Cốc nước đổi màu trong phòng Tổng Giám đốc

Nói chuyện với ông Khang tôi lại nhớ đến cốc nước trong cuộc gặp hồi đầu năm với anh Phạm Thanh Tùng-Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

 Sản phẩm mới ra lò ở Lâm Thao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm mới ra lò ở Lâm Thao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi ước muốn của người dân là mệnh lệnh

Anh Tùng khi đó đã lấy một cái cốc nước trên bàn rồi thả vào mấy viên phân hàm lượng cao của nhà máy mới ra lò, lắc lắc một lúc, ngắm chúng tan ra với nét mặt đầy phấn chấn. Tan nhanh cũng là một ước muốn của ông Nguyễn Khang-Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang bởi vùng vải thiều Lục Ngạn rất cần loại phân hàm lượng cao có thể thúc kịp thời cho quả.

Trước đây, phân cao cấp Lâm Thao cũng khá tốt nhưng tan chậm, không kịp phục vụ cho mùa vụ vải của dân Bắc Giang. Họ muốn vãi phân ra rồi tưới nước vào thậm chí chỉ vãi phân ra để chúng tiếp xúc với không khí đã phải tan ngay để cho rễ cây hấp thụ, thúc quả to lên nhanh nhưng đằng này sản phẩm bón 3 ngày mà còn chưa tan hết, phải trả lại.

Giờ, phân hàm lượng cao của Lâm Thao đã có được đặc tính tan nhanh, bón vào quả vải lớn nhanh thấy rõ, đẹp mã. Theo ông Khang góp ý công ty Lâm Thao nên đưa ra cả sản phẩm hàm lượng cao NPK 15.15.15 chuyên dùng thì sẽ còn phù hợp hơn nữa với những vùng cây ăn quả kiểu như Bắc Giang. Thời gian tới, đơn vị của ông không chỉ đưa hàng lên Lục Ngạn, Lục Nam để bón cho cây vải mà còn đưa xuống các huyện dưới thấp để bón cho cây hoa, cây lúa, cây khoai tây.

Từng hơn 10 năm có chân trong Hội đồng Quản trị của Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao, ông nhận xét chính sách trước đây luôn “nhồi” hàng đầy ắp vào kho đại lý theo dạng gửi nó có mặt lợi nhưng cũng có mặt hại. Lợi thì đã rõ, biến kho đại lý thành kho của Lâm Thao, trước mắt giải phóng được hàng, chủ động hàng khi vào vụ nhưng cũng có mặt hại là vòng quay chậm, chi phí tài chính cao, không bao giờ có hiện tượng sốt hàng. Một điều bất lợi nữa là giá sản phẩm của Lâm Thao thường cao hơn 800-1.000đ/kg trong khi chất lượng hàng của một số công ty tư nhân lớn giờ cũng đã một tám, một mười.

Ông Nguyễn Khang-Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư KT Nông nghiệp Bắc Giang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Khang nói tiếp: “Giờ chính sách của Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao đã linh hoạt, khoa học hơn rất nhiều như giảm giá, không ép đại lý lấy hàng nữa mà tùy theo nhu cầu của họ. Và quả thực nó đã thể hiện ra bằng những kết quả khá khả quan như sản lượng tiêu thụ dự kiến của chúng tôi năm nay là trên 40.000 tấn, riêng quý I đã đạt xấp xỉ 18.000 tấn.

Lâm Thao lại là doanh nghiệp phân bón đầu tiên chuyển đổi số, áp dụng con tem thông minh, chỉ cần dí điện thoại có kết nối mạng vào là xác định luôn được sản phẩm chính hãng. Đại lý khi bán trái vùng cũng sẽ biết ngay. Bước đầu quản lý đến đại lý cấp một, bước hai là quản lý đến đại lý cấp hai”.

