Cơ yếu Ngoại giao: Chặng đường vẻ vang nửa thế kỷ

Nhân dịp Cục Cơ yếu, Bộ Ngoại giao chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (22/8/1969-22/8/2019), ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao đã có bài viết về chặng đường vẻ vang của Cơ yếu Ngoại giao, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Cơ yếu Ngoại giao ngày 9/9/2014. (Ảnh: Quang Hòa)

Khi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt vào đầu thập niên 1950, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ Ngoại giao với các nước và mở các Cơ quan đại diện Ngoại giao đầu tiên ở nước ngoài. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã hết sức quan tâm, coi trọng công tác bảo mật trong lĩnh vực đối ngoại. Năm 1952, Ban Cơ yếu Trung ương đã cử đồng chí Lê Định đi làm công tác cơ yếu tại Đại sứ quán ta ở Trung Quốc; cùng năm đó, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho hai cán bộ cơ yếu được cử sang công tác tại Đại sứ quán ta ở Liên Xô, gồm đồng chí Hà Thục Trinh - phu nhân của Đại sứ Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Nguyễn Thị Cúc - phu nhân của đồng chí Bí thư thứ Nhất Nguyễn Đức Quỳ. Ngành Cơ yếu đã đồng hành, hòa quyện với Ngành Ngoại giao từ đó và là sự khởi đầu cho quá trình xây dựng, phát triển Hệ Cơ yếu Ngoại giao sau này.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Ngoại giao Việt Nam đã trở thành một mặt trận quan trọng và có ý nghĩa chiến lược; quan hệ ngoại giao và mạng lưới Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài không ngừng được mở rộng, do vậy, lực lượng cán bộ cơ yếu công tác tại các Cơ quan/Phái đoàn đại diện của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở nước ngoài cũng từng bước tăng lên.

Trên cơ sở đề nghị của Đảng đoàn Bộ Ngoại giao và sự nhất trí của Ban Cơ yếu Trung ương, ngày 09 tháng 7 năm 1969, Văn phòng Trung ương Đảng ra Quyết định số 037-QĐ/VFTW “chuyển Phòng Điện báo phụ trách liên lạc với các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài sang Bộ Ngoại giao”. Theo đó, thay mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hoàng Văn Lợi đã ký Quyết định số 235/QĐ ngày 22 tháng 8 năm 1969 “thành lập Phòng Điện báo trực thuộc Bộ Ngoại giao, lấy tên là Phòng 7” (sau đổi tên thành Phòng Cơ yếu Bộ Ngoại giao từ ngày 27/7/1996). Từ đó, ngày 22 tháng 8 hàng năm trở thành “Ngày truyền thống Cơ yếu Ngoại giao”.

Trải qua các thời kỳ của Cách mạng Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, từ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước kia, cuộc đấu tranh phá thế bị bao vây - cấm vận sau đó, cũng như giai đoạn đưa đất nước hội nhập quốc tế toàn diện và ngày càng sâu rộng cả trên bình diện song phương và đa phương hiện nay, Cơ yếu Ngoại giao không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, đảm bảo mạng liên lạc cơ yếu thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ bí mật - chính xác - kịp thời và hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao trên mặt trận đối ngoại, nổi bật là cuộc đàm phán lịch sử Paris kéo dài từ 1969 - 1973 và nhiều sự kiện đối ngoại lớn khác của đất nước.

Tình hình thế giới và khu vực những năm qua tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, tác động trực tiếp và toàn diện đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta; vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của Ngành Ngoại giao Việt Nam ngày càng lớn và nặng nề cả trên bình diện song phương và đa phương, công tác đối ngoại triển khai đồng bộ trên tất cả các “trụ cột”: Ngoại giao chính trị, Ngoại giao phục vụ phát triển, Ngoại giao văn hóa và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, các kênh Ngoại giao Đảng, Nghị viện, Ngoại giao nhân dân, công tác đối ngoại của các Bộ/ngành và địa phương cũng hoạt động ngày càng tích cực, năng động và hỗ trợ quan trọng vào mặt trận đối ngoại chung của đất nước; trong khi đó, sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ đặt ra khó khăn, thách thức ngày càng đa dạng và tinh vi đối với công tác bảo mật, an toàn thông tin.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc lập Hệ Cơ yếu Ngoại giao và Nghị định 167/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Hệ Cơ yếu Ngoại giao là một tổ chức độc lập trong hệ thống tổ chức cơ yếu Việt Nam, như các Hệ Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Quân đội và Công an”. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 132/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 “thành lập Cục Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao trên cơ sở Phòng Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao”. Đây là một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Cơ yếu Ngoại giao, thể hiện sự quan tâm, tin cậy của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ, song đây cũng là trọng trách lớn đối với Cơ yếu Ngoại giao trong giai đoạn phát triển mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Cục Cơ yếu, Bộ Ngoại giao tại Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Cơ yếu Ngoại giao ngày 9/9/2014. (Ảnh: Quang Hòa)

Trong 50 năm qua, Cơ yếu Ngoại giao đã không ngừng phát triển mở rộng về tổ chức - biên chế, khối lượng và yêu cầu nhiệm vụ. Khi được thành lập (1969), Phòng 7 có 21 CBNV và 20 cán bộ cơ yếu công tác tại các Cơ quan đại diện ở nước ngoài. Nay Hệ Cơ yếu Ngoại giao có hơn 100 CBNV và 100% là đảng viên; có mạng lưới trên 70 điểm liên lạc cơ yếu trong tổng số 94 Cơ quan đại diện Ngoại giao và Lãnh sự của ta ở nước ngoài, 3 điểm liên lạc cơ yếu trong nước (Cục Cơ yếu tại trụ sở Bộ - số 1 Tôn Thất Đàm, Nhà làm việc mới ở số 2 Lê Quang Đạo và Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh).

