Cơn bán tháo trên TTCK Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng

Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc liên tục lao dốc sau mỗi vòng áp thuế của Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân sớm bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, theo South China Morning Post.

Giới đầu tư Trung Quốc đang rất bi quan khi cơn bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Bloomberg

Mất 3.000 tỉ đô la vốn hóa trong 6 tháng

Chỉ vài tháng sau khi Mỹ liên tiếp giáng các đòn thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc, thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua những đợt bán tháo mạnh khiến chỉ số Shanghai Composite rơi về mức thấp nhất trong gần bốn năm qua.

Chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ giảm điểm mạnh hôm 10 và 11-10 đã khiến cơn bán tháo lan sang thị trường Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite giảm mạnh 5,2% và tiếp tục giảm gần 3% trong phiên giao dịch 18-10, chỉ còn 2.486 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2014, thấp hơn 50% so với mức đỉnh 5.166 điểm vào năm 2015. Giới phân tích nhận định nguyên nhân là do tác động của phiên giảm điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 17-10 cũng như các lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 3.000 tỉ đô la vốn hóa trong sáu tháng qua kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc. Làn sóng tháo chạy trên các thị trường tài chính Trung Quốc diễn ra giữa lúc các xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng, làm dấy lên các lo ngại về việc viễn cảnh thị trường chứng khoán của Trung Quốc đang hướng đến sự sụp đổ.

Trung Quốc và Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 50 tỉ đô la hàng hóa của nhau vào hồi tháng 7 và tháng 8. Tháng trước, Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% lên thêm 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và mức thuế này sẽ được nâng lên 25% vào ngày 1-1-2019 nếu Trung Quốc không chịu đưa ra các nhượng bộ thương mại. Phía Trung Quốc áp thuế nhập khẩu trả đũa 5-10% nhằm vào 60 tỉ đô hàng hóa Mỹ.

Giới đầu tư bi quan

Giữa lúc thị trường Trung Quốc chao đảo, một nhóm giáo sư kì cựu Trung Quốc gần đây tổ chức một diễn đàn ở Bắc Kinh với chủ đề ban đầu là: Liệu Trung Quốc nên dẹp bỏ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vào thời điểm diễn đàn được tổ chức, chủ đề được đổi lại là: Trung Quốc cần kiểu thị trường chứng khoán như thế nào.

Trao đổi tại diễn đàn, Liu Jipeng, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu thị trường chứng khoán thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng, 100 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc đang rất bi quan về thị trường chứng khoán. “Các bạn có thể theo dõi mạng xã hội WeChat để biết mọi người đang bàn tán về việc liệu các nhà đầu tư Trung Quốc đã mất hết niềm tin về thị trường chứng khoán hay chưa”, Liu Jipeng nói.

Theo quan điểm của ông, các công ty Trung Quốc sẽ chịu tổn thương vì không được các nhà đầu tư tin tưởng, là điềm báo xấu cho thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ông Liu Jipeng kêu gọi chính phủ đưa ra các chính sách để nâng đỡ thị trường chứng khoán.

He Qiang, giáo sư ở Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương ở Bắc Kinh, nói tại diễn đàn rằng sự biến động quá lớn và tình trạng đầu cơ lan tràn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là do các khiếm khuyết trong công tác giám sát và hoạch định dài hạn. Ông cho rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đang chịu tổn thương do chiến tranh thương mại vì chi phí vay nợ tăng cao.

Hôm 30-9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở hầu hết các ngân hàng thương mại để giảm chi phí cho vay và thúc đẩy tăng trưởng. Đây là lần thứ tư PBoC hạ RRR trong năm nay.

Giáo sư He Qiang nói: “Tại sao Trung Quốc hạ RRR? Lý do là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang trì trệ hơn và cuộc chiến tranh thương mại khiến các công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn tài chính hơn, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ".

Ông không tin những biện pháp như vậy có thể giúp các công ty tư nhân Trung Quốc tìm kiếm được các khoản vay vì các ngân hàng Trung Quốc có thể không cho vay đối với các công ty đang chật vật trả nợ. “Các ngân hàng vẫn có nhiều vốn cho vay ngay cả khi không hạ tỷ lệ RRR nhưng các công ty vừa và nhỏ không tiếp tiếp cận được các nguồn vốn này”, ông nói.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280410/con-ban-thao-tren-ttck-trung-quoc-chua-co-dau-hieu-dung-.html