Cơm gạo mới trên đất Hà thành

Tháng 10, cánh đồng ngoại thành Hà Nội và các vùng quê rực lên trong nắng thu với những bông lúa trĩu nặng chín vàng ruộm. Hương lúa vấn vít theo chân người nông dân len lỏi trong từng đường làng ngõ xóm. Khi người nông dân bắt đầu vào vụ gặt, ấy là khi các bà, các mẹ nội trợ khéo đất Hà thành lại trổ tài chế biến những món ngon để ăn với cơm gạo mới.

Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi khi tới vụ gặt, thế nào mẹ tôi cũng hẹn chị hàng gạo nhớ để phần gạo mới đầu mùa. Hình như, bữa cơm gạo mới đầu mùa khá quan trọng với người nội trợ của gia đình. Mẹ thường dặn tôi khi lấy gạo để nấu bữa cơm gạo mới đầu tiên chỉ nên dùng tay mà vốc lấy ước lượng thôi.

Theo dân gian, lấy gạo mới để nấu không nên đong đếm để gia đình luôn sung túc, no đủ. Vo gạo cũng nên nhẹ tay kẻo lại bay hết hương vị của lúa mới.

Lạ lắm, cũng là gạo, nhưng gạo đầu vụ gặt có hương vị khác hẳn so với quãng thời gian khác trong năm. Khi nồi cơm sôi lên, hương thơm lan tỏa trong gian bếp nhỏ khiến tôi có cảm giác như mình đang đứng trước cả cánh đồng lúa chín. Đợi khi nồi cơm “hút lỗ trạch”, ta hẵng “ghế cơm”.

Luôn phải nhớ, “ghế” xốc cơm xung quanh nồi, rồi dùng đũa cả xiên một lỗ ở giữa nồi cơm cho ráo nước. Ngày xưa, chưa có nồi cơm điện nên lúc này phải giảm lửa nhỏ và bắt đầu công cuộc “xoay nồi” trên bếp sao cho cơm chín đều hết các góc và chỉ bén tí cháy là được.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có một sự trùng hợp khá thú vị, cơm gạo mới thường trùng vào đầu mùa rươi. Sau vụ gặt, ở các vùng nước lợ ven các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, khi nổi gió heo may, con nước lên, ấy là mùa rươi đã tới. Dân gian có câu ca: “Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”.

Vâng, cứ đến cữ tháng 10, trên phố phường Hà Nội lại văng vẳng tiếng rao lảnh lót: “Ai mua rưới ra mua”... Cái chữ “rươi” được người bán đẩy lên âm vực cao thành “rưới” với âm điệu thật đặc biệt. Và khi ấy, các bà các mẹ lại trổ tài chế biến các món ngon từ con rươi để đãi người thân như: Rươi xào củ niễng, chả rươi, mắm rươi...

Ngoài món rươi, vào dịp này bao giờ trên mâm cơm nhà tôi cũng có cá kho. Ở quê, các bà các mẹ có món cá kho kiểu “húi trấu” bằng rơm nếp, trấu nếp thì quả là đỉnh cao của ẩm thực. Hương lúa mới như thấm vào cả miếng cá kho.

Ở Hà Nội, mẹ tôi thường lót chuối xanh xắt khúc, lá gừng, thịt ba chỉ, một ít quả chay khô xuống dưới đáy nồi rồi xếp những miếng cá trắm đã được làm sạch, ướp đầy đủ mắm muối, gia vị trước đó lên trên. Sau đó, mẹ canh lửa rất tỉ mẩn. Quả thực, sau bao năm tháng, tôi vẫn chưa thể học đủ “bí quyết” kho cá của mẹ.

Trong tiết trời se lạnh, cả gia đình tôi quây quần bên mâm cơm thơm mùi gạo mới. Gắp miếng chả rươi vàng rộm, nóng hôi hổi dậy lên mùi thơm của vỏ quýt chấm nhẹ vào bát nước mắm cốt rắc hạt tiêu, anh em tôi cứ vừa ăn vừa xuýt xoa vì ngon.

Xêu một đũa cơm dẻo thơm ăn kèm với miếng cá kho lên màu cánh gián, mềm đến tận xương mà không nát, thấm đẫm các gia vị đặc biệt trong đó... Thật là tốn cơm làm sao. Bữa cơm thật là tròn vị khi thêm bát canh cải xanh nấu với thịt nạc vai băm nhỏ.

Năm tháng trôi, mỗi lần tới vụ gặt tháng mười, tôi lại bâng khuâng nhớ về những bữa cơm gạo mới của mẹ giữa mảnh đất Hà thành.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/com-gao-moi-tren-dat-ha-thanh-215042.html