'Cơn bão giáp trạng' tấn công thai phụ tuổi teen

Bệnh tuyến giáp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong thai kỳ, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi như sinh non, tiền sản giật, sảy thai, thậm chí tử vong... Khuyến cáo này được đưa ra nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Và đã có những hậu quả.

Con sản phụ Chuyên đang được bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Ảnh: PV

Tự ý bỏ điều trị, đối mặt với tử thần

Gần 1 tháng điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), sức khỏe bệnh nhân Lương Thị Chuyên (18 tuổi, ở Thường Xuân, Thanh Hóa) đang tiến triển từng ngày. Thời điểm vào cấp cứu, các bác sĩ tưởng không giữ được tính mạng hai mẹ con.

Sức khỏe còn khá yếu, bệnh nhân Chuyên kể lại: Cách đây 2 năm, vùng cổ bắt đầu có biểu hiện to, phình. Cô đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa và phát hiện bị basedow. Dù đang theo điều trị một thời gian ổn định nhưng trong quá trình điều trị Chuyên phát hiện có thai. Không hỏi ý kiến bác sĩ, Chuyên tự bỏ thuốc, không theo phác đồ đang điều trị.

“Suốt thời gian mang thai, tôi chỉ đi khám 2 lần, chỉ siêu âm xem con có ổn không, còn mẹ thì không… quan tâm”, Chuyên nhớ lại.

Khi thai được 28 tuần, thai phụ thấy mệt mỏi, hay vã mồ hôi, đánh trống ngực. 2 tuần sau, Chuyên xuất hiện tình trạng mệt, khó thở tăng dần, kèm phù 2 chi dưới, ho khạc đờm đục. Gia đình đưa Chuyên đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Tại đây, bệnh nhân được tiến hành các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc basedow, có tổn thương thận, cường giáp mạnh, suy tim nặng, tràn dịch màng phổi 2 bên, viêm phổi. Với thai nhi, có tình trạng thiểu ối. Suốt 2 tuần nằm viện, thai phụ liên tục mệt mỏi, ăn uống kém, sốt cao liên tục. Đặc biệt, huyết áp của bệnh nhân liên tục ở mức cao khó kiểm soát, mạch rất nhanh.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, phụ trách khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ về trường hợp bệnh nhân Chuyên: Khi bệnh nhân vào viện, ngoài sức khỏe của người mẹ không tốt, thai nhi lúc này cũng có những triệu chứng rất nguy kịch thiểu ối, nguy cơ thai chết lưu trong tử cung. Để cứu mẹ, bệnh nhân phải dùng thuốc lợi tiểu, nhiều kháng sinh, nhưng nếu lợi tiểu, ối thai nhi càng giảm, thai đối mặt nhiều nguy cơ hơn. Bệnh nhân và người nhà đứng trước sự lựa chọn: Cứu mẹ hoặc cứu con…”

Một cuộc hội chẩn liên khoa toàn viện diễn ra khẩn cấp. Các bác sĩ đã dồn sức quyết tâm cứu cả mẹ lẫn con. Bằng các biện pháp cùng phác đồ điều trị tốt nhất, sau 2 tuần điều trị tích cực, tin vui đã đến khi thai phụ hết sốt, huyết áp duy trì, hết khó thở, cai thở oxy. Với thai nhi đã ổn định, không còn thiểu ối. Khi tình trạng basedow ổn định, thai phụ chuyển dạ lúc 32 tuần thai, được chuyển khoa Sản mổ lấy thai. Bé trai 1,6kg chào đời ngay lập tức được chuyển hồi sức sơ sinh.

Sau khi sinh con, người mẹ tiếp tục được điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, bé sơ sinh được chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi. Hiện sức khỏe của mẹ đang ổn định hết phù chân, ngừng thở ôxi, hết sốt, đi lại nhẹ nhàng… và tiếp tục được điều trị kiểm soát bệnh basedow.

