Còn 1.800km nữa là đến Mỹ!

Trung Mỹ đang chứng kiến một cuộc di cư khổng lồ, hàng nghìn người nối nhau đi bộ, đủ sức tung bụi mù trên con đường từ Honduras và El Salvador qua Guatemala và đang sốt ruột chờ đợi được nhập cảnh Mexico.

Từ điểm biên giới Guatemala - Mexico, đường đến miền đất hứa Hoa Kỳ của họ còn đúng 1.800km. Xin nhấn mạnh: Tất cả đều đi bộ!

Đoàn người di cư, chủ yếu là công dân Honduras, một tỷ lệ nhỏ người El Salvador và “sáp nhập” thêm người Guatemala trên đường đi hiện đang tập trung tại biên giới Guatemala - Mexico. Hôm 23/10, Chính phủ Mexico nói họ đã tiếp nhận 1.699 đơn xin nhập cảnh và đăng ký quy chế tỵ nạn, từ khoảng 4.500 người đang trực chờ ở khu vực biên giới. Trong khi đó, thông tin một đoàn người di cư khác với số lượng ít nhất “ngàn người” đang tiếp tục di chuyển từ thị trấn miền đông Chiquimula hướng về biên giới Mexico.

Dòng người di cư đi bộ xuyên qua Guatemala để đến biên giới Mexico, với hy vọng có thể đến Mỹ

Ông Mauro Verzeletti - Giám đốc Trại tỵ nạn Casa del Migrante than thở: “Chúng tôi không hy vọng vài ngày họ sẽ đi được, hành trình còn dài lắm”. Verzeletti nói trong tuần giữa tháng 10, trại của ông đã đón hơn 11.000 người. “Hành trình về phương Bắc” đang khá an toàn nên động lực của những người di cư càng được tiếp thêm sức mạnh. Họ đều muốn đến Mỹ, chứ không phải Mexico.

Tuyên bố đậm “thuyết âm mưu”

Đài CBS ước tính 7.000 người dân Trung Mỹ đang và sẽ nhập đoàn người di cư tìm đường vào Mỹ. Đây là đợt di cư có số lượng lớn nhất kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.

Truyền thông Mỹ, cũng giống như ông Trump đến thời điểm này đều đưa ra nhiều tuyên bố không có bằng chứng. Theo giới truyền thông, ông Trump có thể nhân sự vụ này mà đả kích đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ về chính sách mở rộng cửa với người nhập cư. Ông cũng nói “một số phần tử Trung Đông” trà trộn vào dòng người di cư, có thể đặt ra mối nguy hiểm khủng bố với nước Mỹ. Phó Tổng thống Mike Pence được tờ Washington Post dẫn lời nói thêm rằng, chính ông được Tổng thống Honduras thông báo làn sóng di cư này được Chính phủ Venezuela hỗ trợ tài chính. Tất cả đều “không có bằng chứng”, như ông Trump thừa nhận trên đài CBS.

Nhưng đe dọa của ông Trump thì rất có thể thành hiện thực. Ông cảnh báo cắt toàn bộ viện trợ nước ngoài cho Guatemala, Honduras và El Salvador; huy động quân đội đóng cửa toàn bộ biên giới (với Mexico) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

“Chúng tôi không bỏ cuộc”

“Tôi đã tính việc lên phương Bắc từ lâu, và rồi tôi bỗng nghe tin đoàn người di cư này. Tôi gói ghém đồ đạc trong có 30 phút và lên đường”, Jose Mejia, 16 tuổi, người thị trấn Ocotepeque, Honduras kể lại. Mejia được một cậu bạn đến gọi cửa lúc 4h sáng với một câu ngắn gọn: “Chúng ta đi!”.

Tất cả những gì Mexico có thể làm lúc này - vừa giúp họ vừa giúp Mỹ - là tăng cường kiểm soát biên giới. Sau những ngày đầu tháng 10, khi những người di cư đầu tiên xuất hiện và nhập cảnh Mexico khá dễ dàng, từ giữa tháng nước này đã áp dụng biện pháp xét duyệt quy chế tỵ nạn đòi hỏi thời gian dài hơn. Mexico hy vọng là giải pháp mới sẽ làm giảm tinh thần của những người muốn ra đi.

Những điều đó đều chưa có tác dụng. Trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực, nghèo đói và tham nhũng ở quê nhà, những người dân vùng Trung Mỹ hy vọng chiến thuật “số đông” của họ sẽ làm mềm lòng các Chính phủ ở Mỹ và Mexico.

“Chúng tôi không bỏ cuộc, chúng tôi sẽ tiếp tục đi chừng nào họ không ngăn chúng tôi lại”, Reuters dẫn lời cậu thanh niên Jaffe Borjas đã trải qua nửa chặng đường cuốc bộ từ Honduras để tìm đường đến Mỹ. Hãng tin Anh còn mô tả, Borjas cùng người bạn đồng niên ở nhóm dẫn đầu đoàn người di cư “kéo dài đến chân trời”.

“Nếu họ ngăn và trục xuất, chúng tôi sẽ lại trở lại, chúng tôi không phải tội phạm, chúng tôi là người lao động”, một số đông trong đoàn người đồng thanh lời tuyên bố chuẩn bị trước.

Hiện tại, Mexico đã phải đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ vật lực để đảm bảo những điều kiện tối thiểu theo quy chế quốc tế dành cho người tỵ nạn. Theo số liệu chính thức, mới có 640 người Trung Mỹ được Mexico cấp quy chế tỵ nạn.

Ngày khởi hành

Khởi thủy của cuộc hành trình di cư khổng lồ này vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo chính quyền Honduras, người đứng sau kích động là chính trị gia đối lập, cựu nghị sĩ Bartolo Fuentes với động cơ làm suy yếu và mất uy tín chính phủ cầm quyền. “Ông ấy là người tạo ra (cuộc tuần hành di cư)”, đại sứ Honduras tại Mexico, ông Alden Rivera Montes nói. “Họ muốn làm đất nước này sụp đổ, họ muốn chính phủ này thất bại”.

Nhưng nói với tờ The Post, ông Fuentes chỉ xác nhận vai trò là người ủng hộ và giúp đỡ những người muốn ra đi. Ông thừa nhận có liên lạc với 4 nhóm người muốn di cư thông qua mạng xã hội WhatsApp, giúp họ tổ chức đi thành đoàn để đảm bảo an toàn.

Một tuần trước khi đoàn người di cư khởi hành, ông Fuentes đăng một thông điệp trên trang Facebook: “Chúng ta không ra đi chỉ vì muốn như vậy, mà do bạo lực và nghèo đói xô đẩy chúng ta. Hẹn gặp các bạn lúc 8h ngày 12/10 ở cổng bến xe buýt San Pedro Sula”.

“Khi tôi đến, mới có khoảng 30 người. Nhưng chỉ vài tiếng sau đã là hàng trăm người”, Jose Vijin, 32 tuổi, kể lại khi anh đang đợi thủ tục tỵ nạn trên biên giới Guatemala - Mexico. Trong đoàn người “dài đến tận chân trời”, họ đều cho biết nghe đến cuộc hành trình qua mạng xã hội và quyết định tham gia ngay bởi “kế hoạch đã luôn có sẵn”.

ĐỨC HUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/con-1800km-nua-la-den-my-post229438.html