Cốm Mễ Trì xuất hiện tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội

Tối 5/10 tại Công viên Thống Nhất, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018 sẽ chính thức khai mạc nhằm giới thiệu những nét văn hóa từ những làng nghề ẩm thực truyền thống đặc sắc của Hà Nội.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội nhằm tôn vinh, giới thiệu quảng bá về những nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Hà Nội tới nhân dân Thủ đô, du khách trong nước, quốc tế, góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng.

Lễ hội gồm có 4 hoạt động chính: Khu vực giới thiệu không gian văn hóa các làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội tái hiện không gian, giới thiệu sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực của 10 làng nghề tiêu biểu tại Hà Nội: Bánh cuốn Thanh Trì (quận Hoàng Mai), Cốm Mễ Trì và Bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Xôi – Chè Phú Thượng (quận Tây Hồ), Bánh tẻ Phú Nhi và Tương Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây), Giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai), Bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì), Bánh dầy Quán Gánh (huyện Thường Tín), Phở Hà Nội.

Khu vực triển lãm ảnh trưng bày các tác phẩm chủ đề Hà Nội xưa và nay, những ký ức Hà Nội về lịch sử văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng; giới thiệu phong cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thưởng thức ẩm thực và ứng xử nơi công cộng. Khu vực sân khấu trình diễn một số loại hình nghệ thuật, trò chơi truyền thống… trong 3 ngày diễn ra Lễ hội.

Cuối cùng là khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm ẩm thực của các làng nghề truyền thống và các cơ sở, các gia đình có nghề chế biến ẩm thực gia truyền, các nghệ nhân ẩm thực đã được vinh danh tại các chương trình giới thiệu ẩm thực lớn nhỏ. Khu giới thiệu và trưng bày sản phẩm ẩm thực gồm 26 gian, được chia thành 3 khu vực: Khu ẩm thực khô, khu ẩm thực ướt và khu ăn uống chung.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội cho biết: "Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội nhằm giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách nét văn hóa từ những làng nghề ẩm thực truyền thống với lịch sử làng nghề và quy trình thực hành với nguyên vật liệu, công cụ lao động và bí quyết giữ nghề của nghệ nhân tạo nên được đặc sắc và giá trị của làng nghề. 10 làng nghề được giới thiệu tại Lễ hội nắm giữ những món truyền thống sản xuất từ hạt gạo, các món ăn của phong tục tập quán Tết cổ truyền, văn hóa truyền thống tiêu biểu của Hà Nội như phở, cốm".

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các quận huyện để giới thiệu được các sản phầm của từng địa phương. Nét mới của Lễ hội văn hóa ẩm thực năm nay là sẽ không đưa quá nhiều gian bán hàng mà tập trung vào các khu vực triển lãm, các hình ảnh tài liệu, trình diễn tay nghề… về tri thức dân gian người ta nắm giữ, qua đó cảm nhận được quá trình thực hành nghề.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ khai mạc vào 19h30 ngày 5/10/2018 và đón khách tham dự Lễ hội từ 19h00 đến 22h00 ngày 5/10/2018; Từ 08h30 đến 22h00 các ngày 6,7/10/2018; Lễ hội diễn ra tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và miễn phí vé vào cửa tham dự.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/com-me-tri-xuat-hien-tai-le-hoi-van-hoa-am-thuc-ha-noi-d2056000.html