COCAINE - TỪ DƯỢC PHẨM HỢP PHÁP ĐẾN ĐỘC CHẤT GIẾT NGƯỜI - Kỳ 1: Thời hoàng kim của cây coca

Kể từ khi bị Liên hợp quốc đặt ra ngoài vòng pháp luật hồi giữa thế kỷ 20, buôn bán Cocaine vẫn là một trong những nền kinh tế bất hợp pháp mang lại lợi nhuận lớn nhất thế giới. Nó dẫn đến sự ra đời của hàng nghìn tổ chức tội phạm toàn cầu. Nhưng vì sao một hóa chất được công nhận là thuốc chữa bệnh lại trở thành kẻ giết người mà nạn nhân của nó có thể là bất kỳ ai?

Thuốc trị đau răng có Cocaine được quảng cáo và bán tự do ở Mỹ trong thập niên 1920.

Thuốc trị đau răng có Cocaine được quảng cáo và bán tự do ở Mỹ trong thập niên 1920.

1. Về mặt khoa học, chất ma túy Cocaine chiết xuất từ cây Erythroxylum mọc hoang (người bản địa Mỹ Latin gọi nó là cây Coca) với 200 loài được tìm thấy ở Trung và Nam Mỹ, 80 loài ở châu Phi, Madagascar, Đông Nam Á, Australia. Tùy theo từng vùng, trong mỗi chiếc lá hàm lượng Cocaine có từ 0,5 đến 1,8%. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy lá Coca đã được người bản địa Mỹ Latin sử dụng từ hơn 2.000 năm trước bằng cách nhai nát để chống mệt mỏi, buồn ngủ đồng thời xua đi cái đói. Bên cạnh đó, nó còn rất hiệu quả trong việc chữa một số chứng như đau răng, nhức đầu và đặc biệt là đau do gãy xương. Nhà sinh học Donald White, Đại học UCLA, Mỹ, nói: “Nếu bạn lo âu, buồn phiền, chán nản, hãy thử nhai vài lá Coca. Chỉ vài phút thôi, những hiện tượng nói trên sẽ biến mất. Bạn lập tức trở thành hưng phấn, yêu đời…”.

Có lẽ vì vậy nên người Tây Ban Nha - là những người phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Nam Mỹ đặc biệt quan tâm loại cây này nhưng “công đầu” phải kể đến Angelo Mariani, nhà hóa học Pháp. Sau khi phân tích các thành phần có trong lá Coca, ông gọi chất tạo ra sự giảm đau, hưng phấn là Cocaine. Cũng dựa trên phân tích ấy, năm 1863 Angelo Mariani cho ra đời loại rượu vang Bordeaux, gọi là Vin Mariani (rượu vang của Mariani), trong đó pha trộn một lượng Cocaine nhỏ. Ngay lập tức, rượu vang Mariani tạo ra một cơn sốt. Để quảng cáo, Angelo Mariani gửi tặng nó cho những người nổi tiếng như Giáo hoàng Leo XIII, Roma, nữ hoàng Victoria Vương quốc Anh, các Tổng thống Mỹ Ulysses S.Grant, William McKinley và Sa hoàng Nga Nicholas II...

Trong cuốn “Andean Cocaine”, Paul Gootenberg, giáo sư lịch sử Mỹ Latin tại Đại học Stony Brook và là nhà nghiên cứu chuyên sâu về Cocaine viết: “Loại đồ uống ấy nổi tiếng đến mức từ năm 1863 đến 1885, Mariani trở thành người nhập khẩu Cocaine lớn nhất châu Âu”.

Tuy nhiên cái chết của Mariani vào năm 1914 đã đánh dấu sự kết thúc của rượu vang Mariani vì ông dấu kín công nghệ pha chế, ngay cả với các con mình nhưng những người khác đã tiếp bước ông bằng sự ra đời của nhiều phòng thí nghiệm, nghiên cứu về Cocaine.

Trong vòng hai thập kỷ từ khi Angelo Mariani tìm ra Cocaine, việc sử dụng nó như một loại thần dược đã bùng nổ trên toàn châu Âu. Nhà tâm thần học nổi tiếng Sigmund Freud viết trong một bản thảo nói về bệnh lý trầm cảm: “Một liều nhỏ Cocaine đã giúp cho tất cả bệnh nhân của tôi vượt qua cơn trầm cảm nặng nề. Nó khiến tôi không biết phải làm thế nào để ca ngợi nó”.