Thêm vào đó, con tem này còn có nhiều lợi ích khác như quản lý nội bộ của nhà máy sản xuất, truy vết đến từng giây xem hàng đi xe hay đi tàu, giao thừa hay thiếu dù chỉ là một bao, ngăn hoàn toàn hiện tượng thất thoát. Nhà máy còn có tổ chăm sóc khách hàng gồm 6 người, xe đến thì dẫn vào làm tất các thủ tục giúp. Mỗi xưởng có một container lắp điều hòa, có wifi, có nước uống cho lái xe nghỉ. Cứ 23 giờ đêm báo cáo cuối ngày, 7 giờ sáng báo cáo đầu ngày mọi thông tin về bán hàng, trường hợp nào cần xử lý nhanh, trường hợp nào cần xử lý chậm, rất minh bạch.

Ông Nguyễn Thanh Vân-Giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến với những cánh rừng

Ông Nguyễn Thanh Vân-Giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Lạng Sơn-một đơn vị gắn bó với phân bón Lâm Thao từ thời kỳ bao cấp đến nay. Có giai đoạn các công ty sản xuất phân bón nhỏ bung ra, át hàng nhà máy lớn, cạnh tranh khốc liệt cả về giá, về lượng, về chất lượng khiến tốc độ tiêu thụ kém.

“Giá hàng của các công ty nhỏ thường thấp buộc đại lý lại phải giảm giá của hàng các công ty lớn để cạnh tranh. Giai đoạn 2015-2020 cả tỉnh bán ra một giá, gần như không có lãi, chuyện nuôi quân, tồn tại cũng khó, lương thấp khiến cho một số lao động đã phải bỏ đi. Có lúc chúng tôi phải đem cả kinh phí dự phòng ra để mà bù đắp.

Rừng bón phân Lâm Thao ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau này Lâm Thao đã đề ra chiến lược mới, có tem thông minh để hạn chế lấn vùng. Nó sẽ ngăn được tối đa các đại lý phá giá nhau, dẫm chân nhau, chấp nhận bán hòa hoặc lỗ để chạy đua doanh số, lợi dụng lấy tiền để quay vòng làm việc khác.

Thêm vào đó, công ty giờ đây đã chú ý hơn đến những vấn đề như độ tan nhanh, độ ổn định màu sắc, chống vón cục chứ trước đây sản phẩm hàm lượng cao tuy tốt thật nhưng bị vo viên, màu sắc bên trong cũng như vỏ bao mỗi đợt khác nhau khiến cho nông dân hoang mang. Chính vì hiện tượng này mà năm 2019 chúng tôi đã phải mời cán bộ của Lâm Thao để giải thích thì dân mới chịu”.

Rừng bón phân Lâm Thao ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong khi đối với phần lớn người dân trồng rừng, chuyện bón phân vẫn còn là lạ lẫm thì anh Nguyễn Trung Thắng-Giám đốc Lâm Trường Đình Lập (Lạng Sơn) cho biết cách đây gần 20 năm, hồi mình phụ trách ở tỉnh Hòa Bình đã bón phân cho cây lâm nghiệp rồi còn lên trên này đã bón được hơn 10 năm. Về loại hàm lượng cao, lâm trường bắt đầu dùng từ năm 2016. Hàng của một công ty khác, tuy tốt nhưng giá đắt nên về sau khi Lâm Thao ra sản phẩm rẻ hơn được tới 2 triệu/tấn đã tin tưởng chọn dùng.

Hiện lâm trường đang quản lý 5.800 ha đất ở Châu Sơn, Cường Lợi, Bính Xá, Đình Lập và thị trấn, mỗi năm dùng khoảng 150 tấn phân để bón cho rừng keo, bạch đàn. Khác với thời mới biết dùng phân cho cây lâm nghiệp, chỉ bón lót rồi bón thúc đến năm thứ hai là xong nay bạch đàn còn được bón đến tận năm thứ 6, 7, tức giáp chu kỳ khai thác. Người dân thấy lâm trường bón phân cho rừng, cây lên nhanh quá, năng suất quá nên hai năm nay đã có một số người bắt đầu học tập theo...

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/coc-nuoc-doi-mau-trong-phong-tong-giam-doc-d293468.html