Còn ai sẽ vào sư phạm?: Giáo viên cần được quan tâm cả vật chất lẫn tinh thần

Theo các chuyên gia, người trẻ 'sợ' nghề sư phạm không chỉ do khó xin việc, lương thấp mà còn bởi môi trường làm việc không đảm bảo, thậm chí không an toàn.

Sinh viên ngành mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khó xin việc, lương thấp

Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục VN, cho dù Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn với ngành sư phạm (SP), quản lý chỉ tiêu nhằm hạn chế tình trạng giáo sinh thất nghiệp sau khi ra trường thì ngành SP cũng khó mà nâng cao được chất lượng nguồn tuyển trong bối cảnh chính sách dành cho giáo viên (GV) vẫn duy trì như hiện tại. Bao nhiêu năm nay, người giỏi không mấy ai tâm huyết với ngành SP mà họ chọn các nghề khác, chẳng hạn như vào các trường công an, quân đội, vì vào những trường đó khi ra trường không phải chạy vạy xin việc mà lương lại cao.

“GV thì vẫn phải sống. Nhưng lương 3 - 4 triệu đồng, nhà có 1 - 2 con thì sống thế nào? Không thể bảo gia đình người ta chỉ cần ăn đủ no giống như thời bao cấp được. Nên họ phải tìm cách. Không sống được bằng lương thì họ phải đi buôn, hoặc tìm mọi cách 'móc túi' cha mẹ học sinh (HS). Tiêu cực trong dạy thêm, học thêm cũng từ đó mà ra. Đời sống như thế thì làm sao khuyến khích người ta vào ngành giáo dục được!”, PGS Rỹ phân tích, rồi nói thêm: “Tại sao ở Hàn Quốc người ta đua nhau vào SP? Vì lương GV của họ rất cao, nên họ có quyền chọn lựa những người tốt nhất. Mình thì nhà nước có cho thêm biên chế GV, các trường thì đầy chỉ tiêu, mà tuyển vẫn không được”.

Giáo dục chưa là “quốc sách hàng đầu”

PGS Rỹ cho rằng việc giải quyết vấn đề chính sách cho GV không hoàn toàn bế tắc trong điều kiện thực lực nền kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn. “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta nói từ lâu rồi nhưng trên thực tế nó không được đối xử là quốc sách hàng đầu. Cho nên, với hầu hết các địa phương thì GD-ĐT được xếp sau cùng. Thậm chí kinh phí cho GD-ĐT còn bị cắt bớt để sử dụng vào những việc khác. Bộ GD-ĐT không được quản lý toàn bộ kinh phí 20% GDP cho giáo dục, mà chỉ quản lý 5%, còn lại đưa về cho các địa phương. Mà các địa phương dành cho giáo dục thế nào thì không ai kiểm soát được”, PGS Rỹ nói.

PGS Rỹ cho biết thêm: “Thái Lan chẳng hạn, ngành giáo dục T.Ư lo lương GV từ tiểu học trở lên chứ không phải địa phương lo. Còn ở ta, Bộ GD-ĐT không được quản lý về nhân sự, không được quản lý tiền, chỉ quản lý chuyên môn thì làm sao bắt họ đảm bảo được chất lượng nền giáo dục khi mà tiền và nhân sự là hai yếu tố quan trọng và quyết định làm nên chất lượng. Đây là giải pháp nhằm trả lại vị thế quốc sách hàng đầu cho giáo dục. Từ đó mới có được chính sách hợp lý với GV, thu hút được người có tâm có tài vào SP”.

Thiếu điều kiện làm nghề chất lượng

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết: “Chúng ta không tạo điều kiện cho GV làm nghề thực sự có chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất rất không đảm bảo cho hoạt động giáo dục hiệu quả như lớp quá đông HS, phòng ốc và trang thiết bị, đồ dùng dạy học thì thiếu thốn, thiếu sự hợp tác của phụ huynh HS, thiếu sự hỗ trợ từ nhà trường trong quá trình tác nghiệp… Những điều đó không cho phép GV có thể làm tốt hơn. Hiệu quả công việc không như mong muốn ấy đã quay trở lại tạo áp lực với mỗi nhà giáo”.

Trong khi đó, chương trình đào tạo ở trường SP lại thiếu hụt các nội dung giúp các GV tương lai hình thành và hoàn thiện các kỹ năng mềm, chẳng hạn như cách giao tiếp với HS, với cha mẹ HS, với cộng đồng, kỹ năng quản lý và phát triển bản thân. Rất nhiều trường hợp GV mắc bệnh tâm lý dẫn đến những hành vi sai trái nhưng đã không được kịp thời phát hiện để giúp họ điều chỉnh suy nghĩ, hành vi.

“Các trường tuyển đầu vào nhiều em không có lý tưởng nghề nghiệp, không có kỹ năng mềm… Với ý nghĩ vào SP là để có một công việc ổn định là được, SV đang “liều” mà không biết. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp GV đã thất bại, không hạnh phúc với nghề nghiệp chỉ vì họ chỉ cố để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, và nhận lại áp lực nghề nghiệp, trong khi cánh cửa để đánh thức việc học tập của trẻ nhỏ chính là “trái tim”, sự gần gũi với đứa trẻ”, PGS Thơ nhận định.

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, muốn ngành SP hấp dẫn hơn thì vị thế người thầy cần được trả lại. Nhà nước phải quan tâm hơn từ tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo ở trường, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để có được đội ngũ GV có kỹ năng, giỏi chuyên môn và yêu nghề. Ngành giáo dục, lãnh đạo các trường phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương đảm bảo trường học là môi trường an toàn.

Quý Hiên

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/con-ai-se-vao-su-pham-giao-vien-can-duoc-quan-tam-ca-vat-chat-lan-tinh-than-950842.html