Cơm tấm, món 'ruột' của người Sài Gòn

Cơm tấm là món ăn sáng đặc trưng của người Sài Gòn xưa hay người dân thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.

Nói là món ăn sáng bởi khi mới xuất hiện, món ăn này thường được dùng trong bữa sáng là chính, sau này mới được dùng trong bữa trưa và bữa tối.

Cơm tấm ngon, chuẩn vị không thể thiếu các thành phần như gạo tấm, nước mắm ngọt, sườn, bì, chả, trứng... Nhưng dù là có thay đổi thế nào hoặc không đầy đủ các thành phần thì cơm tấm vẫn phải đủ 4 thành phần đó là: sườn, chả, trứng và bì.

(Ảnh: Dân Việt)

Sườn để ăn với cơm tấm là sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt, sau đó đem nướng. Các quán cơm tấm thường nướng sườn ngay trước cửa tiệm, hương thơm từ sườn nướng mang mùi vị đặc trưng mà ai cũng có thể nhận ra.

Chả trong cơm tấm thường gọi là chả hoặc chả trứng, được làm từ trứng, cua, thịt xay, nấm mèo và bún tầu. Chả trứng được chưng sẵn thành một cái bánh hình tròn hoặc chữ nhật, khi ăn sẽ cắt lát.

Món cơm tấm sẽ không thể thiếu một phần trứng ốp và phần bì được làm từ thịt heo, da heo thái sợi trộn cùng thính và gia vị.

Hiện nay do nhu cầu và sở thích của thực khách, nhiều hàng cơm ngoài bán cơm tấm với các thành phần truyền thống thì còn bán thêm cơm tấm ăn cùng thịt kho, đậu phụ nhồi thịt, cá rán... Nhưng dù ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối và có thay đổi thành phần thì món cơm tấm sườn nướng vẫn là món "ruột" của người Sài Gòn, khiến thực khách xa gần ăn một lần đều nhớ mãi hương vị đặc biệt từ món ăn đặc trưng của thành phố này.

Thái Chi / MASK

Nguồn ĐẹpPlus: http://depplus.vn/229/com-tam-mon-ruot-cua-nguoi-sai-gon-61455