Cơn bão mạnh nhất 20 năm qua khiến 2 người chết, 55 người mất tích, đã tìm thấy 11 thi thể

Tổng hợp thông tin đầu giờ sáng nay, 29-10, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 nhận định, bão số 9 cùng với bão Xangsane năm 2006 là hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến miền Trung.

Bão số 9 đã khiến hơn 90.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái và hư hỏng.

Trong ngày 28-10, bão số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng đến Phú Yên với gió cấp 11, 12, giật cấp 13, 14. Bão di chuyển rất nhanh, đổ bộ chỉ 2 ngày sau khi vào Biển Đông (sáng 26-10 vào Biển Đông và sáng 28-10 đổ bộ vào đất liền). Đặc biệt, thời gian duy trì gió mạnh kéo dài, khoảng 6 giờ.

Bão số 9 đã gây ra mưa lớn tại các tỉnh miền Trung. Cụ thể, trong ngày 28-10, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định và Bắc Tây Nguyên có lượng mưa 250-450mm, một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 562mm, Thừa Thiên - Huế 508mm.

Từ 19h ngày 28-10 đến 5h sáng nay, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định và Tây Nguyên mưa đã giảm, lượng mưa dưới 50mm. Các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình có mưa 50-120mm, một số trạm mưa lớn như: Dân Hóa (Quảng Bình) 120mm, Sơn Trạch (Quảng Bình) 101mm.

Dự báo từ ngày 29 đến 31-10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa 200-400mm, có nơi trên 500mm; Quảng Bình mưa 200-400mm/đợt; Thanh Hóa mưa 50-150mm/đợt.

Trường Tiểu học Phổ Văn (Quảng Ngãi) bị thổi bay mái và chìm trong nước lũ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hiện lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh ở mức trên báo động 3 từ 0,3-1,8m và đang xuống. Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên, nhưng còn dưới báo động 3.

Dự báo, lũ trên các sông ở Quảng Bình và sông Thu Bồn tiếp tục lên mức báo động 3. Các sông khác từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai tiếp tục xuống dưới báo động 2.

Mưa bão đã gây ra ngập lụt tại một số địa phương. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ngãi, ngập lụt từ 1-2m tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã của các huyện, thành phố Quảng Ngãi ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu. Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 6.081 nhà/16.829 người tại các khu vực ngập sâu đến nơi an toàn.

Tại Kon Tum, ngập lụt gây chia cắt 2 thôn với 259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà và một số khu vực trũng thấp. Hiện tại, mức độ ngập lụt tại Quảng Ngãi, Kon Tum đang giảm.

Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 thông tin thiệt hại về người gồm 2 người chết (một trường hợp ở Gia Lai và một trường hợp ở Quảng Nam). 55 người mất tích do sạt lở đất ở Quảng Nam (trong đó có 53 người ở huyện Nam Trà My và 2 người ở huyện Phước Sơn).

Bão số 9 cũng khiến 28 người bị thương, trong đó có 13 người ở Quảng Ngãi, 5 người ở Quảng Nam, 5 người ở Bình Định, 4 người ở Huế và 1 người ở Đà Nẵng.

Số lượng nhà sập được thống kê gồm 227 nhà, trong đó nhiều nhất tại Quảng Ngãi (165 nhà). Trong 88.591 nhà bị tốc mái cũng có đến trên 84.000 nhà tại tỉnh này và hiện đang được phân loại cụ thể về mức độ thiệt hại.

Nhiều tuyến đường, phố tại Quảng Ngãi tan hoang sau bão.

Về ảnh hưởng giao thông, bão số 9 đã khiến một cầu treo tại Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Sự cố tàu thuyền đáng lưu tâm là 9 tàu cá bị chìm (6 tàu ở Bình Định, 2 tàu ở Phú Yên và 1 tàu ở Quảng Nam), trong đó có 2 tàu của Bình Định với 26 lao động bị mất liên lạc từ ngày 27-10.

Vào lúc 0h51 ngày 29-10, tàu kiểm ngư KN467 đã tiếp cận được tàu cá BĐ-98658-TS của Bình Định, sức khỏe của 4 thuyền viên trên tàu bình thường.

Cũng theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, công việc gấp rút được triển khai trong ngày hôm nay là khẩn trương tìm kiếm 55 người mất tích tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Ngoài ra, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sơ tán dân khu vực ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia - Thu Bồn.

Các tỉnh căn cứ tình hình thực tế chủ động tổ chức đưa người dân tại các khu vực sơ tán, di dời về nhà đảm bảo an toàn; huy động các lực lượng vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các trung tâm y tế, trường học.

Đã tìm thấy 11 thi thể trong vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My

Vụ sạt lở đất kinh hoàng tại xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào tối ngày 28-10 đã khiến 53 người bị vùi lấp. Đến 23h cùng ngày, 7 thi thể đã được tìm thấy.

1h ngày 29-10, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.

Báo điện tử tỉnh Quảng Nam đưa tin, ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích. Các lực lượng thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: Sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).

Các lực lượng nỗ lực dọn dẹp cây cối thông tuyến lên Bắc Trà My. Ảnh: Đ.Q

Lúc 3h sáng nay, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) đã chuẩn bị quân số cùng nhiều máy móc, phương tiện cơ động lên hiện trường. Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh sẽ tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng trong sẵn sàng trạng thái chiến đấu.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.

Theo Báo điện tử Chính phủ, lúc 7h40' sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới huyện Bắc Trà My, nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương, để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích.

Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ đi đánh giá thiệt hại do mưa bão và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão tại Bình Định và Quảng Ngãi.

Lực lượng chức năng mở đường vào địa điểm sạt lở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My - Ảnh: TTXVN

Theo thông tin mới nhất được Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đăng, tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tìm thấy 11 thi thể trong vụ sạt lở đất ở Nam Trà My, còn 42 người đang mất tích. Việc mở đường vào hiện trường vẫn đang được khẩn trương tiến hành.

Để phục vụ công tác cứu hộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng nay cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam bị mất điện toàn khu vực do đường dây độc đạo 35kV Tam Kỳ - Trà My bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ 7h sáng, Công ty Điện lực Quảng Nam đã huy động 1 máy phát điện diesel đặt tại UBND huyện Nam Trà My để điều hành công tác cứu hộ.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Quảng Nam đang tìm cách đưa máy phát điện lên hiện trường xã Trà Leng, huyện Nam Trà My để phục vụ công tác cứu hộ các nạn nhân.

Tại huyện Bắc Trà My, khu vực UBND huyện cũng đã được cấp điện từ máy phát của điện lực. Đây là trụ sở của Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Nhóm PV HNMO

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/982176/con-bao-manh-nhat-20-nam-qua-khien-2-nguoi-chet-55-nguoi-mat-tich-da-tim-thay-11-thi-the