'Cơn bão Khashoggi' tiếp tục làm Saudi Arabia khốn đốn

Saudi Arabia tiếp tục rơi vào tình thế bị cô lập sau khi người đồng minh thân cận Pháp tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 18 công dân Saudi Arabia được cho có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi

Tuy không nêu tên các cá nhân cụ thể bị cấm nhưng Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh vụ giết hại ông Khashoggi là một tội ác cực kỳ nghiêm trọng, hơn nữa, đó là hành động chống lại quyền tự do báo chí và là một trong những quyền căn bản nhất.

Khẳng định hành động của mình được thực thi trong sự phối hợp với các đối tác châu Âu, nhất là Đức, Pháp cho biết lệnh cấm đi lại đối với 18 công dân Saudi Arabia có hiệu lực đối với tất cả các thành viên thuộc Khối tự do đi lại Schengen zone thuộc Liên minh châu Âu (EU). Paris cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự phản hồi minh bạch, chi tiết và thấu đáo từ chính quyền Saudi Arabia.

Ngay từ khi vụ giết hại ông Khashoggi được tiết lộ, Pháp đã khẳng định quan điểm nhất quán của nước này là toàn bộ vụ việc phải được làm sáng tỏ và những đối tượng liên quan đến cái chết của nhà báo Khasshoggi phải bị xét xử. Tuy nhiên, khác với Đức - nước đã đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia, kể cả các đơn hàng đã được phê duyệt, Pháp còn khá rụt rè trong các biện pháp trừng phạt của mình.

Vấn đề là ở chỗ Saudi Arabia đang là đối tác thương mại lớn của Pháp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu thương mại (ngoài quân sự) của Pháp sang Saudi Arabia đạt 4,5 tỷ euro, tăng 8,8% so với năm trước đó. Trong lĩnh vực mua sắm vũ khí, Saudi Arabia là khách hàng lớn thứ hai của Pháp, sau Ấn Độ. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều thách thức, Pháp không muốn lợi ích quan hệ đồng minh Paris - Riyadh bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng bác bỏ lời kêu gọi của một số nước châu Âu, trong đó có Đức tạm ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Theo ông Macron, cái chết của ông Khashoggi và các hợp đồng bán vũ khí của Pháp cho Saudi Arabia không liên quan tới nhau, vì thế không nên đánh đồng hai vấn đề.

Về phía Saudi Arabia, dù được người đồng minh Pháp che chắn nhưng nước này vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh “trên đe dưới búa”. Theo báo chí mô tả thì cách duy nhất mà Saudi Arabia thực hiện nhằm đối phó với những phản ứng dữ dội của dư luận quốc tế là “ngồi sụp xuống tránh cho cơn bão qua đi”.

Trước mắt, Saudi Arabia tìm cách “hạ nhiệt” dư luận bằng lời giải thích rằng cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi đang có nhiều chuyển biến nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Thậm chí Riyadh còn cho biết trong số 11 người bị truy tố có 5 người sẽ đứng trước nguy cơ đối mặt với án tử hình vì cáo buộc tham gia trực tiếp vào việc “thuê và lên kế hoạch” sát hại nhà báo Khashoggi.

Có điều, kế sách trì hoãn này xem ra vẫn chưa thể giúp Saudi Arabia thoát khỏi sự soi mói của dư luận. Không những thế, Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã ngay lập tức cảnh báo âm mưu “giết người diệt khẩu” trong vụ nhà báo Khashoggi bằng tuyên bố phản đối bất cứ đề xuất nào liên quan đến tử hình đối với các nghi phạm khi vụ việc chưa hoàn toàn ngã ngũ.

Là thành viên EU, chắc Pháp không thể bỏ qua phản ứng của EU cũng như các nước thành viên. Vì thế, sau khi công bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 18 công dân Saudi Arabia, Bộ Ngoại giao Pháp vẫn phải giải thích thêm rằng đây chỉ là các biện pháp tạm thời và có thể được xem xét lại hoặc mở rộng đối tượng bị trừng phạt, tùy thuộc vào sự chuyển biến trong các cuộc điều tra đang diễn ra. Xem ra, “cơn bão khashoggi” vẫn tiếp tục làm Saudi Arabia khốn đốn.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/con-bao-khashoggi-tiep-tuc-lam-saudi-arabia-khon-don/791016.antd