Con chip nhỏ nhất thế giới có thể cấy vào cơ thể người để theo dõi sức khỏe

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Columbia vừa chế tạo thành công con chip có kích thước nhỏ nhất thế giới. Chip này có thể được cấy vào cơ thể người để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Columbia Mỹ), con chip mới được chế tạo có thể hỗ trợ và tăng cường các chức năng vật lý cho người bệnh. Đồng thời, con chip này cũng hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị nhiều loại bệnh giúp cải thiện toàn bộ chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Chip có thể dùng để theo dõi nhiệt độ, huyết áp, lượng đường và khả năng hô hấp của bệnh nhân trong cả quy trình chẩn đoán và điều trị. Con chip nhỏ hơn 0.1 mm3, tương đương một hạt bụi và chỉ có thể nhìn thấy thông qua kính hiển vi. “Chúng tôi muốn biết giới hạn nhỏ nhất về kích thước của một con chip. Đó là cội nguồn của ý tưởng mới về một con chip siêu nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong toàn hệ thống. Dù chỉ là con chip đơn lẻ nhưng nó có thể thực hiện chức năng như một hệ thống điện tử hoàn thiện”, ông Ken Shepard, Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay.

Thể tích của con chip nhỏ hơn 0.1 mm3, tương đương một mạt bụi (hình ảnh con chip được chụp bằng kính hiển vi).

Thể tích của con chip nhỏ hơn 0.1 mm3, tương đương một mạt bụi (hình ảnh con chip được chụp bằng kính hiển vi).

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc chế tạo thành công loại chip này cho thấy tương lai mới về sự cải tiến mới trong quá trình phát triển thiết bị y tế không dây và thu nhỏ. Chip nhỏ có trong các thiết bị y tế không dây sẽ được sử dụng nhiều hơn trong các ứng dụng lâm sàng. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm nhiều khả năng khác của loại chip này.

Trước đó, hãng IBM tuyên bố đã chế tạo thành công chip trên tiến trình 2 nanomet (2 nm). Đây là con chip nhỏ nhất nhưng mạnh nhất từ trước tới nay trên thế giới.

Theo IBM, bộ vi xử lý mới của hãng là loại nhỏ nhất và mạnh nhất từng được phát triển, có kích cỡ chỉ bằng móng tay nhưng chứa tới 50 tỷ bóng bán dẫn. Các chip 2 nanomet sẽ được đưa vào sản xuất thương mại bắt đầu từ cuối năm 2024 hoặc năm 2025. Tuy nhiên, điều này sẽ không đủ sớm để làm giảm tình trạng thiếu chip toàn cầu hiện nay.

Con chip 2 nm của IBM có mật độ 333 triệu bóng bán dẫn trên một milimet vuông. Để so sánh, chip tiên tiến nhất của TSMC với quy trình 5 nm có khoảng 173 triệu bóng bán dẫn, còn chip 5 nm của Samsung là 127 bóng bán dẫn trên một milimet vuông.

Trên mỗi vi xử lý có hàng tỷ bóng bán dẫn và kích thước của bóng bán dẫn được đo bằng đơn vị nm (nanometer). Kích thước càng nhỏ, vi xử lý càng chứa nhiều bóng bán dẫn, giúp hoạt động nhanh hơn và tiết kiệm điện hơn.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/con-chip-nho-nhat-the-gioi-co-the-cay-vao-co-the-nguoi-de-theo-doi-suc-khoe-d187014.html