'Cơn ác mộng' của Ðông Phi

Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai các hành động kịp thời giúp ngăn chặn thảm họa châu chấu sa mạc ở khu vực Sừng châu Phi, trong bối cảnh các nước tại đây đang chạy đua với thời gian nhằm giải quyết nạn dịch phá hoại mùa màng. An ninh lương thực của khu vực bị đe dọa nếu không có các biện pháp đối phó hiệu quả.

Nạn châu chấu tàn phá mùa màng ở Ðông Phi. Ảnh Time

Nạn châu chấu tàn phá mùa màng ở Ðông Phi. Ảnh Time

Nạn dịch châu chấu ở Kenya được đánh giá ở mức tồi tệ nhất trong 70 năm qua, trong khi ở các nước khác thuộc khu vực Ðông Phi như Ethiopia và Somalia cũng đang hứng chịu nạn dịch nghiêm trọng nhất trong vòng 25 năm, khiến mùa vụ thất thu, đe dọa an ninh lương thực và cuộc sống của hàng triệu người. Theo Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của LHQ M.Lowcock, mối đe dọa châu chấu ở Sừng châu Phi đang vô cùng nghiêm trọng. Khoảng 30 triệu người tại các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng do tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó khoảng 10 triệu người đang sinh sống tại các khu vực bị châu chấu hoành hành. Dự báo, nếu cộng đồng quốc tế và chính quyền sở tại không có các biện pháp phù hợp, dịch châu chấu sẽ gây ra những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Châu chấu sa mạc là nguyên nhân chính tàn phá mùa màng, là loài côn trùng sinh trưởng đơn độc sau đó tập hợp lại trong mùa sinh sản và dẫn tới hình thành những bầy lớn. Các bầy côn trùng này được hình thành ở miền đông Ethiopia và bắc Somalia, sau đó lây lan ra toàn khu vực. Các đàn châu chấu đã tràn qua Uganda trong khi cả Tanzania và Nam Sudan đang nằm trong danh sách các nước sắp bị tác động. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO), dịch châu chấu năm nay bùng phát khiến một phần khu vực bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nếu diễn biến trở nên tồi tệ hơn và không thể khống chế trong vòng một năm hoặc lâu hơn, nạn châu chấu sẽ trở thành “dịch”.

Trong lịch sử, dịch châu chấu sa mạc lớn xảy ra trong những năm 1990, nạn dịch cuối cùng đã diễn ra hồi những năm 1987-1989 và đợt bộc phát lớn cuối cùng của loài côn trùng này là những năm 2003-2005. FAO cho biết, loài châu chấu sa mạc Schistocerca gregaria bị cho là nguy hiểm nhất trong số 12 loài châu chấu, đang tạo ra mối đe dọa an ninh lương thực lớn ở khu vực sa mạc của 20 quốc gia, trải dài từ Tây Phi cho đến Ấn Ðộ và bao phủ gần 16 triệu km2. Theo tính toán, tại mỗi điểm đáp xuống, một đàn châu chấu trung bình có thể tàn phá một lượng hoa màu đủ để nuôi 2.500 người trong vòng một năm.

Ngay trước khi thảm họa châu chấu bùng phát, gần 20 triệu người ở khu vực phía đông châu Phi thường xuyên phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, khi hạn hán và lũ lụt xảy ra triền miên. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để đối phó nạn dịch châu chấu đang hoành hành ở châu Phi. Ông cho rằng, các đàn châu chấu đang gây ra những tác động tiêu cực tới nhiều vùng ở châu Phi với phạm vi và cường độ chưa từng thấy, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu càng làm tăng sự khủng hoảng ở châu lục này. Khu vực này vốn chịu quá nhiều tác động từ các cuộc xung đột và bất ổn an ninh, vì vậy cộng đồng quốc tế cần có hành động kịp thời.

FAO đã đề xuất một chương trình trị giá 76 triệu USD nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch châu chấu. Tuy nhiên, đến nay chương trình này mới chỉ huy động được khoảng 20 triệu USD. Chính phủ các quốc gia bị ảnh hưởng hiện đang khẩn trương tìm những biện pháp khẩn cấp nhằm tiêu diệt và xua đuổi đàn châu chấu khổng lồ. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh nổ ra ở một số nơi khiến không thể triển khai máy bay phun thuốc diệt côn trùng. Bởi thế, các biện pháp được tiến hành chưa hiệu quả và nạn châu chấu tiếp tục là “cơn ác mộng” đối với khu vực Ðông Phi.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43513002-%E2%80%9Ccon-ac-mong%E2%80%9D-cua-%C3%B0ong-phi.html