Cơn bão địa chính trị trên biển Đông

Chân trời biển Đông u ám và điều rõ ràng duy nhất là Trung Quốc đang tìm mọi cách để biến biển cả thành ao nhà.

Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa 7 đảo nhân tạo trên biển Đông, xây dựng sân bay cấp quân sự, trại lính, nhà kho và các cơ sở hỗ trợ trên đá Chữ ThậpẢnh: AMTI

Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa 7 đảo nhân tạo trên biển Đông, xây dựng sân bay cấp quân sự, trại lính, nhà kho và các cơ sở hỗ trợ trên đá Chữ ThậpẢnh: AMTI

Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà hành động mới nhất là đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực phía nam biển Đông, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc cũng phớt lờ, không chịu tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở Hague. Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các vùng biển trong “đường 9 đoạn” họ tự vẽ là trái với UNCLOS, là vô giá trị; nước này không có cơ sở pháp lý để đưa ra tuyên bố về quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Cũng theo phán quyết này, Trung Quốc đã vi phạm một số điều khoản của UNCLOS liên quan vấn đề an toàn, môi trường biển và hoạt động của máy bay, tàu thuyền trên biển Đông.

Trung Quốc đã lao vào cơn “cuồng sát” các rạn san hô, tiếp tục quân sự hóa khu vực quần đảo Trường Sa, phá hủy hệ sinh thái biển, đặc biệt là san hô. Tất cả những động thái này của Bắc Kinh đều cho thấy một thực tế u ám rằng, họ sẽ độc chiếm biển Đông nếu cộng đồng quốc tế không mạnh mẽ đấu tranh. Không còn sự bình lặng trước cơn bão địa chính trị. Cơn bão địa chính trị đã đến nhanh hơn bất kỳ cơn bão nhiệt đới nào.

Dĩ nhiên, hải quân Mỹ có thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải bằng cách phái tàu chiến tới biển Đông, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump trung lập về các tranh chấp lãnh thổ.

Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa các nước láng giềng để định hướng đánh giá tác động môi trường về những tổn hại gây ra đối với các rạn san hô trong khu vực. Việt Nam có thể và nên đi đầu trong việc tìm kiếm mối liên kết và hợp tác để thực hiện nhiệm vụ khoa học này. Điều này không đe dọa Trung Quốc nhưng thành công trong việc khẳng định rằng, không có biên giới quốc gia trong khoa học.

Sự lãnh đạo của Việt Nam có thể cho Mỹ và ASEAN thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh môi trường và trật tự sinh thái mới được thế giới công nhận.

Việt Nam nên có những bước đi phù hợp với UNCLOS để bảo vệ “các tài nguyên sinh học” mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm của họ. Việt Nam nên bắt đầu bằng một chiến dịch kêu gọi người dân cả nước bảo vệ bờ biển của mình, bảo tồn các rạn san hô… Đó sẽ là một biểu tượng cho mọi quốc gia ASEAN, các nước có hoặc không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đoàn kết và công nhận một điều rằng, phải cùng nhau giải quyết, tìm ra giải pháp phòng chống ô nhiễm, tàn phá biển, đánh bắt quá mức và thói ích kỷ đang phủ bóng biển Đông.

GS James Borton (Trung tâm Ngoại giao Khoa học ĐH Tufts - Mỹ) Thái An dịch

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/con-bao-dia-chinh-tri-tren-bien-dong-1445346.tpo