'Cơn bão Tết' của doanh nhân Việt

Với nhiều người Tết Nguyên đán là niềm vui, nhưng với nhiều doanh nhân đang dần là bão, tàn phá nhiều giá trị doanh nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Văn bên sản phẩm Cua Ngon.

Ông Nguyễn Hoàng Văn, CEO Cua Ngon - Hương vị Đất Mũi chia sẻ với TheLEADER, cơn bão Tết không phải là những cơn gió cực mạnh có sức tàn phá khủng khiếp mà là những cơn bão lòng, cũng có sức công phá không kém! Nếu ai là những người có nhiều lo toan như doanh nhân, trong những ngày cận Tết này sẽ hiểu được.

Nhiều bạn bè doanh nhân nói với tôi thật như đùa “Tết năm nay, đến bất ngờ quá, giống như bão cấp 15 vậy, chưa năm nào như thế”. Các doanh nhân còn tâm tình, làm doanh nghiệp thời hội nhập 4.0 đã khó, lại vướng vào nhiều quy luật Tết truyền thống, cổ điển của nền kinh tế Việt Nam từ xưa, nay có chiều hướng khốc liệt hơn:

Tết là dừng hết mọi việc, tất niên và… chờ đầu năm khai trương lại

Tết là phải thanh toán hết tiền nợ nần năm cũ

Thưởng, quà cáp, đối nội đối ngoại.

Gần Tết, doanh nhân vắt giò mà chạy, giống hệt như đang phải đối phó một cơn siêu bão. Nào là tất niên công ty này công ty kia, nhóm bạn, nhóm cộng đồng. Thăm hỏi khách hàng, đối tác, quan chức. Lo lương thưởng cho nhân viên… ngoài việc phải mất tiền của, mà còn phải có một sức khỏe siêu nhân mới có thể vượt qua được.

Không nên quá ngạc nhiên với những tiếng tút tút khi gọi điện thoại, hay những lời than "anh thông cảm, em đang chờ tiền về”. Nhiều công ty có những kỹ năng kéo dài công nợ qua Tết một cách khóe léo như kiểu “em chưa nhận được em mail” hay “em đang đi công tác, em về sẽ bảo kế toán chuyển ngay”….

Chuyện đối ngoại thì vô cùng gian nan, thanh toán nợ cho đối tác phải cố gắng đàm phán và thanh toán hợp lý nhất, đòi nợ khách hàng cũng hết sức tế nhị, cương quyết nhưng khéo léo.

Chuyện đối nội cũng chẳng dễ dàng, nhìn các nhân viên của mình chờ lương thưởng để ăn Tết mà phận làm sếp phải nao lòng. Nhiều sếp còn phải “ nhịn Tết” để lo cho anh em. Nhưng có anh em hiểu thì cảm thông với chế độ lương thưởng, có anh em không hiểu lại so sánh công ty này, công ty kia, rồi dẫn đến những.. hệ lụy mất nhân sự mỗi khi Xuân về.

Chưa nói nhiều doanh nghiệp làm dự án có liên quan đến nhà nước. Mỗi dịp Xuân về là phải biết “nở hoa”. Nở mà không khéo thì chẳng có mùa Xuân thật sự cho doanh nghiệp mình ở năm sau. Không lạ khi mỗi dịp Tết về, Sài Gòn thì vắng người dần, còn Hà Nội thì ngược lại. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu nỗi khổ này.

Tình trạng gọi điện, nhắn tin đòi quà trong mỗi dịp Tết… ngày càng công khai và như một cái lệ mà doanh nghiệp phải thực thi nghiêm túc nếu muốn công ty mình bình an và phát triển.

Bão Tết cũng chỉ là một cơn bão hàng năm mà doanh nghiệp Việt phải trải qua, trong vô số những cơn bão khác. Vì thế nếu gọi doanh nhân cho nói oai, chứ làm doanh nhân Việt khổ lắm, gian nan lắm, vất vả lắm. Vậy mà các em chưa bao giờ trải qua cứ hăng hái, xông pha lao vào khởi nghiệp, mở doanh nghiệp.

Nói thì nói vậy chứ, trong khi toàn dân đang phải chịu những cơn bão bão giá, bão phí, bão ô nhiễm môi trường thì những tầng lớp có năng lực trội hơn phải xông pha ra phía trước để đương đầu với tâm bão, lo bớt những nỗi lo của nhiều người, đó là điều tất yếu.

Với nhiều người Tết Nguyên Đán là niềm vui, nhưng với nhiều doanh nhân đang dần là bão, tàn phá nhiều giá trị doanh nghiệp. Sau cơn bão sẽ có nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn hoặc thê thảm hơn là phá sản.

Có nhiều ý kiến là nên bỏ Tết hoặc chí ít là đơn giản hơn để cho doanh nghiệp ít lo toan hơn, ít vất vả hơn vì trong thời hội nhập, nó là một trong những tác nhân làm trì trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng đó là chuyện của các cơ quan vĩ mô. Doanh nhân chỉ mong việc này sớm trở thành hiện thực.

Còn với chúng ta khi cái Tết đang cận kề, nếu bạn bắt gặp đâu đó hình ảnh doanh nhân vượt qua những lo toan bão Tết, phát quà, lì xì cho những người nghèo, người cùng khổ thì đó là những nét đẹp của mùa Xuân trên đất nước này.

Vì dù có bão giông cỡ nào, bản lĩnh doanh nhân là luôn tích cực hướng về phía trước, đương đầu với mọi thử thách, vượt qua nó để có một cuộc đời ý nghĩa hơn cho mình và cho những người xung quanh.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Hoàng Văn, CEO Cua Ngon - Hương vị Đất Mũi.

Nguyễn Hoàng Văn*

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/con-bao-tet-cua-doanh-nhan-viet-20180214141016093.htm