Con bị cả nồi nước sôi đổ ập vào người do mẹ mải 'nấu cháo' điện thoại

Người mẹ trẻ đã hối hận vô cùng. Chỉ một phút vô ý, đứa con trai lành lặn, đẹp đẽ của chị phải mang trên mình những vết sẹo xấu xí suốt đời do bị bỏng cấp độ 3.

Cô Nadia Hulse (25 tuổi) tại Cannock, Staffordshire (Anh) đa rất ân hận khi chia sẻ câu chuyện buồn của con trai mình nhằm cảnh báo những phụ huynh khác.

Sự việc đau lòng này xảy ra khi bé Dougie Dodd mới một tuổi, vừa biết đi đang chơi với một cái chảo ở dưới sàn bếp. Lúc đó, cô Nadia Hulse, đang vừa nấu ăn, vừa trò chuyện video với bà ngoại của Dougie.

Trong bếp có một nồi hấp rau củ chuyên dụng với 9 lít nước đang sôi sùng sục. Khi thấy con trai đang mon men đến gần, người mẹ hét lên thất thanh. Tiếng hét khiến đứa bé mới biết đi lẫm chẫm giật mình, khi quay lại, bàn tay cầm chiếc muỗng gỗ của bé vướng vào sợi dây điện của nồi hấp. Toàn bộ chiếc nồi ụp xuống đầu đứa trẻ.

Dougie bị bỏng độ 3 nửa người do bị cả nồi nước sôi đổ ụp vào người.

Dougie bị bỏng độ 3 nửa người do bị cả nồi nước sôi đổ ụp vào người.

Nadia kể: "Tôi ở ngay bên cạnh Dougie khi sự việc xảy ra. Có lẽ vì tôi hét lên "Dougie, không được!" khiến con bị giật mình. Khi thằng bé đi lùi lại, cái muỗng bị kẹt vào quai cầm và cái nồi lật nghiêng, đổ ập vào người Dougie".

"Tôi vội cởi hết quần áo của con ra và đưa thằng bé lên lầu rồi cho con vào trong bồn tắm chứa nước lạnh nhưng Dougie la hét điên cuồng và cố gắng thoát ra khỏi bồn tắm để ôm lấy mẹ".

May mắn là toàn bộ sự việc đều được bà ngoại của Dougie trông thấy thông qua cuộc gọi video nên bà đã nhanh chóng gọi xe cứu thương. Bé trai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Birmingham với những vết bỏng bao trùm một nửa cơ thể.

"Con tôi rất đau đớn khi ở trong bệnh viện, còn tôi thì không thể ngừng khóc. Trong đầu tôi lúc đó chỉ là một mớ hỗn độn", Nadia nhớ lại.

Bác sĩ cho biết Dougie bị bỏng cấp độ 3 ở mặt, cổ, ngực, tay và chân. Các bác sĩ đã thực hiện một ca phẫu thuật ghép da trên người bé trai, lấy da từ đùi để che cổ tay trái và ngực.

Dougie phải nằm viện điều trị bỏng suốt 2 tháng trời.

Vài ngày sau ca mổ, huyết áp của Dougie tăng vọt lên và bé cần mặt nạ dưỡng khí để thở. Dougie được chẩn đoán mắc hội chứng sốc độc tố - một tình trạng có khả năng gây tử vong do nhiễm trùng - nên bắt buộc họ phải truyền máu huyết tương cho Dougie. May mắn là sau đó bệnh nhi đã phục hồi.

Đứa bé phải nằm viện suốt 2 tháng mới được về nhà. Ở thời điểm hiện tại, bé trai vẫn phải mặc một loại trang phục đặc biệt để tránh làm da bị tổn thương khi các vết bỏng vẫn còn ảnh hưởng đến phần lớn cơ thể.

