi nhau, chấp chới nơi bức tường vây bọc khu thương mại. Nhưng tôi nghe được nhiều tiếng phong linh thánh thót hân hoan, nơi chiếc bàn tròn, bao quanh bởi các bạn.

Tiếng phong linh thánh thót hân hoan, của Phương Hoa trỗi lên từ năm 17 tuổi - khi Phương Hoa gặp Đăng Khánh, nhạc sĩ, lần thứ nhất tại lớp tối, trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh, Sài Gòn. Tiếng phong linh đằm thắm quên mình của chị Bích, như những tiếng reo của trầm tích hơn nửa thế kỷ làm vợ Tô Thùy Yên, thi sĩ. Tiếng phong linh hãnh diện của Bùi Xuân Hiến, khi nói về nhan sắc, người bạn đời hiện tại của ông. Ngọc Hoài Phương đọc hai câu thơ viết về cảnh tình của những đôi lứa đã bước vào giai đoạn gần đất xa trời. Đêm / ngày nhìn nhau. Thỉnh thoảng, Nguyễn Lương Vỵ góp phần một cách chừng mực, tựa tiếng nhạc ngựa trong nước kiệu... Riêng tác giả Trường Sa hành, Tô Thùy Yên, cao hứng, kể chuyện mình. Từ chuyện những năm, tháng tù đày tới thi ca và, những lấp lánh ông nhận được do chữ, nghĩa lung linh, hắt lại...

Hàng đứng, từ trái: Phương Hoa, Diệu Bích (phu nhân nhà thơ Tô Thùy Yên), Khánh Minh, Tuấn Ngọc, Nguyễn Lương Vỵ, Hiến Bùi. Hàng ngồi, từ trái: Ngọc Hoài Phương, Tô Thùy Yên, Đăng Khánh, Du Tử Lê. Ảnh tư liệu của tác giả

Nhạc sĩ Đăng Khánh, tác giả K. Khúc của Lê thì, say sưa kể lại chiếc cặp da cũ của Phương Hoa, trong gặp gỡ...“trúng thương” ngay lần gặp Phương Hoa, lần thứ nhất.

Ông nói về những đường chỉ khâu đã sờn bên ngoài lớp da đã cũ. Ông nói về ổ khóa của chiếc cặp táp không còn sử dụng được và, những góc cặp bị sờn của Phương Hoa... Ai đó, trong bàn của chúng tôi “Ô! Trí nhớ Đăng Khánh tuyệt vời”. Hồng cảm động, nghiêng qua tôi nói, cuộc tình đẹp và lãng mạn quá phải không anh?

Giữa lúc dòng sông ký ức của Đăng Khánh còn đang dạt dào tiếng phong linh, vẳng lại từ quá khứ thì, một người nào đó, bất ngờ xuất hiện, nhập vào. Dòng chảy của những lượng nước ngạt ngào hương ký ức bị khựng lại... (Trong một thư riêng cho tôi, khi đã về tới Houston, bạn tôi nói, sẽ trở lại nơi này, để tiếp tục nói về chiếc cặp táp của Phương Hoa, thời mới lớn).

Sau đấy, tác giả Trường Sa hành nối mạch. Ông kể lại những kỷ niệm cho thấy cung cách ứng xử, tương quan bằng hữu rất mực tử tế, đẹp đẽ của nhiều thế hệ nhà thơ, cùng sống trong một giai đoạn. Giai đoạn hai mươi năm văn học miền Nam...

Mỗi mẩu chuyện kể lại của các bạn tôi, đều khiến người bạn trẻ ngồi cạnh tôi, Khánh Minh, bị kích động. Hân hoan. Trầm trồ. Thán phục. Chốc chốc, người bạn trẻ lại nghiêng đầu, nói nhỏ với tôi, về sự thiếu may mắn của thế hệ cô. Qua tất cả những nghiêng đầu ấy, tôi không nghe được một tiếng phong linh ngân nga niềm vui nào. Ngược lại! Tuồng chúng khảm đục nỗi buồn!