BS Đỗ Tuấn Anh, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết tình trạng sức khỏe của con: Trẻ sinh ở tuần thai thứ 32, mẹ bị basedow. Các sản phụ bị bệnh nhưng không phát hiện hoặc phát hiện không theo dõi hợp lý thì 100% ảnh hưởng thai nhi. Với bé sơ sinh - con của sản phụ Chuyên, các chỉ số sau sinh cho thấy trẻ bị suy hô hấp mức trung bình nặng cần hồi sức sơ sinh. Chỉ số máu thay đổi, tiểu cầu giảm, còn ống động mạch. Hiện sức khỏe của bé ổn định, ra được với mẹ, ăn giống đứa trẻ bình thường (25ml sữa/lần). Bé tăng được 100gram sau 6 ngày nằm lồng ấp.

Đây được đánh giá là một ca nặng khi thai phụ mắc bệnh basedow nhưng không điều trị. Tình trạng phụ nữ trẻ mắc bệnh basedow nhưng không điều trị đang diễn ra ngày càng nhiều. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ từng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng cổ bị hoại tử, cổ to, mắt lồi, thể trạng yếu... do một thời gian dài điều trị bướu cổ theo thầy lang.

Nguy hiểm mắc bệnh tuyến giáp sinh con

Trên thế giới có khoảng 4% thai phụ ở các nước phát triển bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, song tỷ lệ thai phụ rối loạn chức năng tuyến giáp cũng được xếp vào hàng cao.

TS Nguyễn Quang Bảy cho biết, thực tế hiện nay, vấn đề tầm soát để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về tuyến giáp ở Việt Nam vẫn chưa được nhiều người chú ý. Nhiều thai phụ, thậm chí còn chưa từng nghe đến những cụm từ như suy giáp, cường giáp... trong khi đây là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ và thai nhi. Có khoảng 0,5% phụ nữ có thai mắc bệnh lý cường giáp với những biểu hiện rõ rệt như bệnh nhân Chuyên. Hầu như tháng nào, khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận ít nhất 1 bệnh nhân tương tự sản phụ Chuyên. Đối với bệnh suy giáp, tỷ lệ này trong phụ nữ có thai khoảng 2%.

Rối loạn chức năng tuyến giáp được chia làm hai loại: Cường giáp và suy giáp. Cả hai bệnh lý này diễn ra trong lúc mang thai đều không có lợi cho bà mẹ và thai nhi. Bởi vì, trong 10-12 tuần đầu tiên của thai kỳ, do tuyến giáp của thai nhi chưa hoạt động nên em bé hoàn toàn phụ thuộc hormone tuyến giáp của mẹ.

Nếu mẹ bị suy giáp trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hormone tuyến giáp ở thai nhi. Đây là một loại hormone có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan… cũng như sự phát triển của não bộ. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh sẽ có những bất thường về thể lực, trí tuệ (chậm lớn, kém hoạt động, đần độn)... Bên cạnh đó, người mẹ bị suy giáp khi mang thai có thể gây ra thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, nhau bong non, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng bào thai...

Ngược lại, nếu mẹ bị cường giáp, cũng có thể bị biến chứng như suy tim, loạn nhịp tim, lồi mắt... Nếu không được điều trị tốt thì các thai phụ mắc bệnh cường giáp có thể bị sảy thai sớm hoặc các biến chứng nặng khác như nhiễm độc thai nghén, sản giật…

“Basedow là một trong những bệnh tuyến giáp cần điều trị định kỳ, kéo dài, với nguyên tắc không được bỏ thuốc giữa chừng vì nếu bỏ, phải quay lại điều trị từ đầu. Bệnh thường điều trị khoảng 2 năm. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều bệnh nhân mắc basedow tự ý bỏ thuốc giữa chừng do điều trị khoảng 46 tuần, thậm chí 8 tuần đã thấy các triệu chứng ổn định", TS.BS Bảy cho hay.

Với thai phụ mắc bệnh basedow, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn. Bệnh nhân vẫn phải uống thuốc với sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa. “Nhưng nhiều người trước khi đó đã bỏ thuốc rồi, hoặc khi thấy các triệu chứng basedow lại giống triệu chứng mang thai nên bỏ qua. Trường hợp khác có thể do sợ các loại thuốc ảnh hưởng thai nhi nên không dùng thuốc nữa”, TS.BS cho nói. Khám, điều trị đúng bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ đúng quá trình điều trị là những gì bác sĩ khuyến cáo với người bệnh, đặc biệt phụ nữ mang thai mắc bệnh về tuyến giáp.

HÀ LÊ

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/con-bao-giap-trang-tan-cong-thai-phu-tuoi-teen-636695.ldo