Chị Nadia cho biết mình vô cùng ân hận khi để xảy ra tai nạn không đáng có này: "Tôi ước thời gian có thể quay lại để tôi có thể ngồi xuống, đưa cho nó 1 chiếc xe đồ chơi thay vì một cái muỗng. Nó nghĩ rằng phải dùng muỗng trong bếp thế nên cứ thế tiến vào nhà bếp. Tôi đã sinh ra con nguyên vẹn đẹp đẽ nhưng giờ đây, nhìn những vết thương chằng chịt trên cổ, trên ngực thằng bé, tôi không thể nào thôi tự trách mình".

Nhìn những vết sẹo trên người con trai khiến mẹ bé vô cùng ân hận.

Bé Dougie đã hồi phục bình thường sau 7 tháng bị bỏng.

Nadia cho biết: "Dougie vẫn là một em bé vui vẻ, hoạt bát và không thay đổi tính cách hướng ngoại của mình một chút nào. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi. Tôi biết đó là một tai nạn kỳ quặc và điều duy nhất tôi có thể làm là không cho con chơi trong bếp khi tôi đang nấu ăn. Tôi lo lắng về việc thằng bé lớn lên sẽ mặc cảm với những vết sẹo của mình, nhưng bây giờ, tôi liên tục trấn an con mỗi ngày về việc con đã dũng cảm như thế nào với những vết sẹo này".

Hiện tại, Dougie đã được hai tuổi, và bé vẫn mặc áo nén vào ban đêm để cố gắng giảm sẹo.

Đối với những nhà có trẻ con, bếp là một trong những nơi trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bé nhất mà mẹ nên lưu ý. Để đảm bảo an toàn cho bé ở khu vực bếp, mẹ cần lưu ý những điều sau:

- Đặt ly, dao, thức ăn và đồ uống nóng ra khỏi các cạnh bàn ăn và kệ bếp. Không trải khăn bàn hay khăn lót đĩa thức ăn vì bé có thể sẽ kéo và làm đổ xuống người.

- Đặt ấm đun nước ở phía sau của nơi bày thức ăn

- Tắt bếp, lò nướng, bàn ủi hoặc các thiết bị khác ngay khi sử dụng xong.

- Lắp đặt thiết bị báo khói gần bếp (không nên lắp trong bếp). Kiểm tra hoạt động của thiết bị hàng tuần và thay pin mỗi năm một lần.

- Bố trí bếp nấu, nồi canh, phích nước ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ.

- Khi nấu thì nên quay cán xoong, chảo vào phía trong.

- Tuyệt đối không cho trẻ chơi, nô đùa nơi người lớn đang nấu ăn. Đồng thời, luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.

- Dùng chốt an toàn cho lò nướng và lò vi sóng. Giữ cửa của lò đóng kín mọi lúc. Nếu có thể, hãy chọn sử dụng ấm đun nước không dây. Rút phích cắm các thiết bị khi không sử dụng để bé không thể khởi động các thiết bị.

- Đậy nắp thùng rác và máy rửa chén với chốt an toàn nếu có thể, khi không sử dụng.

- Đặt em bé xuống trước khi lấy đồ uống nóng và đảm bảo bé không ở bên dưới khi mẹ đưa đồ uống nóng cho ai đó. Đừng đặt đồ uống nóng gần bé.

Các bước sơ cứu cơ bản khi trẻ bị bỏng nước sôi:

Sơ cứu kịp thời sẽ giúp vết bỏng bớt đau, giảm độ bỏng, tránh nhiễm trùng dẫn đến tạo sẹo sau khi lành, cũng như rút ngắn thời gian điều trị.

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

- Dùng kéo cắt phần quần áo che phủ trên chỗ bỏng, không lột mạnh tay để khỏi làm rách phần da, dễ làm nhiễm khuẩn và nhiễm trùng vết bỏng.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Sau khi sơ cứu, bạn có thể bôi thuốc mỡ, xịt thuốc trị bỏng rồi đưa con đi viện chứ tuyệt nhiên không được bôi các loại thuốc lá, dấm, kem đánh răng... sẽ khiến vết thương nặng hơn.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/con-bi-ca-noi-nuoc-soi-do-ap-vao-nguoi-do-me-mai-nau-chao-dien-thoai-a300640.html