Tôi hiểu, thế hệ người bạn trẻ của tôi, kém may mắn hơn thế hệ chúng tôi. Cô chưa kịp bước chân vào đời thì cơn bão lịch sử xóa sạch mọi dấu tích, tập quán sinh hoạt của hai mươi năm văn học, nghệ thuật miền Nam. Những thân cây văn hóa bị đào tận gốc. Những rễ tương kính tài năng và, nhân cách văn chương bị nhổ sạch! Người bạn trẻ của tôi, trưởng thành, bước vào quảng trường chữ, nghĩa với đôi mắt ngơ ngác, thất thần và, một trái tim thêm cớm nắng, khô chát hôm nay, sau nhiều năm, tháng xứ người!

Nhạc sĩ Đăng Khánh (phải) và nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh tư liệu của tác giả

Tôi rất muốn nói với cô rằng, sinh hoạt văn học, nghệ thuật hai mươi năm miền Nam, không chỉ toàn màu hồng. Nó cũng có những mảng xám. Thậm chí đen. Tối. Hai mươi năm đã qua kia, trong hàng ngũ của những người làm công việc sáng tác, cũng không thiếu những kẻ vô lại, tỵ hiềm, đố kỵ, núp trong hẻm tối, bịt mặt, ra tay phóng ám khí...

Trong sân chơi văn chương thuở đó, cũng không thiếu những kẻ lừa thầy, phản bạn. Những âm mưu, thủ đoạn, lật lọng để ngoi lên, giành giựt bả vinh quang, tên tuổi, tiền bạc... Tuy nhiên, thời chúng tôi cũng rất rạch ròi. Khi phát hiện một kẻ tài thiển, trí cạn, lại hám danh lợi, không cần nhắc nhở nhau, chúng tôi cũng mặc nhiên giữ khoảng cách. Xã giao. Hoặc lặng lẽ xa lánh.

Tôi rất muốn nói với người bạn trẻ rằng, thời của chúng tôi (cũng như ở bất cứ sân chơi văn học, nghệ thuật nào khác), đều có những phân chia đẳng cấp tự nhiên. Chúng tôi cũng có “nhóm”, có “club” hiểu theo nghĩa cùng một mặt bằng, tài năng, văn chương... Nhất là cùng một mặt bằng trí tuệ, nhân cách... Nhưng không vì thế mà họ thiếu tương kính.

Thay vì trả lời cô, tôi chỉ gật đầu. Im lặng. Tôi muốn đóng trọn vai trò người nghe, khi trong bàn, các bạn tôi còn nhiều cao hứng. Tôi không muốn những trả lời, góp ý của tôi, làm giảm đi sự tập trung của cô, vào những mẩu chuyện, các bạn tôi muốn kể... Tôi nghĩ nhiều phần cô không biết, tôi có thói quen im lặng. Lắng nghe. Khi trong mỗi gặp gỡ, có hơn một người muốn nói. Họ cần người nghe.

Tôi không biết sáng đó, có phải vì quá lâu các bạn tôi mới gặp nhau? (Hay vì trong bàn có nhiều nữ lưu?) Nên các bạn tôi, mỗi cá nhân, đã như một “trưởng môn phái võ lâm” hiệp duyên, làm thành một cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” nơi chiếc bàn tròn, nhỏ, trong nắng ấm, hành lang cà phê, vắng bóng những con hải âu soải đôi cánh thấp, tíu tít gọi nhau, chấp chới nơi bức tường vây bọc khu thương mại.

Tôi không nhớ chính xác niềm vui qua đã bao lâu? Nỗi buồn nào còn đọng và, để lại trong tôi, nhiều khoảng trống, khi các bạn tôi đã tán lạc? Họ về lại cõi riêng, cùng chiếc bóng và, cuộn chỉ thời gian, ngày một thêm ngắn đi!

Chiều nay, tôi tự cho phép mình ra khỏi công việc vì một niềm vui, món quà tinh thần, (mà) bạn-tôi-thi-sĩ đã ưu ái dành tặng tôi. Tôi tự cho phép mình, thanh thản rời bàn viết, bước ra vườn sau, ngồi trên một trong những khúc cây (T. xin được từ mấy ông thợ đào cây, cách đây cũng đã hơn năm), để nhâm nhi mẩu đối thoại giữa tôi và bạn-tôi-thi-sĩ. Tôi muốn được sống lại. Muốn im lặng. Lắng nghe tiếng reo của những chân tình, sáng lên từ những khoảng lặng hay, những ngập ngừng, ngắt quãng theo nhịp đập của trái tim bạn mình - Mặt bên kia của tiếng phong linh hân hoan cùng thời bằng hữu.

