Cội nguồn nhà Rông Ba Na
Nhiều người biết nhà Rông là nhà làng của người Ba Na, nhưng chắc chắn rất ít người biết nghĩa gốc của từ 'Rông'. Và chính nghĩa gốc của từ đó sẽ 'bật mí' cho chúng ta biết bản chất và cội nguồn của dạng nhà này.
Tên gọi “Rông”
Về cả tên gọi và chức năng, nhà Rông của người Ba Na gần gũi với nhà Rung của người Gia Rai láng giềng, xa hơn với nhà Malang/ Lang của người Choang ở Nam Trung Quốc và nhà Morung của người Na ga ở Đông Bắc Ấn Độ.
Tuy nhiên, nếu trong tiếng Ba Na, Rông chỉ có nghĩa là nhà dành cho các chàng trai thì trong các tiếng Gia Rai, Naga, Choang, các từ Rung, Morung, Malang vừa có nghĩa là nhà dành cho các chàng trai, vừa có nghĩa là chàng trai. Từ chỉ chàng trai đó có họ hàng với các từ chỉ người đàn ông, người chồng, con trống... Như vậy, tên gọi các ngôi nhà làng - nhà dành riêng cho các chàng trai hay đàn ông nói chung của các tộc người trên đều có nghĩa gốc là chàng trai, đàn ông.
Vậy ngôi nhà dành riêng cho các “chàng trai” đó đã ra đời từ bao giờ, vì sao?
Nhà Rông thời Đông Sơn
Sử sách đã ghi nhận về nhà chàng trai hay nhà đàn ông ở người Bách Việt cách đây ít nhất 3.000 năm. Các bằng chứng khảo cổ và Dân tộc học cho thấy dạng nhà đó đã có vào thời nước Âu Lạc (thế kỷ 3-2 trước Công nguyên - TCN) hay thời Đông Sơn.
Vào thời đó, xã hội Âu Lạc vẫn mang đậm tính mẫu hệ. Trong một xã hội mẫu hệ, để tạo ra sự cân bằng với ngôi nhà riêng của các gia đình mẫu hệ do phụ nữ làm chủ, ở mỗi làng cần có một ngôi nhà chung dành cho nam giới từ trẻ tới già.
Đó là nơi ngủ tập trung của các chàng trai đến tuổi dậy thì để hạn chế sự tiếp xúc với chị em gái của mình. Đó cũng là nơi ngủ của các ông chồng khi vợ có bầu và mới sinh con. Đặc biệt, đó là nơi tiến hành các hội lễ gắn với việc thờ cúng tổ tiên - thần linh chung của cả làng, bao gồm lễ trưởng thành hay lễ “thành đinh”, một nghi lễ bắt buộc đối với nam giới để một chú bé trở thành một chàng trai và chính thức trở thành một thành viên trong cộng đồng làng.
Vào thời Đông Sơn trong nghi lễ đó, các chú bé được xăm mình hình rồng để được Ông Tổ Rồng nhận biết và công nhận là con cháu của mình, từ đó họ sẽ được nhiều thuận lợi, may mắn khi xuống sông hay ra biển đánh bắt cá.
Tiếp đó, ngôi nhà đó cũng là một dạng trường làng, nơi các chàng trai được các bậc cha chú dạy cho các kỹ năng làm người như cách dùng rìu, phóng lao, bắn nỏ, đánh trống, thổi khèn, hát đối đáp giao duyên với các cô gái...
Ngôi nhà đó cũng là nơi cất giữ các vật thiêng, đồ quý của làng như trống, chiêng, mặt nạ dùng trong các hội lễ; nơi tiếp đón khách từ các làng khác. Với các chức năng đó, ngôi nhà trở thành một trung tâm xã hội - văn hóa tín ngưỡng của một làng.
Các hình khắc trên trống đồng cho thấy thời Đông Sơn có hai dạng nhà chính: nhà hình chim sống mái lõm, hai đầu nóc có hình chim là nhà ở riêng của các gia đình mẫu hệ và nhà hình rùa sống mái lồi, hai đầu nóc có hình các vòng tròn đồng tâm là nhà chung của nam giới. Hai dạng nhà đó thể hiện tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim và Ông Tổ Rùa (một hiện thân của Rồng) của người Đông Sơn.
Ngôi nhà có bờ mái cong lồi chính là nhà chàng trai bởi đó là nơi thờ Ông Tổ Rồng - Rùa (trong truyền thuyết là thần Rùa Vàng, vị thần bảo hộ cho An Dương Vương, thành Cổ Loa và nước Âu Lạc), cũng là nơi cất giữ dàn cồng chiêng, nơi tiến hành lễ đâm trâu, một nghi lễ cầu mưa cầu mùa với vai trò chính của nam giới.
Dễ thấy, ngôi nhà đó đồng dạng và có những chức năng tương tự với nhà Rông Ba Na và ngôi đình làng Việt sau này.
Tuy nhiên, với người Ba Na và các học giả thời nay, nhà Rông Ba Na lại mang những biểu tượng khác.
Biểu tượng thuyền và rìu
Thực tế, nhà Rông Ba Na có hai dạng: dạng mái thấp là dạng mái cổ hơn bởi gần gũi nhất với mái nhà cong lồi trên trống Ngọc Lũ cũng như các trống đồng của tổ tiên người Ba Na được tìm thấy ở Bình Định; dạng mái cao là dạng mái mới sau này. Có người đã ví dạng mái cao đó với “một cánh buồm no gió”, từ đó mô tả “làng Ba Na như một đoàn thuyền với nhà rông mái cao vút như con thuyền buồm chỉ huy”. Đồng thời, trong con mắt nhiều người, dạng mái cao đó lại được coi như một lưỡi búa hay lưỡi rìu lớn đang chĩa thẳng lên trời cao.
