Con bị xâm hại tình dục, bố mẹ cần làm gì để con không bị tổn thương?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, nhiều gia đình sẽ rất lúng túng, thậm chí không biết xử lý như thế nào khi con cái mình là nạn nhân của xâm hại tình dục.

Hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó, đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.

Gần đây nhất, vào khoảng 8h sáng ngày 15/04/2019, tại khu vực cầu Hồ, thuộc địa phận thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Một nữ sinh đứng trên cầu đã gieo mình xuống sông Đuống tự tử, xe máy điện và mũ bảo hiểm còn để trên cầu.

Hình ảnh cuối cùng của nữ sinh lớp 12 bị xâm hại tình dục trước khi nhảy xuống dòng sông Đuống, Thuận Thành, Bắc Ninh

Hình ảnh cuối cùng của nữ sinh lớp 12 bị xâm hại tình dục trước khi nhảy xuống dòng sông Đuống, Thuận Thành, Bắc Ninh

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan Công an, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng trên, nữ sinh này đã bị hiếp dâm, do phẫn uất em đã đến cầu Hồ rồi nhảy xuống...

Qua sự việc nữ sinh này tự tử vì bị xâm hại tình dục, nhiều người đã rất phẫn nộ và yêu cầu phải xử lý thật nghiêm đối với kẻ đã gây ra cho cô gái này. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, hành động tìm đến cái chết của nữ sinh kia cũng có một phần trách nhiệm của gia đình. Bởi lẽ, nếu chúng ta phát hiện, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ kịp thời sự việc của con cái mình (mà ở đây trong trường hợp bị xâm phạm tình dục - PV) thì chắc rằng sẽ không có một kết quả đau lòng đến thế.

Cha mẹ cần làm gì khi con cái là nạn nhân của xâm hại tình dục?

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Nếu một ngày vô tình con cái chúng ta cũng là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục như thì trên cương vị là người làm cha, làm mẹ sẽ phải làm gì để không gây thêm những tổn thương cho con trẻ?

Giải quyết cho câu hỏi ở trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ – Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, nếu trường hợp con cái chúng ta là nạn nhân của vụ xâm hại tình dục thì người thân trong gia đình cần phải quan tâm, chia sẻ, động viên, tâm sự, chăm sóc… để giúp người bị xâm hại thấy rằng họ không bị bỏ rơi, không phải là người có lỗi, không phải là gánh nặng cho xã hội, giúp họ vượt qua thiệt thòi, phân tích cho họ thấy rằng cuộc sống còn nhiều điều rộng lớn cần phải khám phá hơn là chỉ thông qua một lần bị cướp đoạt cái trinh trắng, thậm chí bị làm nhục, phải nói cho họ thấy rằng cuộc sống không thể nào đánh đổi sự sống của mình.

“Dường như, mọi người chưa có sự quan tâm gì đến nhau cả thành thử ra cũng không xác định, không cảm nhận, nhận thức được rằng người bị xâm hại vừa mới ở trong một trạng thái sốc mạnh mẽ nên không có việc chăm lo, giải tỏa cái uẩn ức, hoặc đánh tan cái xúc cảm tuyệt vọng, đánh tan cái mặc cảm tội lỗi.

Mặc dù, là người bị xâm hại nhưng ý nghĩ của những người bị xâm hại thường cảm thấy có lỗi với người thân, cuộc sống, thầy cô giáo, bạn trai… nhưng không có ai tháo gỡ cho họ cả. Có lẽ, việc tháo gỡ ấy còn quan trọng hơn cả việc khẩn trương tìm hiểu để bắt giữ, truy tố nghi phạm phải đền tội. Việc hỗ trợ tình cảm, tâm lý cho người bị xâm hại ở đây sẽ là vấn đề ưu tiên, phải kịp thời.

Gia đình, những người thân còn đang thiếu cái đó, không chỉ là kỹ năng mà muốn làm cho tốt thì mới lên phần kỹ năng nhưng đây là mức độ sơ khai nhất chưa làm được, nhiều người còn hết sức chủ quan khi thấy con em của mình có dấu hiệu khác lại nhưng không ai phát hiện ra để chăm sóc tháo gỡ cả.

Cái quan trọng là họ bị xâm hại, tuyệt vọng nhưng không có người khác chìa tay ra làm công tác tư tưởng, tâm lý cho họ nên họ cảm thấy đơn côi, tuyệt vọng, cảm thấy không còn được tồn tại nữa, thậm chí có cả tâm trạng nhục nhã, mình sống thừa, sống phí là gánh nặng, xấu xa… Lúc này, họ rất cần chia sẻ nên chúng ta có thể nói là cái phản ứng của gia đình và người thân trong trường hợp này cực kỳ quan trọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ – Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng gia đình cần phải quan tâm, chăm sóc, tâm sự, chia sẻ thật nhiều để giúp người bị xâm hại tình dục ổn định tâm lý, để tránh suy nghĩ tiêu cực

Khi được hỏi về vấn đề làm thế nào để giúp những người đã từng là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục sớm hòa đồng, lấy lại thăng bằng để ổn định cuộc sống. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Thực ra nói là khuyên những người bị xâm hại phải như thế này, thế kia là rất khó vì phụ thuộc vào các cung bậc tình cảm của người ta, nếu người ta cảm thấy là người có tội lỗi, mình là người xấu xí, mình không đáng tồn tại thì phải vuốt ve nói với họ rằng cuộc đời còn lớn hơn thế nhiều vì những cái đó là sự xâm hại coi thường mình, làm mình bị mất mát cái này, mất mát cái kia nhưng những cái đó không phải là tất cả của cuộc sống và thêm nữa cùng với thời gian thì chúng ta cần tính kỹ lại, khẳng định mình để vượt lên, bù cho sự mất mát đó.

Chúng ta phải biết vượt qua thiệt thòi, sự đau đớn ấy vì cuộc sống lớn rộng hơn là chỉ thông qua 1 lần bị cướp đoạt cái trinh trắng, thậm chí bị làm nhục tôi nghĩ là phải nói cho họ thấy cuộc sống nó lớn hơn như thế nhiều nên không thể nào như vậy để đánh đổi sự sống của mình”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cũng khuyến cáo, trước tình trạng xâm hại tình dục đang ngày càng có chiều hướng gia tăng như hiện nay, các bậc làm cha, làm mẹ cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc và bảo vệ con cái chúng ta nhiều hơn nữa để tránh xảy ra những hậu quả thương tâm không đáng có như vụ nữ sinh lớp 12 ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã khiến cho nhiều người phẫn nộ trong thời gian qua.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/con-bi-xam-hai-tinh-duc-bo-me-can-lam-gi-de-con-khong-bi-ton-thuong-d142615.html