Ngay khi vừa nhớ lại, trong tôi lại nhen nhúm ý muốn nói người bạn trẻ của tôi, nghe: “Ở một góc nào khác, phía nào khác, tất cả những gì chúng ta đinh ninh không còn, những tưởng chết rữa đã lâu, trong sinh hoạt bát nháo, chân / giả hỗn loạn của sinh hoạt văn chương hôm nay, xứ người, sự thật, chúng vẫn còn đó: Những hạt kim cương bất hoại”.

Tôi hy vọng cô cũng biết, theo quan điểm Phật giáo thì, chẳng có gì biến mất: Cái xấu hay cái tốt. Ngọn lửa tắt rồi, không mất. Tiếng nói chúng ta, đã tan vào thinh không, không mất. Khi thân xác chúng ta đã trở về cát, bụi thì, dòng tâm thức bất hoại, chuyển lưu qua trăm, ngàn đời kiếp của mỗi chúng ta, cũng không mất. Nó chỉ tạm rời bỏ thân xác, chiếc áo hay, phương tiện của tâm thức, để chờ đợi nhập vào một đời sống bắt đầu, khác. Rõ hơn, một thân thể khác. Và cứ thế, với nghiệp riêng của mỗi sinh linh...

Tôi muốn kể, để Khánh Minh vững tin rằng, dù thời nào, giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, tính tinh ròng văn học, cũng không hề biến mất. Chẳng một quyền năng quỷ mị nào xiết cổ được (Ngay cái đói như thơ của bạn-tôi-thi-sĩ đã đề cập!) Nó chỉ lu mờ khi không đủ duyên khởi. Nó sẽ sáng lên, rực rỡ, như căn bản nó là, lúc hội đủ điều kiện.

Mẩu chuyện tôi muốn kể cho người bạn trẻ của tôi, một chuyện nhỏ thôi! Cũng chẳng mới mẻ, lạ lẫm gì, trong sinh hoạt mấy nghìn năm văn chương, nhân loại. Nhưng với riêng tôi, trong hoàn cảnh bùn đen sinh hoạt văn học hiện nay, nó lại là ngọn lửa ấm áp. Và nếu biết được, tôi tin, nhiều phần nó sẽ cho lại cô, dòng sông trong trẻo, hân hoan, mới - Sau những thất vọng, ê chề! Sau những đinh ninh mất nguồn! Trơ trẽn, tênh hênh cọc nhọn mặc cảm. Đố kỵ. Gian xảo!

Tôi muốn kể cô nghe, chuyện tôi nhận được điện thoại của bạn-tôi-thi-sĩ, cũng vào buổi sáng. (Có thể xế trưa một chút?) Tôi không nhớ chính xác! Nhưng, đó là lúc miền nam Cali đang bị cái lạnh, hậu quả của những trận bão tuyết côn đồ, vô lại, vung gươm đao ở hầu hết các tiểu bang Đông Bắc và miền Nam Hoa Kỳ khủng bố nhân gian. Chúng khiến nắng miền Tây sợ hãi, trốn, núp trong những lùm cây khuynh diệp, trên cao; mặc cho gió thổi rát mặt đám hoa tường vy dưới thấp.

Bạn tôi nói, vừa mới tay rời khỏi mấy trang thơ dành cho tôi, trong Giai phẩm Xuân của tờ báo. Ông đã nghĩ, tương lai, có dịp giới thiệu thơ, nhớ cho ông biết. Ông sẽ đọc cho mọi người nghe nhiều hơn một bài thơ của tôi mà, ông đã thuộc...

