Cồn Chim - đảo ngọc sinh thái tuyệt mỹ bên phố biển Quy Nhơn

Cồn Chim (Bình Định), nơi tụ hội muôn loài chim về trú ngụ giữa đầm Thị Nại được ví như 'đảo ngọc sinh thái', lá phổi xanh hấp dẫn du khách bên phố biển Quy Nhơn.

Ngắm cồn chim tuyệt tác bên phố biển Quy Nhơn Cồn chim nằm giữa đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng hàng trăm ha thành nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài chim.

Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 15 km, Cồn Chim ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) trông hệt như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Khu sinh thái này nằm giữa đầm Thị Nại có rừng ngập mặn trải rộng hàng trăm ha, trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của muôn loài chim.

Nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 15 km, Cồn Chim ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) trông hệt như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Khu sinh thái này nằm giữa đầm Thị Nại có rừng ngập mặn trải rộng hàng trăm ha, trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của muôn loài chim.

Xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) có khoảng 100 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu tạo nên "làng chài ốc đảo" độc đáo giữa đầm phá. Thời gian đầu, một số ngư dân hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại chọn cồn làm nơi nghỉ chân khi trưa nắng hoặc ẩn nấp sóng gió. Trải qua năm tháng, họ chọn mảnh đất này sinh sống để thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy sản.

Du khách có thể đi ca nô hoặc ghe máy tham quan khu rừng ngập mặn ở Cồn Chim. Có hai cách đi đến "ốc đảo sinh thái" này. Nếu đi bằng đường thủy, du khách có thể xuất phát từ cầu Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đi qua đầm Thị Nại. Nếu đi đường bộ, bạn có thể đi xe máy hoặc ôtô xuất phát từ TP Quy Nhơn đến thị trấn Tuy Phước, sau đó theo tỉnh lộ ÐT 640 về xã Phước Sơn để tới rừng ngập mặn Cồn Chim.

Rừng ngập mặn ở Cồn Chim hàng chục năm tuổi gồm đưng, đước, sú vẹt… tạo nên hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống trong lành cho tôm, cua, cá không ngừng sinh sôi nảy nở; các loài cò, chim le le, sếu… từ khắp nơi quần tụ về đây sinh sống.

Lối vào khu rừng ngập mặn trông hệt cánh cửa mở toang giữa đầm Thị Nại đón chào du khách.

Loài cò kiếm ăn dày đặc ở rừng ngập mặn giữa đầm Thị Nại. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ động vật nơi đây vô cùng phong phú với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá, hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng về trú ngụ ở Cồn Chim.

Đi ghe vào giữa rừng đước, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng hàng nghìn con cò kiếm ăn giữa không gian thiên nhiên hoang sơ, sông nước hữu tình.

Một chú chim lao mình xuống mặt nước dày đặc rêu xanh "săn mồi".

Chim, cò bay dày đặc ở khu rừng ngập mặn tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú.

Cồn Chim đang được quy hoạch xây dựng phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại. Ngoài vẻ đẹp hệ sinh thái đa dạng với các loài thủy sản có giá trị, thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển, quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú về đây tho mùa.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Bình Định, Cồn Chim có vị trí thuận lợi kết nối với các điểm đến du lịch lân cận như Chủng viện Làng Sông, nhà thờ Gò Thị, chùa Linh Phong, đồi cát Nhơn Lý, đảo Hòn Khô… Vẻ đẹp văn hóa - lịch sử một vùng đất, những trải nghiệm các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá đang mở ra cơ hội lớn thu hút du khách trong nước và quốc tế đến đây khám phá.

Trưởng xóm Cồn Chim, anh Hồ Văn Nhân, cho biết người dân rất thích sống ở đây bởi không khí trong lành, mát mẻ, không bụi, không tiếng ồn, không ô nhiễm môi trường. Người dân xóm Cồn Chim sống gắn bó tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ lẫn nhau khi có chuyện vui buồn.

"Từ ngày rừng ngập mặn phục hồi, thủy sản sinh sôi nhanh chóng, các loài chim kéo từng đàn về đây kiếm ăn, trú ngụ đông đúc. Người dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thuận lợi nên có cuộc sống ổn định, vui mừng nhiều lắm", ông Nhân chia sẻ.

Vài năm gần đây, nhiều đoàn du khách về đây du lịch trải nghiệm cùng với các nghề truyền thống, chiêm ngưỡng "thế giới loài chim" giữa không gian thiên nhiên hoang sơ góp phần thu nhập đáng kể cho ngư dân địa phương.

Từ trên cao nhìn xuống, hàng nghìn con cò bay về tổ ấm trên rừng đước giữa đầm phá mênh mông, du khách ngỡ như tuyết đang rơi giữa miền sông nước này.

Hoàng hôn buông xuống, nhuộm đỏ mặt đầm cũng là lúc từng đàn chim, cò nối nhau bay về tổ ấm. Du khách ở lại đêm giữa đầm Thị Nại là trải nghiệm tuyệt vời với những trải nghiệm theo người dân ra đầm buông lưới đánh cá, soi cua đêm dưới tán rừng… Bữa ăn khuya dưới tán rừng với nhiều loài thủy sản tươi sống gồm tôm, cua, cá; chén cơm nóng ăn kèm với hải sản hấp luộc chấm với muối ớt, rau sống, mắm nhĩ thơm ngon.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/con-chim-dao-ngoc-sinh-thai-tuyet-my-ben-pho-bien-quy-nhon-post919199.html