Dễ tưởng rằng đó chỉ là hai hình tượng được cảm nhận kiểu “trực quan sinh động”. Nhưng thực ra, đó chính là hai biểu tượng đích thực của nhà Rông Ba Na trong lịch sử.
Tính biểu tượng con thuyền của nhà Rông được thể hiện ở dạng nhà Rông mái thấp nằm theo trục Bắc Nam với hai sàn giống nhau ở hai đầu gợi đến hai đầu thuyền và dạng nhà mồ có mái trông giống con thuyền úp ngược…Ở hai đầu hồi nhà rông có hình chim, tùy nơi là hình chim chèo bẻo, diều hâu hay đại bàng, các loài chim săn mồi bay khỏe, mắt tinh, tiếng kêu vang xa, được coi là biểu tượng của các chàng trai Ba Na. Dù thế nào, hình chim đó có liên hệ cội nguồn với hình chim trên dạng nhà - chim Đông Sơn, cũng được coi là nhà hình thuyền.
Nhiều bằng chứng cho thấy người Ba Na là con cháu của một nhóm di dân Đông Sơn Nam tiến. Vì thế, biểu tượng thuyền của nhà Rông đã được kết thừa từ dạng nhà hình thuyền - chim Đông Sơn và phản ánh sự tổng hòa hai dạng nhà Đông Sơn, một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều văn hóa cùng có cội nguồn Đông Sơn ở Đông Nam Á.
Mặt khác, do có gốc trực tiếp từ nhà Rông thời Đông Sơn, nhà Rông Ba Na cũng mang những dấu tích đặc trưng như bờ mái cong lồi, mặt bằng hình bầu dục hình bụng rùa, đầu nóc có hình “rau dớn”, tương đương với các hình tròn đồng tâm ở hai đầu nóc nhà hình rùa Đông Sơn. Đặc biệt, người Xơ Đăng, một tộc anh em gần gũi với người Ba Na có một truyền thuyết kể rùa đã dạy tổ tiên họ làm nhà (Rông) và coi mô típ “rau dớn” ở hai đầu nóc nhà Rông là hình “đầu rùa”. Rõ ràng, truyền thuyết và quan niệm trên rất gần gũi với truyền thuyết và quan niệm của người Thái Đen, tộc người có dạng ở gọi là “nhà mái hình mai rùa” với hình “khau cút” (“sừng ngọn rau dớn”) ở hai đầu hồi.
Tuy nhiên, tại vùng đất mới, ngôi nhà Rông Ba Na đã có một sự đổi mới về tính biểu tượng.
Trong tín ngưỡng của người Ba Na Tây Nguyên, Thần Sấm Sét (Bok Glaih) với vũ khí là cây rìu là vị thần được kính sợ nhất và được cầu khấn nhiều nhất trong mọi nghi lễ bởi đó là thần chiến tranh - thần bảo hộ, vị thần ban cho họ những cơn mưa gắn với mùa nương rẫy bội thu và truyền cho họ sức mạnh chiến thắng.
Với tín ngưỡng đó, người Ba Na coi những mảnh rìu đá cổ, được gọi là “rìu sét”, là “nơi trú ngụ” của thần Sấm Sét và đem chúng cất trong “túi thiêng” để dưới mái nhà Rông. Rồi họ đã lấy lưỡi rìu, một biểu tượng của Thần Sấm Sét, của quyền thế, sức mạnh bảo vệ làm hình mẫu cho nhà Rông.
Với biểu tượng rìu đó, nhà Rông Ba Na vẫn kế thừa dáng mái cong lồi của ngôi nhà Rông hình rùa xưa, đồng thời cũng rất phù hợp với vai trò truyền thống của nhà Rông là trung tâm xã hội tín ngưỡng của làng, nơi ngủ và luyện rèn các kỹ năng chiến đấu của các chàng trai, nơi canh phòng và chiến đấu giữ làng...
Đặc biệt, trong tiếng Ba Na, từ chỉ rìu (jơng) và chỉ nhà đàn ông (rông) gần như đồng âm. Điều này càng tăng thêm sức mạnh ma thuật của ngôi nhà này.
Chưa hết, biểu tượng rìu đó còn có liên hệ thần bí với Ông Tổ Trống - Bà Tổ Trống, biểu tượng tổ tiên mới của người Ba Na.
Một truyền thuyết khởi nguyên Ba Na kể rằng: sau một trận lụt lớn, duy nhất chỉ có hai anh em sống sót nhờ chui vào một chiếc trống to. Sau họ buộc phải lấy nhau, sinh con, trở thành Ông Tổ Trống-Bà Tổ Trống của nhiều tộc người. Một lần, con cháu ông bà Trống quyết định làm một ngôi nhà lớn, mái cao vút như lưỡi rìu… Nhưng vì mái quá cao, người anh cả ngồi trên bờ mái nói đàn em ở dưới không nghe được. Mọi người bỗng nói không hiểu được nhau. Để rồi, mọi người phải rời ngôi nhà đó, thành tổ tiên nhiều tộc người ngày nay.
Người Ba Na đã từng là chủ nhân của trống đồng Đông Sơn, dạng trống mang hình chiếc cối giã gạo mang hình hài và linh hồn Bà Tổ. Trống đồng cũng được gọi là “trống sấm” bởi tiếng trống mô phỏng tiếng sấm trong lễ cầu mưa. Trống đồng và rìu đồng là hai vật thiêng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn gắn với thần sấm sét.
Với các mối liên hệ cội nguồn đó, nhà Rông là một biểu tượng văn hóa truyền thống chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử sâu xa của người Ba Na.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/coi-nguon-nha-rong-ba-na-i725038/