Nhà thơ Trần Dạ Từ (phải) và nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh tư liệu của tác giả

Nhưng này, người bạn trẻ của tôi, điều tôi muốn kể, không phải chuyện đó. Điều tôi muốn nói là, xúc động trong tôi đã lên tới cực điểm, khi bạn tôi hỏi, có phải thói quen của bọn làm thơ chúng ta, khi đọc được một bài thơ hay, bắt gặp được một chữ đẹp, như thấy được một thân lau, rung động giữa im lặng ngàn lau, thì, tình yêu thi ca cuồng dại trong chúng ta, thức dậy? Như thể đó là bệ phóng cảm xúc tương ứng, ném chúng ta vào vô tận?

Tôi nói, đúng vậy. Chúng ta là một bọn... “điên” trong mắt nhìn nhân gian, đời thường. Rồi bạn tôi thấp giọng, tựa thú nhận sự “không phải” chí ít cũng ngay lúc đó, của bạn tôi, với thi ca. Bạn tôi nói, bài thơ nhỏ của tôi, khiến bạn tôi muốn xô bàn, hất ghế, đứng dậy, để làm thơ... Nhưng trách nhiệm không chỉ với mình mà, với bao người khác. Bạn tôi không thể! Báo xuân chưa xong, dù đã một lần bạn tôi ngất! Xỉu trên những trang chữ của bằng hữu khắp nơi. Bạn tôi nói, cho bạn tôi “ké” vào bài thơ nhỏ của tôi, hai chữ “làm thơ” như thể đó là một tương tác bằng hữu nhìn, thấy và nhớ nhau.

Tôi nghĩ, không cần nói thêm, người bạn nhỏ của tôi, cũng hiểu, tôi xúc động biết chừng nào! Tôi nói nhanh, tuồng sợ bạn tôi hay ai đó, ngắt lời: “Ô, tuyệt vời! Bạn tôi! Vô tình bạn đã cho tôi thêm một buổi sáng hạnh phúc. Hơn thế nữa, bạn đã cho tôi một kỷ-niệm-lớn” (khi nhắc tới hai chữ “kỷ niệm,” trong tôi ý niệm “kỷ niệm cũng có nhan sắc, đời sống riêng, của nó”. Mà, tôi từng viết xuống, trở về với tôi, như một tia chớp hiếm hoi, rực rỡ).

Bạn tôi đọc:

cảm ơn sách vở nuôi em lớn
con chữ nuôi người trong giấc mơ
hồn nuối rưng rưng từng khối đá
tôi trầm mình trong em: đời sau

Xong. Bạn tôi nói, bạn tôi muốn thay hai chữ “đời sau” bằng “làm thơ”. Bạn tôi giải thích với hai chữ này, bạn tôi tự nhủ, bạn tôi cũng đã vừa... “làm thơ” trong hoàn cảnh đang mê mê với công việc của mình. Mặt khác, bạn tôi cũng cho thấy bạn tôi biết rõ, khi tôi thường ra khỏi bài thơ của mình, bằng một câu kết bỏ lửng, lại ở câu thứ ba, âm trắc thì, đó là cánh cửa mở, mời bằng hữu, người đọc tham dự vào bài thơ bằng câu thứ tư...

Bạn tôi đọc lại khổ thơ ấy, cùng với câu kết bỏ lửng, ý chừng sợ một bên tai điếc lặc, điếc lè của tôi, sẽ nghe chữ “tạc” thành chữ “tộ”:

cảm ơn sách vở nuôi em lớn
con chữ nuôi người trong giấc mơ
hồn nuối rưng rưng từng khối đá
tôi trầm mình trong em: làm thơ
cảm ơn hiện tại: không sau, trước

Trước khi chấm dứt cuộc điện đàm bạn tôi nhắn nhủ tôi, nhớ, đừng công bố. Đợi khi nào bạn tôi không còn nữa, hãy tiết lộ… (Bạn tôi làm như ông có thẩm quyền quyết định giữa chúng tôi, đứa nào được đi trước! Đứa nào phải đi sau?).

Bạn nhỏ của tôi, bạn đâu biết, chính dặn dò thêm này của bạn tôi, đã khiến tôi muốn chảy nước mắt...

