Cõi Vọng - nỗi đau chân thật thành mẩu trầm thơm

Về xứ Thanh tôi được đọc Cõi vọng của Phạm Thị Kim Khánh (PTKK). Phạm Thị Kim Khánh bỏ qua giai đoạn sung sức của thiếu nữ, đắm say vào việc dạy học, từ một cô giáo dạy Văn ở trường Sư phạm của tỉnh rồi giảng viên Đại học Công nghiệp thành phố HCM, cho tới khi về chiều, chị viết và in thơ. Ba tập thơ đã ra đời, Cõi vọng là tập thứ ba của Khánh.

Song đọc thơ chị hôm nay, người ta nhận ra tâm hồn thơ của chị đâu phải hôm nay mới đâm hoa kết trái, thơ PTKK chu chỉn về ngôn từ, khúc triết về ý tứ, có hương tuyết, lại mang sắc thái riêng biệt, đậm cá tính! Hẳn người như thế, có lẽ không phải người mới tập làm thơ.

Thơ PTKK không sa đà vào sự phá phách tìm cái lạ hình thức, của cái tôi cô độc như vài người trẻ hôm nay thử nghiệm, thơ chị là tiếng tha thiết yêu thương quê hương, đồng loại, từ con sông ngọn cỏ cái cây, lại mang màu sắc triết lý có tính sắc tộc, có lối quan sát, suy nghĩ, ví von hồn nhiên, cụ thể, gần gũi với thiên nhiên của một vùng văn hóa xứ Thanh.

Đó là nỗi lòng của người mẹ song thực ra là tấm lòng con thương mẹ khi con đi xa, với quê hương:
Tháng Giêng hiu quạnh
Mẹ trùm khăn, môi đỏ quết trầu
Mắt rơm rớm canh chừng phía cổng
Con không về
Tê tái

tháng Giêng

Đó là lời của cây: Bàn tay xuân dịu dàng/ băng bó vết thương mùa đời cào xước
đó là tâm hồn con người miền núi:
Ra phố
không vấp đá
không núi chắn
ta lại nhìn về phía đá
mà trông

Đó cũng là nơi người ta, chỉ kẻ sinh ra ở núi, ở rừng quen thuộc, để lắng nghe:

Nhưng hoa dẻ nói lời thơm ấm lắm
quen như là hơi ấm mẹ ta

Có lẽ một người ở thành phố hay nông thôn Bắc bộ không viết được như thế, cảm thấy hương dẻ thơm và ấm như hơi mẹ.

Thơ nữ nhưng PTKK đôi khi có những câu rất hào sảng, không thua kém gì cái hơi khí của nam nhi:
Trong bóng sông ta nhớ về bóng núi
nơi cửa sông điệp điệp sóng cửa rừng.

PTKK có khí thơ rất mạnh, có lẽ là cái khí chất của người quen với sự kì vĩ của núi non mà tạo từ cách dùng từ như ngôn ngữ thường ngày của dân gian miền ngược:

Xe chạy qua mùa lụt vừa rút
phau phau triền sậy mùa hoa
chùm chùm rừng đuôi cáo
dựng ngược.

Hay như:

Sông muốn túa mát trong soi hoa ban hoa trẩu
nhưng đá dựng sông chĩa kiếm ghếch trời
Đá dốc lưng bắt sông làm vực xoáy
Hết nợ, xuống thung sâu sông bắt điệu tình ca.

Tả, dựng thi ảnh về sông nhiều người viết hay, nhưng thi nữ mà nhìn sông: nhưng đá dựng sông chĩa kiếm ghếch trời thì cũng thực là cái nhìn mang cái khí lực đâu còn mềm yếu nữ nhi!

Tuy thế, PTKK vẫn gìn giữ cái dịu dàng tinh tế của chị, ở cái sự quan sát mang giàu tâm hồn người ở núi hiểu rừng:
Cây trúc trên triền xanh
nơi ngày giấu nắng...
Giấu cái nắng vào mình thành sắc vàng như lửa... Đó là cách cảm của riêng PTKK mà nên thơ.

Những câu thơ như: Cô gái Thái Sơn La vai trần giỡn nước... Sông khỏa nỗi nhọc nhằn dốc đứng truông xa luôn là cái nhìn biểu hiện sự hiểu cảm sâu sắc con người miền sơn cước.

PTKK rời bỏ rừng núi, bản làng đi vào thành thị dạy học, nhưng tâm hồn thì vẫn thuộc về nơi sinh ra chị, tức là khi tiếp xúc sâu với văn minh đô thị, chị đã thuộc con người thế giới văn minh, nên thơ chị dầu hiện đại vẫn lấp lánh, thậm chí đậm đặc sắc tố dân tộc. Ta hãy nghe tâm hồn ấy rung lên khi quan sat rất tinh tế trong Tháng Giêng bỏ quên:

Người đi về phía mặt trời
bỏ tháng Giêng sau lưng núi lạnh...

