'Còn chiếc đài kỷ niệm, mẹ cũng giao cho cách mạng, đất nước'

Vượt qua con đường đất đỏ đầy nắng, chúng tôi đến thăm và sưu tầm hiện vật từ gia đình Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng, ở xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đón chúng tôi tại nhà là người mẹ nhỏ nhắn, bình dị với mái tóc bạc trắng. Mẹ là mẹ của 2 liệt sĩ: Nguyễn Đình Xướng và chị gái anh.

Cán bộ Bảo tàng đi sưu tầm tư liệu hiện vật tại BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Bảo tàng Biên phòng

Căn nhà cấp 4 đơn sơ này từng là cơ sở cách mạng trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Mẹ rất vui khi biết chúng tôi là những cán bộ Bảo tàng Biên phòng từ Hà Nội vào thăm mẹ và sưu tầm kỉ vật của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng. Rót cho chúng tôi bát nước lá vằng mát lịm, mẹ kể câu chuyện về người con trai anh hùng:

Theo cách mạng từ năm 16 tuổi, là một chàng trai dáng thư sinh, nhưng trong chiến đấu, anh Xướng rất ngoan cường, đã lập lên nhiều chiến công. Trong đợt Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh chiến đấu tại quê nhà, diệt được nhiều tên địch. Sau Tết Mậu Thân, địch phản kích, anh cùng đơn vị tổ chức đánh địch kiên cường, liên tục làm cho chúng hoang mang lo sợ.

Trong thời gian chiến đấu tại quê hương, anh luôn chu đáo, thường xuyên quan tâm chăm sóc mẹ. Một lần, sợ mẹ ở nhà buồn, anh mang chiếc đài mình thường nghe trong những lúc đi công tác, lúc rảnh rỗi về nhà cho mẹ. Anh bảo, “để mẹ nghe cho có tiếng người, như có con bên cạnh mẹ”. Không ngờ, đó lại là lần cuối anh về thăm mẹ.

Tháng 6-1971, anh Xướng là Chính trị viên phó Trinh sát vũ trang, Ban An ninh thành phố Huế được cấp trên phân công về xây dựng cơ sở tại xã Mỹ Thủy Tây, để đẩy mạnh các hoạt động của quần chúng nổi dậy, diệt ác phá kìm. 8 giờ sáng, ngày 19-6-1971, địch lùng sục và xăm đúng hầm bí mật mà anh cùng một huyện ủy viên, một xã đội trưởng đang trú ẩn.

Tình thế rất nguy hiểm, anh liền bật ra khỏi hầm, dùng súng AK và lựu đạn diệt tại chỗ 12 tên địch, một số khác bị thương. Đội hình địch rối loạn. Lợi dụng thời cơ, hai đồng chí vượt khỏi vòng vây địch. Anh trụ lại cầm chân địch, tay giữ quả lựu đạn cuối cùng. Chờ địch đến gần, anh mở chốt an toàn, diệt thêm một số tên và anh đã anh dũng hy sinh, cách nhà chừng 500m. Sự dũng cảm hi sinh của anh đã tiếp thêm sức mạnh phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân địa phương.

Quá trình chiến đấu và đến lúc hi sinh, anh Nguyễn Đình Xướng đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua; nhiều danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ trừ gian cấp ưu tú; được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 6-6-1976.

Chiếc đài của anh, mẹ vẫn dùng. Đài bị mất ốc, mẹ phải dùng dây vải để buộc lại, đây là kỷ vật thân thương của mẹ. Vì sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, mẹ đã vui vẻ trao lại chiếc đài cho chúng tôi và nói rằng: “Cuộc đời mẹ có tiếc gì cho cách mạng đâu. Nay còn chiếc đài kỷ niệm, cũng là vật dụng hằng ngày của mẹ, mẹ cũng giao cho cách mạng để phục vụ nhân dân, đất nước”.

Trước lúc về, chúng tôi thắp hương cho anh Xướng và chị gái anh. Hai ngôi mộ để trong vườn nhà để anh và chị luôn được ở gần mẹ. Chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Sự hi sinh kiên cường của các anh, các chị đã góp sức làm nên cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày hôm nay. Những kỷ vật thiêng liêng cao quý này sẽ còn mãi với thời gian, sẽ nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hãy sống và làm việc xứng đáng với sự hi sinh của lớp người đi trước.

Hiện nay, chiếc đài đang được trưng bày tại Bảo tàng Biên phòng, với số đăng kí BTBP.807/1; M.58.

Quỳnh An – Minh Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-chiec-dai-ky-niem-me-cung-giao-cho-cach-mang-dat-nuoc/