Với Công ty dược phẩm Merck có trụ sở tại Đức, Cocaine mở ra một cơ hội kinh doanh chưa từng thấy bởi nhu cầu khổng lồ của thị trường. Tuy nhiên Merck gặp phải một vấn đề: Đó là khi nhập khẩu lá Coca từ Nam Mỹ và khi đến châu Âu bằng tàu biển, nó bị thối rữa do không được bảo quản tốt. May mắn thay và cũng là bất hạnh, một nhà hóa học người Peru đã tìm ra phương pháp biến Cocaine trong lá Coca thành một sản phẩm trung gian. Đó là Cocaine base hay còn gọi là Cocaine sulfat, dễ vận chuyển và không hư hỏng. Cứ 100kg lá Cocaine đã khô sẽ thu được 1kg Cocaine sulfat.

Thu hoạch lá Coca ở Colombia.

2. Từ đó thị trường Cocaine phát triển theo cấp số nhân. Nếu như năm 1884, Công ty Merck chỉ sản xuất được 1kg Cocaine thì năm 1886, con số này là 500kg rồi năm 1902, nó là 2,4 tấn, chiếm 1/4 lượng Cocaine trên toàn thế giới. Merck dùng nó để chế tạo ra nhiều loại thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc trị một số bệnh tâm thần và thuốc gây mê trong phẫu thuật.

Một số cường quốc châu Âu như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng nhanh chóng nhận ra lợi nhuận nên cây Coca giống được gửi đến các thuộc địa ở châu Phi, châu Á. Tại đây, cùng với cây trà, ca cao, cà phê…, các phòng thí nghiệm cũng nhanh chóng mọc lên nhằm tận dụng tất cả những “ưu thế” của Cocaine! Giáo sư Paul Gootenberg viết: “Trước đó, các nhà buôn đều đánh giá thấp tính linh hoạt của cây Coca. Họ nghĩ rằng nó chỉ mọc ở một vùng nào đó nhưng về mặt sinh thái, nó phát triển tại những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, chẳng khác gì cây trà”. Ở nước Anh, từ những năm 1880, người Anh bắt đầu quan tâm đến Cocaine bằng một chương trình nghiên cứu tại vườn bách thảo Hoàng gia ở Kew, phía tây London. Hạt giống sau khi nảy mầm thành cây con sẽ được vận chuyển đến các thuộc địa ở Châu Phi, Caribe, Sierra Leone và Jamaica trong lúc người Pháp và Đức trồng nó ở Tanzania, Togo, Cameroon cũng như ở Guadeloupe, Martinique, Trinidad và Cộng hòa Dominica.

Theo Paul Gootenberg, cây Coca của người Anh phát triển tốt ở vùng Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Sri Lanka. thu hoạch hàng năm khoảng 24 tấn lá, đủ để tạo ra 150 đến 200kg Cocaine nhưng việc đưa cây Coca lên tầm cao mới lại là người Hà Lan. Vào đầu những năm 1900, các nhà nông nghiệp Hà Lan làm việc tại trạm nghiên cứu thực vật ở Indonesia, khi đó gọi là Đông Ấn thuộc Hà Lan, đã chọn lọc một cách có hệ thống để lấy ra những hạt giống tốt nhất rồi gieo trồng nó trong các đồn điền. Kết quả là từ năm 1905 đến 1920, Hà Lan thống trị ngành công nghiệp Cocaine toàn cầu với hơn 120 đồn điền trồng cây Coca.

Giáo sư Gootenberg cho biết chỉ riêng năm 1915, Hà Lan thu hoạch 1.650 tấn Cocaine gulfat. Nó được chuyển trở lại để tinh chế tại nhà máy ở Amsterdam, Hà Lan…

VŨ CAO -(Theo Insight Crime)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202210/cocaine-tu-duoc-pham-hop-phap-den-doc-chat-giet-nguoi-ky-1-thoi-hoang-kim-cua-cay-coca-962199/