...người đi rồi không còn nghe đêm phai Tiếng chim trống păng păng cưa vách đápóp póp chim mái thoi thóp gọisừng trăng non chưa đủ rạng mái rừng

Chẳng còn hương bưởi thơm bỏ ngải
Áng còn bay không níu được mùa
Yếm còn đỏ tua rua xanh tím
không tay chờ xõng xoãi nền trơ...

Trong tập, tôi rất thích bài Viên phấn. Ba khổ, 10 câu, Viên phấn cô đọng cái quan sát, suy ngẫm giàu tính triết luận về có thể là đời những người thày, song có thể suy luận rộng ra một cách sống đáng khâm phục:

Lời đau trắng
Mài ruột gian mà khắc
Niềm vui trắng
Mài thân tròn mà chép.

Vẹt kiệt cùng
thành mẩu, thành bụi

Thân trắng thành bụi trắng
vui
đau!

Bài thơ làm tôi nhớ đến một câu nói cổ của triết lí Trung Hoa “Nếu làm lợi cho thiên hạ, thì có mài từ đầu tới gót chân cũng phải cam lòng”, nhà thơ không phải là nhà triết học nhưng khi thơ đạt tới độ triết luận sâu sắc vượt qua cả ý lí của một sắc tộc, bàn tới sự khái quát về tâm thế con người bao la hơn, hẳn là thứ thơ chẳng tầm thường. Nên gọi nhà thơ PTKK đạt tới độ hiện đại văn minh mà vẫn giàu tính bản địa, sắc tộc là như thế.
Những câu thơ với nhiều đặc tính như thế tạo nên khuôn mặt PTKK khó lẫn vào ai ở cõi Việt Nam. Nó đậm chất sắc tộc mà không phải sắc nhọn cá tính Đỗ Thị Tấc, bởi nó vẫn hồn cốt bản mường mà rất riêng chất PTKK tha thiết:

Ơ vía!
Bốn mươi vía lên chăm
Năm mươi vía lên chiêu
Vong khôn vía khéo
đi lạc thành vong khốn vía khéo

Vía lạc ra chợ
Vía theo lầm người ra bãi
Vía tuột hố sẩy hang quên lối về

Vía ơi
Về nhà ta
Đường vào có hoa bông páo
Lối ra có hoa bông trăng
Có rau sắng tháng Ba
Măng đắng măng ngọt tháng Sáu
Quả trám rụng trên rãy tháng Bảy
Hoa trảy nở phau phau tháng Tám ngày ngâu...

Hay ở bài Em biết anh ở đâu cũng lồ lộ khuôn mặt PTKK khó lẫn vào ai, với cái giọng khá riêng giàu văn hóa bản địa, với những cặp câu như:
Em theo anh đuổi trâu ngoài gò

Cơm nắm bẻ chung một lẻn
Muối vừng chấm chung một mo

Đi ra mó ra khe...
Anh nói mai sau mình nên vợ nên chồng

Anh lấy lụa anh bọc lấy vóc anh đùm.
Những câu thơ như thế có nguồn cội chăng? Tôi hỏi ra mới biết trong văn bản cổ của người Mường có câu: “Thương em anh lấy lụa anh bọc, lấy vóc anh đùm”. Thế nên có thể suy luận rằng, có những người thơ rất thuyết phục được bạn đọc đều từ cái gốc văn hóa vùng miền hay dân tộc mình, nó là cội gốc, là đế vững để văn hóa phát triển vẫn giữ cái hồn dân tộc nên có sức lay động lớn.
Cõi vọng là tập thơ thứ 3 của PTKK, tất nhiên toàn tập có bài trồi sụt, song đa số là thơ hay, nhất quán một gương mặt PTKK, nó như tiếng vọng từ cõi xứ Thanh đặc sắc cất lên, đặc sắc đau đớn như loài Trầm kết hương khi đi qua
Kiến đục
sấm sét
đạn cắt
thuốc độc
cây dó bầu đau

để “Máu rỉ lệ nhỏ” mà kết "kiếp trầm"
Thơ PTKK là:
...Nỗi đau chân thật
Thành mẩu trầm thơm. "Thắp thành khói thơm" không chỉ riêng cho văn đàn xứ Thanh mà góp thêm tiếng nói đặc sắc cho văn đàn xứ Việt.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/coi-vong--noi-dau-chan-that-thanh-mau-tram-thom-73598