Colombus không phải người đầu tiên tìm ra châu Mỹ và 3 sự thật gây tranh cãi đằng sau những phát kiến lịch sử cực kỳ phổ biến hiện nay

Thomas Edison, Henry Ford và Christopher Columbus đều là những cái tên đã đem đến cho nhân loại những phát minh và khám phá vĩ đại. Nhưng đôi khi, những thành tựu của họ vẫn có chút hiểu nhầm trong đó.

1. Ai mới là người phát minh ra bóng đèn (đèn điện)?

Nói đến bóng đèn, thì chắc chắn cái tên đầu tiên nhảy vào đầu bạn phải là Thomas Edison. Nhưng bạn lại không biết rằng trong tất cả các phát minh được công nhận của Thomas Edison thì bóng đèn là phát minh gây ra nhiều nghi vấn nhất. Bởi vì sao ư?

Theo trang Bulbs, nhiều nhà sử học đã khẳng định Thomas Edison không phải là người đầu tiên và duy nhất tìm cách để tạo ra được bóng đèn. Trước đèn sợi đốt của Thomas Edison, đã có trên dưới 20 phiên bản bóng đèn đã được ra đời, trong đó chiếc bóng đèn đầu tiên là đèn hồ quang (arc lamp) được phát minh bởi Humphry Davy - một nhà vật lí và hóa học người Cornwall, Vương Quốc Anh.

Thomas Edison

Thomas Edison

Nêu vậy không phải để phủ nhận công sức của Edison, mà nhằm đưa ra sự thật rằng có nhiều người cùng góp sức để tạo ra bóng đèn của chúng ta ngày nay. Trong đó, bóng đèn của Edison vẫn được biết đến và sử dụng rộng rãi hơn nhiều so với các loại bóng đèn trước đó, nhờ sự vượt trội trong cả ba yếu tố: chất liệu phát sáng hiệu quả, mức chân không cao nhất mà không có phiên bản nào đạt được.

2. Henry Ford là người phát minh ra ôtô?

Henry Ford không chỉ được biết đến bởi những sáng chế và ông đóng góp cho ngành công nghiệp ôtô, mà còn với danh hiệu "người đấu tranh cho công nhân". Bởi lẽ, mức lương mà Ford trả cho công nhân của mình khi đó là $5 - gấp đôi so với bình thường.

Mà cũng đúng thôi, Ford thừa sức chi trả mức lương cao đó cho công nhân của mình, và họ cũng hoàn toàn xứng đáng. Bởi vì sau thời điểm mẫu Model T của hãng Ford ra đời (năm 1908) vài ngày, đã có 15000 đơn đặt hàng xuất hiện cơ mà.

Model T của Ford khi đó là chiếc ôtô đầu tiên có mức giá cho phép tầng lớp trung lưu ở Mỹ mua được, từ đó tạo ra bước tiến lớn trong ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ. Và cũng bởi vậy, nhiều người cho rằng Ford chính là người đã phát minh ra chiếc ôtô đầu tiên.

Nhưng sự thật thì không phải. Chiếc ôtô đầu tiên được tạo ra bởi một nhà sản xuất xe ngựa người Đức – Karl Benz vào năm 1885 (trước chiếc Model T 20 năm).

Chiếc ôtô đầu tiên

Phía trên là chiếc xe chạy tự động đầu tiên trên thế giới do Benz phát minh, được coi là hài hước một cách kỳ dị. Vì không những là một chiếc xe phức tạp và đắt đỏ, mẫu xe này được Benz thiết kế với máy móc, động cơ gắn phía sau một chiếc xe ngựa.

3. Christopher Colombus là người châu Âu đầu tiên khám phá ra châu Mỹ?

Ngày 3/8/1492, Christopher Columbus rời cảng Palos, Nam Tây Ban Nha, đi tìm con đường đến châu Á, hướng theo phía Tây thay vì là phía Đông như bình thường. Chính hành trình này đã vô tình dẫn đến sự khám phá ra châu Mỹ.

Và đó là kiến thức mà có lẽ tất cả chúng ta đều được học ở trường phổ thông. Chỉ có điều là nó không hẳn đã đúng.

Sự thật thì châu Mỹ ban đầu là một lục địa không có người sinh sống, sau được khám phá bởi những người đến từ Bắc Á. Những người du mục này đã trở thành người bản địa ở đây, còn người châu Âu đầu tiên phát hiện ra châu Mĩ là Leif Erikson.

Leif Erikson là con trai của Erik the Red - người lập nên khu dân cư ở Greenland băng giá. Về việc Leif Erikson đã tìm ra châu Mỹ như thế nào lại có hai nguồn thông tin khác nhau.

Theo dân gian của người Greenland (Saga of the Greenlanders), Erikson biết đến châu Mỹ là nhờ nghe được từ câu chuyện của Bjarni Herjólfsson. Bjarni Herjólfsson vô tình khám phá ra đại lục Bắc Mỹ do thuyền của ông lái chệch về hướng Tây trên đường đến Greenland. Sau đó, vào khoảng năm 1000, một đoàn thủy thủ 35 người chỉ huy bởi Leif Erikson đã khởi hành để tìm ra vùng đất như lời của Bjarni.

Như vậy, Bjarni là người châu Âu đầu tiên "nhìn thấy" châu Mỹ, nhưng không đặt chân đến.

Tuy nhiên theo Saga of Erik the Red thì trên đường từ Nauy trở về Greenland để truyền bá Kito giáo, Leif Erikson đã vô tình phát hiện ra Vinland cũng do thuyền lái chệch hướng. Vinland là cái tên tiếng Nauy được đặt cho vùng đất thuộc châu Mỹ mà ông đặt chân đến. Những khám phá tiếp theo được công nhận là của Thorfinn Karlsefni và vợ ông, Gudrid.

Theo các bằng chứng khảo cổ thì cái tên Vinland (có nghĩa là vùng đất rượu vang) phản ánh cho sự phát triển của nho dại ở đây. Một vùng đất khác mà Leif gọi là Markland lại rất giàu có về rừng, nơi có rất nhiều những cây thân gỗ để thu hoạch và sử dụng.

Vậy phải chăng trước Colombus, đã có vài người khác tìm được ra châu Mỹ? Đây vẫn là điều còn gây tranh cãi. Tuy vậy, việc Colombus là người khai phá ra châu Mỹ vẫn đang được lịch sử công nhận, nên ở thời điểm hiện tại đó vẫn là kiến thức chuẩn mà chúng ta cần phải nắm được.

Theo Khuê Trần/Helino

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/colombus-khong-phai-nguoi-dau-tien-tim-ra-chau-my-va-3-su-that-gay-tranh-cai-dang-sau-nhung-phat-kien-lich-su-cuc-ky-pho-bien-hien-nay/20200606091224755