Con bài cuối Không quân Mỹ-Israel sục sạo trước mũi S-300

Việc F-22 không thể gây bất ngờ vì lộ mật trước Nga khiến Không quân Mỹ-Israel hy vọng vào quân bài cuối cùng F-35 giành lại lợi thế.

Theo tuyên bố của Cố vấn an ninh Quốc gia Yaakov Amidrov của Israel, việc các hệ thống phòng không tối tân S-300/400 hay bất cứ tiêm kích đánh chặn tối tân nào hiện diện tại Syria cũng không thể ngăn nổi cuộc không kích từ F-35 của Tel Aviv hoặc của Mỹ nếu muốn.

Tuyên bố trên được vị cố vấn này đưa ra khi nói về việc Nga sẽ chuyển hệ thống S-300 cho Syria và thông tin tiêm kích F-22 vừa bị Su-35 của Nga ngăn chặn và xua đuổi trên không phận Syria. Cố vấn Yaakov Amidrov cho rằng, không giống như những loại tiêm kích khác, thế mạnh của F-35 là không thể phủ nhận và nó đã chứng minh được sức mạnh trên bầu trời Syria hồi tháng 5/2018.

Để minh chứng cho tuyên bố của mình, vị cố vấn này cho biết, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của họ đã thực hiện 2 vụ tấn công tại 2 địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Syria và đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra.

Trước đó tại hiện trường các vụ không kích đã phát hiện ra mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II cho thấy đây là dấu hiệu F-35 đã tham chiến vì đây là loại bom được thiết kế tối ưu hóa cho khoang vũ khí của nó.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến sự kiện chiếc F-35 đã bay xuyên không phận 3 nước Syria, Iraq, Iran và quần thảo nhiều vòng trên các cơ sở hạt nhân của Iran mà cả S-400 của Nga lẫn S-300PMU2 của Tehran đều chẳng thể phát hiện ra nó.

Trong các phi vụ mà F-35 đã thực hiện, phòng không Nga với tổ hợp S-400 đã không đưa ra được phản ứng nào đáng kể, thậm chí Nga còn bác bỏ rằng F-35 đã tham chiến, chỉ đến khi Tư lệnh Không quân Israel cho biết thì Nga mới rút lại quan điểm.

Điều gây chú ý hơn nằm ở chính bức ảnh chiếc F-35 bay qua bầu trời thủ đô Beirut của Lebanon mới được Không quân Israel công bố, cần đặc biệt lưu tâm tới thiết bị không quá lạ trên lưng chiếc F-35 này.

Đây chính là khí tài làm tăng diện tích phản xạ radar có tên Luneberg Lens, tác dụng chính của nó là làm tăng diện tích phản xạ radar (RCS) của máy bay mang, khiến các đài radar dưới mặt đất có thể nhận dạng.

Như vậy là trong các lần làm nhiệm vụ vừa qua, chiếc F-35 của Israel vẫn chưa tung hết sức mạnh của mình, nó cố tình che giấu chỉ số RCS thật nhằm bảo toàn lợi thế trước hệ thống phòng không của Nga và Syria nhằm sử dụng trong một vụ tấn công quy mô lớn vào Syria hoặc Iran (nếu có).

Nhưng kết quả thu được còn vượt quá mong đợi của Israel, khi toàn bộ các khẩu đội tên lửa phòng không của Nga - Syria đều bất lực trong việc phát hiện ra nó, F-35 đã chiến thắng đậm. Với kết quả thu được, cả Israel và Mỹ đều có lý do để tin vào quân bài chiến lược cuối F-35 trong tình huống xảy ra xung đột trên không phận Syria. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/con-bai-cuoi-khong-quan-my-israel-suc-sao-truoc-mui-s-300-3366123/