'Cởi trói' cho bệnh viện phát triển

Tỉnh Nghệ An đã có 8 bệnh viện tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2017-2019, bước đầu đem lại hiệu quả. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, người dân đã không phải ra Hà Nội hay vào Huế để chữa trị. PV báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS.BS. Dương Đình Chỉnh - quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện.

TS.BS. Dương Đình Chỉnh.

PV: Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính có tác động ra sao đến chất lượng phục vụ người bệnh, thưa ông?

TS.BS. Dương Đình Chỉnh: Với 8 bệnh viện đã thực hiện tự chủ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thu nhập của cán bộ, viên chức được tăng thêm. Điều quan trọng là các bệnh viện được chủ động sáng tạo, đổi mới trang thiết bị, tiệm cận hơn với trình độ cao. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại đã được đầu tư cho khám chữa bệnh. Nhiều nguồn lực đã được huy động cho công tác khám chữa bệnh.

Nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn, từ đó các bệnh viện đã phát triển các kỹ thuật tiên tiến như: ghép thận, phẫu thuật thần kinh sọ não, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, hệ thống các xét nghiệm mới như: định nhóm máu ABO, RD, nghiệm pháp Coombs, HPV Real-time PCR, Rotavirus Ag test nhanh kỹ thuật chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, lọc máu liên tục, sử dụng robot định vị Maxio hỗ trợ trong điều trị ung thư phổi bằng sóng cao tần, bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser. Đặc biệt là đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF, trong thời gian tới sẽ phấn đấu tiến tới triển khai kỹ thuật xạ trị trong điều trị ung thư và kỹ thuật ghép tạng...

Với việc tự chủ về tài chính, bệnh viện công lập sẽ phải tự cân đối thu chi để đảm bảo chi thường xuyên. Vì vậy, để “thu hút” bệnh nhân, cơ sở y tế phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể. Còn về phía bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất. Bởi với việc thông tuyến khám chữa bệnh hiện nay, người dân có thể lựa chọn bất kỳ cơ sở nào mình cảm thấy tin tưởng nhất để điều trị.

Trong khi đó trước đây do thiếu máy móc hiện đại, nhiều bệnh nhân đã phải ra Hà Nội hay vào Huế chữa bệnh, rất tốn kém. Cần trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện. Dịch vụ của các bệnh viện được tự chủ đã có sự đổi mới rõ rệt, nhất là với dịch vụ chất lượng cao.

PV: Như vậy, theo cơ chế này, những bệnh viện phục vụ kém thì có thể rơi vào tình trạng bị người bệnh quay lưng, thu không đủ chi?

TS.BS. Dương Đình Chỉnh: Đúng là như vậy. Nhưng đây là con đường tất yếu phù hợp với xu thế phát triển. Lãnh đạo bệnh viện, đảng ủy, chi bộ… phải xắn tay vào cùng với các đoàn thể, bác sĩ thay đổi thái độ phục vụ, coi người bệnh phải là ân nhân của mình, phát triển kỹ thuật mũi nhọn phục vụ bệnh nhân và người nhà được tốt nhất trong khả năng của mỗi bệnh viện.

PV: Thưa ông, giao quyền liệu có dẫn đến tình trạng độc quyền không?

TS.BS. Dương Đình Chỉnh: Chúng ta không lo ngại điều này. Không có chuyện là bệnh viện này có dịch vụ tốt, có máy móc, thuốc tốt mà lại tự ý nâng giá cao lên. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thổi còi ngay. Chúng tôi sẽ giám sát các bệnh viện về việc này. Khi giao quyền tự chủ cho các bệnh viện thì quản lý nhà nước sẽ làm tốt hơn trách nhiệm chính của mình, thanh tra, giám sát tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2018, Sở Y tế đang trình UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt cho 8 đơn vị tiếp tục tự chủ hoàn toàn về kinh phí giai đoạn 2018 - 2020, nâng tổng số bệnh viện thực hiện tự chủ của Nghệ An lên con số 16, đó là: BVĐK Thanh Chương, BVĐK huyện Nghi Lộc, BVĐK huyện Diễn Châu, BVĐK huyện Quỳnh Lưu, BVĐK huyện Yên Thành, BV Lao và bệnh phổi, BV Chấn thương - Chỉnh hình và Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình y tế.

Lê Anh (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/coi-troi-cho-benh-vien-phat-trien-n142015.html