Đặc thù nổi bật của Cơ yếu Ngoại giao là không gian công tác trải rộng trên khắp các châu lục và thời gian công tác liên tục theo chế độ 24/7 do hiện diện ở hầu hết các múi giờ trên trái đất. Cán bộ cơ yếu Ngoại giao ở ngoài nước hoạt động nghiệp vụ độc lập trong môi trường phức tạp, thường xuyên phải đối phó với các lực lượng đặc biệt sở tại luôn sử dụng kỹ thuật hiện đại để thu tin mã thám, tìm cách khám phá bí mật mật mã và chiếm đoạt thông tin mật của ta; nhiều cán bộ phải đương đầu với khó khăn, nguy hiểm do địa bàn công tác trong tình trạng chiến tranh, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc và tôn giáo kéo dài, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt, khác biệt về phong tục, tập quán, văn hóa và ngôn ngữ.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo mạng liên lạc cơ yếu thông suốt giữa trong nước và các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, từ đầu năm 2018, Cơ yếu Ngoại giao đã thiết lập mạng liên lạc cơ yếu phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sự phối hợp giữa các đơn vị đóng tại trụ sở Bộ với 18 đơn vị đã được điều chuyển về Nhà làm việc mới ở số 2 Lê Quang Đạo; đặc biệt, ngay sau khi Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ, Cục Cơ yếu Ngoại giao đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Ban Cơ yếu Chính phủ từng bước hoàn thiện giải pháp kỹ thuật tương thích với các thiết bị của Ngành Cơ yếu nhằm phục vụ công tác bảo mật cho hệ thống tin học của Bộ Ngoại giao, phù hợp với quy định của pháp luật.

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… Các cô, chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”, lực lượng Cơ yếu Ngoại giao không ngừng rèn luyện, tu dưỡng các phẩm chất của người cán bộ cơ yếu “trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”; nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu, nắm bắt nhanh, sử dụng thành thạo trang thiết bị và kỹ thuật chuyên ngành mới nhằm phục vụ công tác hiệu quả; đồng thời, có ý thức học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ và các nghiệp vụ đối ngoại, lãnh sự, kế toán, tin học… để có thể tham gia hoặc đảm nhiệm các công tác khác tại các Cơ quan đại diện ở nước ngoài theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đối với cán bộ cơ yếu, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ngành Ngoại giao và Ngành Cơ yếu trong giai đoạn phát triển mới. Thực tế, nhiều cán bộ cơ yếu thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và các công tác kiêm nhiệm, kể cả công tác đối ngoại, bảo hộ công dân ở nước ngoài.

Cục Cơ yếu Ngoại giao cũng chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào công tác xây dựng văn bản pháp quy, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Cơ yếu; tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và hoàn thiện nhiều thiết bị chuyên ngành mới, từng bước đáp ứng các yêu cầu bảo mật thông tin, nhất là trên lĩnh vực đối ngoại; tiếp nhận, quản lý đúng quy định, sử dụng hiệu quả các thiết bị và tài liệu chuyên ngành cấp cho mạng liên lạc Cơ yếu Ngoại giao; duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp, hợp tác thường xuyên và chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Ban nhằm đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành Cơ yếu và đơn vị.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Cơ yếu Ngoại giao năm 2018.

Trong chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, Cơ yếu Ngoại giao đã khẳng định được vai trò, vị trí và lập nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ ghi nhận thông qua nhiều hình thức khen thưởng cao quý, nổi bật là các Huân chương Độc lập hạng Nhất (2014), hạng Nhì (2009) và hạng Ba (2004), Huân chương Lao động hạng Nhất (1995) cùng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ.

Ngoài sự nỗ lực và đóng góp to lớn của các thế hệ Cơ yếu Ngoại giao, những thành tích đáng tự hào đó đạt được cũng nhờ sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi tối đa của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ qua các thế hệ, sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác quý báu, kịp thời và hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các Hệ Cơ yếu Quân đội, Công an và Đảng - Chính quyền.

Phát huy truyền thống vẻ vang nửa thế kỷ qua, thời gian tới, tập thể cán bộ nhân viên Cục Cơ yếu sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cơ yếu và công tác đối ngoại; bám sát các chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Ngoại giao và Ngành Cơ yếu, đảm bảo mạng liên lạc cơ yếu phục vụ mặt trận đối ngoại bí mật - chính xác - kịp thời trong mọi tình huống; tiếp tục rèn luyện, học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu và các nghiệp vụ khác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại; thường xuyên quan tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đơn vị đoàn kết, nề nếp, kỷ cương, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại.

Toàn thể cán bộ, nhân viên Cơ yếu Ngoại giao tin tưởng và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát và thường xuyên của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, sự hỗ trợ, hợp tác quý báu, kịp thời và hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Hệ Cơ yếu Quân đội, Công an và Đảng - Chính quyền để hoàn thành mục tiêu đề ra và nhiệm vụ được giao, viết tiếp những trang mới để đóng góp xứng đáng vào truyền thống vẻ vang của Cơ yếu Ngoại giao./.

LÊ THANH TÙNG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-yeu-ngoai-giao-chang-duong-ve-vang-nua-the-ky-99335.html