Có xử lý được Facebook khi vi phạm pháp luật Việt Nam?

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam (PLVN) trên 3 lĩnh vực lớn gồm quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng, thuế và thanh toán xuyên biên giới.

Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam

Theo đó, Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng, nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng", lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết, đồng thời thông tin, Facebook cũng cho các game cờ bạc, mại dâm, quảng cáo tràn lan tại Việt Nam và thu lợi bất chính từ những quảng cáo này.

Facebook vi phạm nghiêm trọng PLVN

Liên quan việc Facebook vi phạm PLVN, dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực vào ngày 1.1.2019, chúng ta đã có Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Những thông tư, nghị định này quy định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Luật sư Bình cho biết, theo những thông tư, nghị định này, với các trường hợp như chống phá Đảng, Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.... sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), trong vòng 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TTTT sẽ gửi thông báo lần 2.

Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ TTTT gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TTTT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TTTT.

Có đủ cơ sở để thu thế Facebook

Đối với hành vi trốn thuế, mặc dù, Luật quản lý thuế quy định trụ sở của người nộp thuế là địa điểm người nộp thuế tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi để hàng hóa, nơi để tài sản dùng cho sản xuất, kinh doanh; nơi cư trú hoặc nơi phát sinh nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế không có hoạt động kinh doanh.

Do đó có đầy đủ cơ sở để yêu cầu Facebook nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động quảng cáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu thuế những công ty này rất phức tạp, vì có yếu tố trong và ngoài nước. Điều quan trọng nhất là cơ quan thuế chưa quản lý được hoạt động của những đơn vị có hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam.

Mạng xã hội này lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và khi đặt máy chủ thông qua các doanh nghiệp viễn thông lại không chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông không có điều khoản cam kết tuân thủ các quy định PLVN.

Đây cũng chính là kẽ hở để mạng xã hội như Facebook liên tục vi phạm về luật pháp tại nước Việt Nam.

Anh Tuấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/co-xu-ly-duoc-facebook-khi-vi-pham-phap-luat-viet-nam-651400.ldo