Còn áp đặt hành chính hóa sẽ không bảo tồn được di sản

TS Khuất Tân Hưng, Khoa Di sản kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng áp đặt khi bảo tồn di sản tư nhân, dòng họ dễ dẫn đến tâm lý cực đoan của người dân.

TS Khuất Tân Hưng - Ảnh: NVCC

Chúng ta có nhiều di sản tư nhân, dòng họ như dinh thự “vua Mèo”, nhà cổ Hội An, nhà cổ Đường Lâm... Theo ông, có nhất thiết phải di dời người dân ra khỏi những di sản như thế để làm bảo tồn không?

Tôi nghĩ giá trị của di tích nằm ở sự kết hợp giữa công trình và đời sống của người dân. Nhờ đó di tích sẽ thành di tích sống. Bỏ dân ra sẽ không còn là di tích sống nữa. Nên vấn đề ở đây là phải bằng cách nào đó để người dân tiếp tục sống trong di tích, hiểu được giá trị và biết cách ứng xử với tài sản của họ. Đây là câu chuyện liên quan đến nhận thức, giáo dục. Còn nếu di chuyển họ đi nơi khác để bảo tồn ngôi nhà thì ngôi nhà giá trị đã mất đi rất nhiều. Nhiều khi người ta không nghĩ tới giá trị của người dân trong di tích. Chẳng hạn, ở Hội An mà tự nhiên dân không còn nữa, sẽ thành dạng bảo tàng chết, chả ai đến nữa.

Ông nghĩ thế nào về trường hợp dinh thự của “vua Mèo”, khi những người chủ của dinh thự đã chuyển hết ra ngoài?

Dinh thự của “vua Mèo” cũng là dạng bảo tàng chết. Đó là một trường hợp đáng tiếc nếu không cho vào ở sau trùng tu. Làm như thế việc chính quyền bảo tồn ngôi nhà sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cuộc sống và giá trị đích thực của dinh thự sẽ mất đi nhiều. Nó thiếu đi sự hấp dẫn của di sản đó.

Ở Đường Lâm, các năm nay, nhiều gia đình không được sửa chữa nhà vì trong làng cổ. Họ không có cả nhà vệ sinh. Ông nghĩ ra sao về những ngôi nhà như thế?

Sự tồn tại của người dân phải được coi là một phần của di sản làng Đường Lâm. Đó là dạng di sản định cư. Dạng di sản này rất khác với dạng di sản kiến trúc thông thường, nó luôn luôn có cuộc sống, không thể tách rời phần phi vật thể và vật thể. Với di sản đô thị hay định cư ta không thể chuyển họ ra khỏi di sản để bảo tồn, vì cuộc sống của người ta vẫn tiếp diễn. Nếu chính quyền bắt họ cứ sống mãi một kiểu mà không có cách làm cuộc sống của người ta tốt hơn thì không ổn. Việc bảo tồn nguyên trạng hiện nay ở làng Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội) đang là sự bất hợp lý.

Nếu bất hợp lý cứ kéo dài tiếp thì sẽ ra sao, thưa ông?

Nếu không có sự đồng thuận của người dân trong bảo tồn thì sớm muộn di sản sẽ chết. Ở phố cổ Hội An, di sản tồn tại là do có sự đồng thuận. Còn nếu để người dân ở trong sự phi lý lâu, có thể họ sẽ chọn giải pháp cực đoan là tự đốt nhà để được xây cái mới. Họ sẽ âm ỉ và tìm ra mọi cách, cũng đã có trường hợp làm như thế, cách đây hơn chục năm.

Như vậy quy định của luật Di sản văn hóa chưa ổn. Chúng ta nên sửa luật theo hướng nào?

Luật Di sản văn hóa chưa thật chuẩn, chưa có khái niệm về di sản định cư hay di sản đô thị... Thế cho nên, người ta áp dụng máy móc kiểu cứ cái nào di tích quốc gia thì khoanh lại không cho thay đổi. Cái đó chỉ có thể áp dụng với một công trình kiến trúc hoặc một quần thể nào đó vừa phải thì được. Nhưng các di sản thuộc sở hữu tư nhân và dòng họ lại không phải như thế. Nó có cuộc sống và làm sao cấm người ta không được thay đổi. Trước sau sẽ dẫn đến việc người ta không thể chịu được, người ta không chấp nhận ở mãi như thế. Khi dân cư tăng lên thì phải làm thế nào. Giải pháp bắt giữ nguyên trạng với di sản định cư là sự cực đoan. Khi luật Di sản văn hóa chưa bao trùm thì chúng ta sẽ cần sửa đổi bổ sung luật.

Nếu không thay đổi, thì sẽ xảy ra chuyện người ta không muốn tài sản của mình thành di tích được xếp hạng nữa. Cách đây hơn chục năm, ở Huế cũng có kiểm kê các quỹ nhà cổ để đưa vào các danh mục cần bảo tồn. Có một số gia đình đã tìm cách “chạy trốn” khỏi danh mục này, vì nằm trong đó có nghĩa là họ không được làm gì hết. Thực tế vẫn xảy ra câu chuyện như thế.

Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Khi sửa luật, chúng ta phải tìm cách trao được quyền lợi cho những người có di sản. Chẳng hạn, ở Đường Lâm có lần tôi định bỏ tiền vào hòm đóng góp thì chủ nhà bảo thôi đưa đây cho bà để bà ăn trầu. Hóa ra, hòm đó không phải của gia đình mà là của ban quản lý di tích. Có nhiều gia đình người dân hoàn toàn không được hưởng lợi từ danh hiệu di tích quốc gia Đường Lâm. Họ hỏi, tại sao chúng tôi không được gì mà lại phải mở cửa đón khách đi ngó ngó nghiêng nghiêng như chỗ không người, ảnh hưởng cuộc sống của họ. Còn áp đặt hành chính hóa thì sẽ không bảo tồn được di sản.

(thực hiện)

Ngữ Yên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/con-ap-dat-hanh-chinh-hoa-se-khong-bao-ton-duoc-di-san-996781.html