Cơm không lành, canh không ngọt: Mỹ nã tiền đồng minh

Mỹ sẽ rút quân khỏi Đức bởi Berlin đã vi phạm các quy tắc của NATO về đóng góp chi phí quân sự.

Hôm 15/6, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức xác nhận việc rút gần 10.000 quân khỏi Đức. Ông đồng thời cảnh báo Đức phải "sống theo cam kết với NATO" nếu muốn lính Mỹ ở lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump chào quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức năm 2018. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump chào quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức năm 2018. Ảnh: Reuters

"Như các bạn đã biết, họ ... vi phạm trong các điều khoản về chi phí cho NATO. Tại sao chúng ta nên hành động như những gì đang làm nếu họ không chịu trả tiền?" - ông Trump nhấn mạnh.

Có khoảng 34.500 lính Mỹ hiện đang đóng quân tại Đức và 25.000 lính sẽ vẫn tiếp tục triển khai. Truyền thông Mỹ tuần trước đã rầm rộ đưa tin rằng Tổng thống Trump đang xem xét việc chỉ đạo Lầu Năm Góc rút 9.500 quân, nhưng không rõ liệu động thái này sẽ là vĩnh viễn hay tạm thời, hoặc thay vì số quân đồn trú ở Đức thì họ sẽ quay trở lại Mỹ hoặc đến một quốc gia NATO nào khác.

Các giả thiết được đưa ra là Mỹ có thể sẽ đưa quân tới Ba Lan nhưng sau đó đã xuất hiện các tin tức mới cho biết Washington và Warsaw đã không đạt được thỏa thuận về các quyền căn cứ của Mỹ, dù Chính phủ Ba Lan rất "nhiệt tình" trong việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở quốc gia này.

Các thành viên NATO đã cam kết tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP, một mục tiêu đã được thống nhất trong thời gian lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, chỉ có một số ít tuân thủ cam kết này. Đức là quốc gia nằm ở số đông còn lại và lại là quốc gia đón nhận nhiều binh sĩ Mỹ tại châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer năm ngoái đã hứa rằng, Berlin sẽ đạt mục tiêu đóng góp 2% chi phí quân sự cho NATO, "muộn nhất" vào năm 2031. Tổng thống Trump đã nhiều lần gọi điều này là không thể chấp nhận được, cáo buộc người châu Âu sử dụng tiền đóng thuế của người dân Mỹ với gần 1.000 tỷ USD mỗi năm cho quân đội và hiện dưới thời của ông Trump, con số này đang ngày càng tăng lên.

Trước xác nhận chính thức từ Tổng thống Mỹ, phía Đức đã lên tiếng bình luận mà không đả động đến các khoản chi quân sự 2% cho NATO.

Đại sứ Đức tại Washington Emily Haber nói rằng binh sỹ Mỹ ở châu Âu để bảo vệ an ninh xuyên Đại Tây Dương và triển khai sức mạnh của Mỹ vươn xa hơn trên nhiều mặt trận.

"Sự hợp tác của chúng tôi về các vấn đề an ninh và quân sự luôn rất chặt chẽ và vẫn sẽ như vậy. Binh sỹ Mỹ ở đó không phải để bảo vệ Đức mà để bảo vệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Họ cũng ở đó để (dễ dàng) triển khai sức mạnh của Mỹ ở châu Phi và châu Á." - Đại sứ Đức nói, ám chỉ mạnh mẽ tới ý nghĩa đặc biệt chiến lược của Mỹ trong việc triển khai quân đội ở các nước đồng minh.

Đức phản pháo Mỹ về lệnh trừng phạt Nord Stream-2

Chính phủ Đức ngày 14/6 cho biết đã chuyển thông điệp “không hài lòng” trước việc Mỹ có kế hoạch trừng phạt dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn Nord Stream-2 nối Nga với Đức. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ “cấm vận mới này sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng và chủ quyền của châu Âu”.

Một bức tranh biếm họa cho thấy Mỹ đã tìm cách để chặn mọi cách Nga hoàn thiện đường ống Nord Stream-2.

Phản ứng trên được đưa ra sau khi một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ giới thiệu một đạo luật mới về tăng cường cấm vận đối với Nord Stream-2, cho rằng tuyến đường ống này sẽ khiến Nga tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu.

Dự luật mới này được xây dựng dựa trên Đạo luật Bảo vệ năng lượng cho châu Âu (PEESA) được Tổng thống Trump ký ban hành năm 2019, có chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều khoản trừng phạt mới nhằm vào các công ty tham gia xây dựng, vận hành, bảo hiểm, bảo trì, cung ứng kĩ thuật, nâng cấp đường ống.

Trước đó, lo ngại bị trừng phạt, tập đoàn Allseas – một liên danh giữa Hà Lan-Thụy Sĩ, đã dừng công việc thi công đường ống ngầm từ tháng 12/2019, khiến dự án Nord Stream-2 bị chậm tiến độ. Hiện việc rải ống ngầm được hai tàu của tập đoàn Gazprom (Nga) đảm nhận, với khoảng 160km đường ống còn lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ/Đức) ngày 12/6 dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, Đức không chấp nhận việc Mỹ leo thang đe dọa trừng phạt, cho rằng bước đi của Mỹ “mâu thuẫn với luật pháp quốc tế”.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Năng lượng trong Quốc hội Đức Klaus Ernst cho rằng Đức và EU cần có phản ứng thống nhất trước việc Mỹ có kế hoạch mở rộng trừng phạt nhằm vào Nord Stream-2.

Theo ông Ernst, không thể xem cấm vận của Mỹ là hành động của tình hữu nghị, mà phải coi đó là bước can thiệp vào chủ quyền của Đức và EU. Nếu Mỹ không giảm sức ép đối với dự án này, Mỹ và EU cần xem xét các biện pháp nghiêm túc để bảo vệ chính mình, mà một trong số đó có thể là việc áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng khí hóa lỏng từ Mỹ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/com-khong-lanh-canh-khong-ngot-my-na-tien-dong-minh-3405871/