Coi chừng tá dược trong thuốc là nguyên nhân gây hại

Thuốc điều trị bệnh, bên cạnh các thành phần dược chất (thành phần chính), còn có các thành phần phụ (tá dược) không có hoạt tính để làm cho thuốc dễ hấp thu, hình thức hấp dẫn hơn, hương vị dễ sử dụng hơn... Đối với đa số mọi người, các chất phụ gia này sẽ không gây hại gì, nhưng đối với một số người, chúng có thể gây ra vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe...

Các tá dược có trong thuốc

Đưa tá dược hay chất phụ gia như chất bảo quản, hương liệu, chất làm ngọt... vào thuốc với mục đích làm cho thuốc có hương vị, hình dạng hoặc kết cấu phù hợp, hoặc bảo vệ thuốc khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và kéo dài thời hạn sử dụng của thuốc.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt hơn 700 chất phụ gia khác nhau để sử dụng trong các loại thuốc kê đơn và không kê đơn. Mặc dù các thành phần này được yêu cầu phải đảm bảo an toàn, nhưng chúng đôi khi có thể không an toàn cho một số người.

Hầu hết, khi chúng ta uống thuốc thì chỉ hấp thụ một lượng rất nhỏ những tá dược này, nhưng một số đối tượng như người cao tuổi, có xu hướng uống nhiều thuốc hơn. Theo khảo sát, một bệnh nhân uống 10 loại thuốc kê đơn mỗi ngày sẽ hấp thụ trung bình 2,8g các tá dược hằng ngày. Đáng lo ngại, là có đến 93% số thuốc có chứa chất gây dị ứng, bao gồm lactose, dầu lạc hay gluten mà một số người có thể không dung nạp được. Hơn một nửa số thuốc chứa đường fodmap. Đây là các loại đường cụ thể được tìm thấy trong thực phẩm như: fructose, lactose, fructans, galactans và polyol. Fodmap gây ra các vấn đề về tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.

Một số tá dược có thể gây bất lợi cho người dùng.

Một số tá dược có thể gây bất lợi cho người dùng.

Một nghiên cứu cũng cho thấy những người dùng các loại thuốc sủi bọt như thuốc giảm đau acetaminophen và aspirin, đối mặt với nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề về tim mạch khác cao hơn so với những người không dùng thuốc này. Thủ phạm đằng sau những rắc rối này là nồng độ natri cao trong các loại thuốc sủi bọt. Natri dư thừa có thể gây ra các vấn đề về tim ở những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Đường có thể gây rắc rối cho những người mắc bệnh tiểu đường. Tinh bột có thể kích hoạt phản ứng ở những người mắc bệnh celiac hoặc nhạy cảm với gluten. Viên nén sử dụng đường sữa làm chất kết dính có thể gây rắc rối cho những người không dung nạp đường sữa.

Khi bác sĩ kê đơn thuốc, họ luôn lưu ý cẩn thận về hoạt chất và liều lượng, nhưng ít để ý đến những thành phần không có hoạt tính được thêm vào trong thuốc. Ngay cả các loại thuốc với cùng hoạt chất và cùng liều lượng cũng có thể có các thành phần khác nhau, tùy thuộc vào nhà sản xuất. Ví dụ, có tới 43 công ty khác nhau sản xuất tổng cộng 140 công thức khác nhau của thuốc levothyroxine, một loại thuốc điều trị thiếu hormon tuyến giáp.

Ngoài ra, mặc dù các nhà sản xuất luôn cung cấp một danh sách các thành phần của thuốc trên bao bì và tờ thông tin hướng dẫn, nhưng do tên hóa học nên mọi người có thể không rõ chất nào trong số đó có thể gây dị ứng. Ví dụ, trên bao bì sẽ không ghi dẫn chất lúa mì là có chứa gluten.

Tá dược trong viên sủi không tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

Cần làm gì để tránh bất lợi này?

Việc cảnh giác với những hoạt chất này là cũng rất quan trọng để tăng hiệu quả của thuốc điều trị đồng thời hạn chế những rủi ro. Vậy bạn có thể làm gì để tránh các phản ứng thuốc bất ngờ?

Bất cứ khi nào bạn nhận được đơn thuốc mới, hãy đọc qua các tài liệu thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc để kiểm tra bất kỳ cảnh báo dị ứng nào có thể xảy ra. Khi được kê đơn thuốc, bạn cần trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về cả các thành phần hoạt động và không hoạt động, đặc biệt là nếu bạn có tiền sử bị dị ứng.

Lên danh sách tất cả các loại thuốc bạn đang dùng cả thuốc theo toa và thuốc không kê đơn để đảm bảo không có loại thuốc nào trong danh sách của bạn có khả năng tương tác hoặc gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.

DS. Lê Thanh Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/coi-chung-ta-duoc-trong-thuoc-la-nguyen-nhan-gay-hai-n173173.html