COI TRỌNG DẠY TRẺ LÀM NGƯỜI

Trước thực tế đời sống xã hội hiện nay, nhiều chuyên gia, các bậc phụ huynh lo ngại về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, không ít chuẩn mực đạo đức, giá trị nhân văn bị phá vỡ, cộng với xu hướng chạy theo hưởng thụ, thích làm chuyện 'khác người' của giới trẻ.

Đó cũng là một trong những lý do mà trong dịp khai giảng năm học mới 2019-2020 vừa qua, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp và người đầu ngành giáo dục nhấn mạnh việc coi trọng dạy làm người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Là người tử tế trước khi làm người cộng sản, làm người lãnh đạo cách mạng". Cổ nhân cũng đúc rút: "Dạy con từ thuở còn thơ"; dạy làm người trước, dạy làm việc sau. Cũng theo lý luận khoa học tâm lý giáo dục, việc dạy trẻ làm người phải được đặt lên hàng đầu. Những tín hiệu bản năng đầu tiên của trẻ cũng hướng về điều đó. Trẻ rất cần sớm được học cách xưng hô với ông bà, cha mẹ, học cách gọi dạ, bảo vâng, cách nói năng, đi đứng... Thế nhưng, các nội dung đó chủ yếu được nhà trường dạy bảo ở bậc học mầm non; đôi khi bị xem nhẹ, bị ngắt quãng khi trẻ bước vào lớp 1. Khi trẻ bắt đầu học chữ, giải toán, thì cũng là lúc thời gian chủ yếu dành cho việc trao truyền kiến thức. Việc học làm người chỉ thể hiện qua một số môn học, qua đức độ và tâm huyết của người dạy, chứ chưa thực sự trở thành hệ thống, bài bản.

 Đón các em học sinh lớp 1 nhập trường trong Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 tại trường Tiểu học Gia Quất, quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Đón các em học sinh lớp 1 nhập trường trong Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 tại trường Tiểu học Gia Quất, quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Cha ông ta luôn đặc biệt quan tâm việc dạy làm người và điều này được đặt lên trên hết: "Tiên học lễ, hậu học văn". Ở nhiều quốc gia, những năm đầu học tập luôn đặc biệt coi trọng dạy kỹ năng sống hơn là dạy kiến thức, với các vấn đề đặt ra, như: Thế nào là người tốt? Trách nhiệm công dân; phải sống như thế nào cho xứng đáng với truyền thống dân tộc...? Trong khi đối với chúng ta, nhiều nơi, từ khi bước vào lớp 1, các cháu đã bước vào "cuộc đua" học chữ. Điều này là hoàn toàn ngược với quy luật giáo dục, sai lệch với lẽ tự nhiên của đời sống tâm lý, sinh lý của trẻ. Việc học ở trường nhiều khi quá coi trọng kết quả các môn học, trong khi tiêu chí đánh giá hạnh kiểm chỉ có tính chất định lượng, chưa lượng hóa được các tiêu chí cần thiết về phẩm chất của người học. Lớn lên, nhiều em lại được hướng vào việc coi trọng các môn học tự nhiên, xem nhẹ các môn xã hội, mà bằng chứng là điểm thi tốt nghiệp các môn học xã hội thường đạt thấp; hệ quả là các em không am hiểu lịch sử truyền thống, xem nhẹ giá trị đạo đức, nền tảng gia đình hoặc không hiểu hết những giá trị đó. Không ít các bậc cha mẹ quá chiều chuộng con, chủ yếu quan tâm đáp ứng những nhu cầu về vật chất của trẻ, mà ít quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân sinh quan...

Tôi từng nghe câu chuyện về một trường đại học tổ chức xét tuyển sinh viên đi du học. Sau cuộc đối thoại ngắn thì hội đồng phỏng vấn đã từ chối những sinh viên có thành tích thi cử xuất sắc, bởi câu trả lời của họ chỉ xoay quanh lợi ích bản thân. Tuy nhiên, có một em mặc dù thành tích không cao bằng các sinh viên khác, nhưng vì em có những tố chất và quan niệm nhân sinh rất giá trị, nên hội đồng quyết định trao học bổng cho em. Vị giáo sư phỏng vấn đưa ra lý do trúng tuyển là vì em mong muốn cống hiến cho xã hội, biết chia sẻ với cộng đồng, "cho đi" không tính toán. Đó cũng là bản tính nhân văn, lương thiện đáng trân quý nhất của con người. Vị giáo sư còn cho biết thêm, khi cuộc phỏng vấn kết thúc, tất cả mọi người đứng dậy rời đi, chỉ có em ở lại sau cùng sắp xếp lại ngay ngắn những chiếc bàn ghế bị xô đẩy, lộn xộn.

Câu chuyện trên là một trong những bài học sinh động về kết quả của việc học và dạy làm người. Thiết nghĩ, trong kết cấu chương trình học tập, nhất là những năm học đầu đời, chúng ta cần đặc biệt chú trọng dạy con trẻ cách làm người. Cần phải xóa bỏ dần tư duy sính bằng cấp, sính học vị, học hàm, mà ít chú tâm đến đạo lý làm người. Mục đích của giáo dục không chỉ dạy kiến thức cho học sinh, mà còn phải khiến họ trở thành người biết cống hiến cho xã hội, biết chia sẻ với cộng đồng, biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị quý báu của cội nguồn văn hóa. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của ngành giáo dục và của mỗi gia đình đối với con trẻ.

MINH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/coi-trong-day-tre-lam-nguoi-591134