Lặng đi giây lát, tôi tự đánh tháo mình, bằng nhắc nhở bạn tôi, hãy quay về công việc. Giờ đây, nhớ lại, tôi còn thấy tôi không thể lãng nhếch, vô duyên hơn trong tâm cảnh vừa kể.

Sau đấy, dư âm của cuộc nói chuyện ngắn ngủi, vẫn lung linh trong tôi, những hồi phong linh, tri kỷ. Tưởng chừng khôn dứt. Tôi hân hoan nhận ra, giao tình giữa chúng tôi, không khoảng cách. Không mặc cảm. Tôi hạnh phúc nhận ra, chúng-tôi-được-sống-cùng-thời. Hạnh phúc “thấy” nhau! Và, tôi muốn khoe với cô, hạnh-phúc-tôi, đó.

Tôi nhớ hơn một lần H.T. bảo tôi, vì bạn, nếu có bị gán nhãn “áo thụng vái nhau” thì cũng tốt thôi. Chỉ sợ bạn không có gì để mình ca ngợi! Ngẫm lại, tôi thấy H.T. đúng. Rất đúng. Vì, trong lặng lẽ, chúng tôi luôn đau đáu trông đợi thi ca, âm nhạc... của đứa này hoặc đứa kia, ngày một đẹp hơn. Tốt hơn. Đó là thứ tình thân riêng mà, cả hai chúng tôi đã cùng có được với Nguyên Sa, với Mai Thảo... ở nhiều giai đoạn.

Nhà văn Mai Thảo (trái) và nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh tư liệu của tác giả

Kể lại chuyện này với bạn nhỏ, tôi chỉ muốn nhắc những người bạn trẻ của tôi, hãy tin, dù thời nào, giai đoạn nào, hoàn cảnh nào thì, tính tinh ròng của văn học, cũng không hề biến mất. Chẳng một quyền năng, quỷ mị nào xiết cổ, chôn sống được nó. Nó chỉ lu mờ khi không đủ duyên khởi. Nó sẽ sáng lên, rực rỡ, như tự thân nó là, lúc hội đủ điều kiện. Nếu có mất chăng, là sự vong thân của chính chúng ta trong đời sống, trong văn chương mà thôi!

Tôi muốn nhấn mạnh với người bạn trẻ của tôi, một lần nữa: theo quan điểm Phật giáo thì, chẳng có gì biến mất - cái xấu hay cái tốt. Ngọn lửa tắt rồi, không mất. Tiếng nói chúng ta, đã tan vào thinh không, không mất. Khi thân xác chúng ta đã trở về cát bụi thì, dòng tâm thức bất hoại, chuyển lưu qua trăm, ngàn đời kiếp mỗi chúng ta, vẫn không mất. Nó chỉ tạm rời bỏ thân xác, chiếc áo hay, phương tiện của tâm thức, để chờ đợi nhập vào một đời sống bắt đầu, khác. Rõ hơn, một thân thể khác. Và cứ thế, với nghiệp riêng của mỗi sinh linh.

Bạn trẻ của tôi ơi, hãy tin, tất cả vẫn còn đó. Nguyên vẹn. Như tấm lòng tương tác của bạn tôi, thể hiện qua mấy chữ bạn tôi, dành riêng cho một bài thơ của tôi, không mất!

*

Tôi đứng lên, trở lại bàn làm việc, lúc nắng chiều liu điu, đã chia tay mái nhà riêng của Cocaine, Chí Phèo, Logan; rớt xuống chân hàng cây găng thấp. Tôi tự hỏi, có cần thiết phải kể chuyện chúng tôi, với H.T chăng?

Câu trả lời, có ngay trong tôi là không! Bởi vì, nghĩ cho cùng, cách gì, những trận bão tuyết côn đồ, vô lại cũng không thể trấn áp mãi một tiểu bang hoặc, một nơi chốn nào, trên mặt đất. Như ngày mai, mặt trời sẽ rực rỡ trở lại, với biết bao điều tử-tế-ấm-áp.

Những tử tế, ấm áp vốn sẵn trong mỗi con chữ (mặt bên kia của mặc cảm thua kém, đố kỵ), có phải?

Tùy bút Du Tử Lê

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/con-chu-nuoi-nguoi-trong-giac-mo-16379.html