Coi chừng tiền mất, tật mang tại các spa làm đẹp

Hiện nay, các spa mở ra tràn lan khiến cho công tác thanh, kiểm tra khó mà rà soát hết được. Điều này khiến cho các spa chưa được cấp phép hoặc chưa đủ trình độ tha hồ sử dụng những chiêu trò độc, lạ nhằm 'câu khách'. Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra tại các cơ sở spa...

Tiền mất, tật mang!

Làm đẹp không đúng cách có thể dẫn tới bị thương thậm chí bị mất một số chức năng vĩnh viễn. Theo một clip được chia sẻ trên mạng xã hội, sau khi được chính chủ spa tư vấn làm phương pháp cồn nhân sâm cho nở lỗ chân lông và làm đẹp da, vị khách đã gật đầu đồng ý.

Nữ nhân viên spa phủ khăn kín mặt và phần thân trên của khách hàng, sau đó châm lửa đốt cồn cháy trong 20 giây. Tiếp tục, nhân viên phủ một tấm khăn khác lên để dập lửa rồi xoa bóp tay và cổ cho khách. Lặp đi lặp lại nhiều lần, nhân viên này tỏ ra khá thuần thục và “chuyên nghiệp”. Kết quả là sau khi trị liệu, nạn nhân bị phỏng ở mặt và vai: Da mặt bị lột hết; tóc, lông mi và lông mày bị cháy trụi. Ngay sau đó, vị khách này đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

Phương pháp “trị liệu” bằng lửa này được gọi bằng các tên “đẹp” và kêu như “hỏa trị liệu”, “cồn nhân sâm” và “hỏa liệu pháp”… nhằm để “lòe” khách hàng. Nhân viên tại các cơ sở này được đào tạo sơ sài, chỉ qua khóa học khoảng 2 tuần là đã “ra nghề”. Thậm chí có người chỉ mất 3 ngày để biết dùng… lửa.

Cũng là một phương pháp làm đẹp, tiêm filler (chất làm đầy) được rất nhiều các cơ sở làm đẹp sử dụng. Tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM ghi nhận một bệnh nhân bị thương ở mũi nghiêm trọng do tiêm filler.

Bệnh nhân là T.N.T (19 tuổi, nữ sinh viên một trường đại học ở Q.2, TP.HCM) nhập viên trong tình trạng mũi, mắt phải… sưng đỏ. Qua kiểm tra, bác sĩ xác định 2/3 vùng mũi của nữ sinh này bị biến chứng nhiễm trùng hoại tử sau khi chích chất làm đầy.

Theo lời của T., vào chiều 2/11, cô đến một cơ sở thẩm mỹ ở một chung cư trên địa bàn quận 4 để nâng mũi. Tại đây, cô được nhân viên thực hiện tiêm chất làm đầy không rõ loại vào vùng mũi, nhưng thời điểm đó không thấy có triệu chứng gì bất thường nên T. ra về. Tuy nhiên, đến ngày 3/11, bệnh nhân cảm thấy tê đau nhức vùng mũi và da xung quanh mắt, sau đó sưng tấy rồi chuyển sang tím bầm nên đã tìm đến cơ sở thẩm mỹ trên để phản ánh và được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị biến chứng.

Bác sĩ Võ Thị Tuyết Nhung (bác sĩ điều trị cho T.) cho biết chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử vùng mũi sau khi tiêm chất làm đầy nâng mũi ngày thứ 3. Hiện các bác sĩ ở đây đã tiến hành khu trú tổn thương, thời gian tới, bệnh nhân phải được tiếp tục điều trị cắt bỏ phần da chết ở vùng mũi, phẫu thuật tạo hình lại, chắc chắn sẽ để lại sẹo tại vị trí được can thiệp.

Một trường hợp khác, vào ngày 16/7, chị D. (30 tuổi) đã đến tiêm filler tại 1 spa ở chung cư trên địa bàn Q.4, TP.HCM. Sau khi tiêm được 5 phút thì chị thấy đau nhức dữ dội, mờ mắt và không mở được mắt; đau tại ổ mắt lan lên vùng trán. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng da vùng mũi, mắt trái sưng bầm, có dấu hiệu tắc mạch, bị tổn thương xoang hang, tắc động mạch trung tâm võng mạc, liệt dây thần kinh số 3, hoại tử vùng mũi, tăng nhãn áp mắt trái do tiêm chất làm đầy.

Vị khách bị bỏng nặng tại Phan Rang, Bình Thuận do sử dụng phương pháp làm đẹp "quái dị” này!

Tẩm cồn và đốt...

Sau đó dập lửa và lại đốt tiếp, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần.

Hoạt động chui, không được cấp phép

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp Phòng Y tế quận Tân Bình, quận 2 và đoàn kiểm tra liên ngành của các phường đã kiểm tra, giám sát từ ngày 13-19/11 đối với ba cơ sở gồm Spa Đông Y (số 4, đường số 6, phường Bình An, Q.2); cơ sở hóa trị liệu Sài Gòn (số 4, Đặng Lộ, P.7, Tân Bình) và cơ sở hóa trị liệu Sài Gòn (số 9 Lê Văn Huân, P.13, Tân Bình).

Tại các điểm trên, đoàn kiểm tra ghi nhận: Chủ đầu tư chỉ thuê văn phòng và kinh doanh cà phê, chưa phát hiện các vụ hỏa trị liệu.

Do không phát hiện được vi phạm, đoàn kiểm tra chỉ khuyến cáo các hộ kinh doanh đúng lĩnh vực cấp phép, không được thực hiện trị liệu khám chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục phối hợp Phòng Y tế quận Tân Bình, quận 2 và đoàn kiểm tra liên ngành UBND các phường giám sát hoạt động các địa chỉ trên.

Bởi vì hoạt động chui, không được cấp phép nên các cơ sở thẩm mỹ này sẵn sàng làm mọi việc, thậm chí tư vấn những dịch vụ với quảng cáo “nổ bốc trời”. Tuy nhiên công dụng thực sự thì hoàn toàn không có mà còn nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng.

Trước tình trạng kể trên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân khi muốn khám chữa bệnh hãy cẩn trọng và chỉ chọn các cơ sở y tế có bảng hiệu, có địa chỉ cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Thanh tra cũng khuyến cáo người thực hiện khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và thực hiện các phương pháp chăm sóc sức khỏe đã được Bộ Y tế cấp phép.

Hoại tử mũi do tiêm filler tại cở sở thẩm mỹ chui.

"Nổ" tung trời nhằm "câu khách" làm đẹp.

Tuệ Minh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/coi-chung-tien-mat-tat-mang-tai-cac-spa-lam-dep-d72735.html