Cởi 'trói buộc' để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chớp cơ hội lớn nhanh

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cơ hội này được ví như yếu tố thiên thời, nhân hòa hiếm có nhưng để tận dụng được, ngành công nghiệp hỗ trợ cần thêm yếu tố địa lợi, tức là sự hỗ trợ của chính sách, làm sao để đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ hấp dẫn hơn so với việc đầu tư, đầu cơ đất đai lướt sóng để kiếm lời trước mắt.

Thống kê 7 tháng đầu năm 2022 cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, trên 15 tỷ USD, trong đó đầu tư vào vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu, tạo nhiều cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Có thể kể đến, công ty năng lượng mặt trời của Nhật Bản đầu tư vào sản xuất thiết bị pin năng lượng mặt trời; hãng Boeing (Mỹ) có hội nghị hàng không vũ trụ tại Việt Nam, mục đích tìm kiếm các nhà cung ứng để cung cấp, tạo hệ sinh thái cho hãng này tại Việt Nam.

Nhiều rào cản với doanh nghiệp

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là điểm đầu tư có hứa hẹn, triển vọng; ngay Samsung cũng đã có cam kết đầu tư 3,3 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ cao nhất về chíp bán dẫn… Đây là những đầu tư FDI có giá trị, tạo ra giá trị lan tỏa, thuận lợi cho DN chế biến chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại tọa đàm "Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu" tổ chức chiều ngày 3/8, số liệu mới được ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cập nhật cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, có thể nói khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự liên kết này còn lỏng lẻo là bởi nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.

Từ phía DN, bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT., JSC) nhận định, chưa bao giờ CNHT Việt Nam có cơ hội tốt như hiện nay. Nếu không tận dụng tốt, thì có lẽ đây là lần cuối cùng để ngành CNHT trong nước "lớn" lên. Nhưng ở góc độ nhà đầu tư, bà Trang chia sẻ khi mở xưởng sản xuất CNHT mới thấy rằng khó khăn rất lớn.

“Thậm chí, một số người bạn của tôi còn nói rằng, tầm này sản xuất làm gì, sao không để tiền buôn đất kiếm lời. Nhưng nói thực, với niềm đam mê, tôi không bao giờ nghĩ con đường mà mình đi là sai”, bà Trang chia sẻ.

Bà Trang kể tiếp, cách đây 22 năm, trước khi rót vốn vào làm linh kiện điện tử, bà đã bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để chuyên gia quốc tế tư vấn. DN cũng luôn cầu tiến để tìm hướng đi, phát triển hơn nữa. Nhưng ai cũng biết để thành công thì cần rất nhiều yếu tố, dễ thấy nhất là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời, nhân hòa là những thứ mà DN có nhưng còn địa lợi thì dường như còn thiếu. DN đầu tư nhà xưởng, nhưng sản phẩm làm ra không cạnh tranh được do chi phí sản xuất đắt đỏ, lãi suất cao…, chưa kể rào cản về nguyên liệu, công nghệ…

Đừng để cơ hội trở thành thách thức

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam chỉ ra: ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành CNHT là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của DN Việt Nam, do DN vừa và nhỏ hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.

Để chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải tạo và xây dựng phát triển chuỗi của người Việt do DN Việt dẫn đầu. Trong trường hợp chưa có được điều đó thì phải chú ý làm sao các DN nhỏ và vừa, DN của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt.

Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận các chính sách để hỗ trợ DN trong nước đi vào triển khai thực tế còn khiêm tốn. Trong khi đó, hiện nay để phát triển DN CNHT khó hơn trước rất nhiều, đối thủ là Trung Quốc, Ấn Độ - tính chuyên nghiệp của họ cao. Do vậy, Nhà nước cần phải xây dựng định hướng phát triển cụ thể, cũng như ưu tiên cho từng ngành. Nhà nước muốn có ngành CNHT cho ô tô hay cơ khí, chứ không thể nói CNHT chung chung.

“Người ta hay nói biến thách thức thành cơ hội, do vậy khi có cơ hội, chúng ta đừng làm ngược lại là biến cơ hội thành thách thức. Điều này cho thấy Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ để nhà đầu tư rót tiền vào sản xuất CNHT thay vì chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, hay đầu cơ bất động sản để kiếm lời”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Trang - lãnh đạo Hanel cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước hỗ trợ để các DN mở rộng xây dựng mặt bằng: "Vì hiện nhiều DN muốn mở rộng mặt bằng nhưng không có tiền để xây nhà xưởng, trong khi giá nguyên vật liệu cao, cộng lãi suất cao rất khó để chiếm ưu thế. Bởi nếu ngay các DN trong nước giá còn cao hơn các DN nước ngoài thì rất khó để cạnh tranh".

Bên cạnh đó, mặc dù ưu đãi rất nhiều nhưng chính sách lại vướng về các điều kiện ràng buộc thì cũng gây khó khăn cho DN. Do đó, cần nới lỏng chính sách, tuy nhiên phải gắn chặt với các quy định của pháp luật để DN nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/coi-troi-buoc-de-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-chop-co-hoi-lon-nhanh-1087186.html