Cởi bỏ 'tai ách' hướng đến thực chất

Khi mà chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trở thành thứ không thể thiếu trong hồ sơ cán bộ, đã khiến cho nhiều người phải biến báo để có được những tấm giấy 'thông hành' màu đỏ ấy. Người không có trình độ phải đi 'cửa sau' để có đã đành, ngặt nỗi ngay cả một số người có khả năng cũng không tự tin để đi thi phần vì ngại, vì gấp gáp, thậm chí cả việc lo chẳng may bị đánh trượt, nên cũng chọn cách 'linh hoạt' để được sở hữu những chứng chỉ ấy.

Yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là một trong những tiêu chí nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhưng bởi do cách thực hiện có phần máy móc, nên trong một số hoàn cảnh vô tình đã trở thành “tai ách”, gây lãng phí và rất nhiều phiền phức. Đằng sau những tấm bằng ngoại ngữ, chứng chỉ ngoại ngữ “ngoài luồng”, là không ít tai tiếng, để lại hệ lụy cho xã hội.

Biết rằng cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế không thể thiếu kiến thức tin học và ngoại ngữ, nhưng phải là kiến thức thực chất, giúp giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn, chứ không phải là tờ giấy để làm đẹp hồ sơ và nhằm vượt qua các “cửa ải” tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch...

Sau nhiều bức xúc của đội ngũ giáo viên, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, thay vào đó yêu cầu giáo viên phải có khả năng ngoại ngữ và tin học thực tế.

Bộ Nội vụ mới đây cũng cho biết đang dự thảo thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, với một nội dung rất được chờ đợi đó là bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức.

Căn cứ để Bộ Nội vụ dự thảo thông tư trên là Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định mới hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có quy định đơn giản hóa thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

Tại dự thảo thông tư này dù Bộ Nội vụ không yêu cầu cán bộ, công chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng quy định về năng lực sử dụng được ngoại ngữ và tin học. Quyết định này gỡ khó trước mắt cho nhiều cán bộ, công chức, nhưng cũng đặt họ vào yêu cầu cao hơn, là phải chứng minh được năng lực thực tế đáp ứng các yêu cầu trong hoàn cảnh phải sử dụng tin học, ngoại ngữ.

Thay cho việc nhiều cán bộ đôn đáo để có được tờ chứng chỉ và khi có rồi là yên tâm hoàn toàn vì chứng chỉ đã trở thành “tấm khiên” che chắn cho họ yên tâm công tác và thăng tiến, thì sắp tới không ít cán bộ phải nghĩ đến việc cất đi tờ giấy ấy để học thực chất, làm thực chất, chứng minh khả năng thực tế của mình. Như thế mới là công bằng, con đường đi giúp chúng ta thực sự hội nhập quốc tế và hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/coi-bo-tai-ach-huong-den-thuc-chat/132572.htm