'Cô-vy tự sự: Gió và tình yêu vẫn thổi' có một mùa dịch bệnh khác

Dịch bệnh đã khiến cho cuộc sống của tất thảy con người, không riêng gì một quốc gia, cá nhân nào mà cả thế giới đảo lộn. Từ nếp sống đến lối tư duy. Trong cơn hoang mang, những dấu ấn để lại đa phần là nỗi sợ. Và cuốn sách 'Cô-vy tự sự: Gió và tình yêu vẫn thổi' đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Cuốn sách là tập hợp những tản văn và truyện ngắn của nhiều tác giả ở nhiều độ tuổi và vùng miền khác nhau xoay quanh câu chuyện dịch bệnh Covid-19, ở đó, có thể là những tâm sự vụn vặt, những chuyện buồn - vui, được - mất, đôi khi là cả một câu chuyện dài về một hành trình kiếm tìm lại bản ngã trong suốt những ngày cách ly. Những tháng ngày bệnh dịch đi qua tưởng như đã giăng mắc vào lòng người những nỗi sợ quá lớn như hơi sương, không cách nào gỡ bỏ. Tuy nhiên, sau cùng tất thảy những nỗi niềm, những câu chuyện chính là những giá trị cuộc sống được nhận ra khi cùng chậm lại một nhịp và định nhỡn lại bản thân.

Cuốn sách cho thấy được, cái nhìn mới, riêng biệt tích cực, lạc quan về mùa dịch. Bệnh dịch cũng như bất cứ khó khăn nào, cũng đều là sắc màu, là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, bền gan, vững trí giữa người với người để vượt qua. Đó là Ngày với mình, luôn bắt đầu bằng nụ cười, một người vốn quen chân chạy, bữa cơm gia đình cũng trở nên hiếm hoi của Tống Phước Bảo bỗng nhẹ nhàng, thảnh thơi khi chấp nhận bên sân vườn rộn tiếng chim với ly cà phê sáng. Với Viết trên mùa đã cũ của tác giả Cát Lâm, không gian căng thẳng ở nơi cách ly tưởng như không cách nào gỡ bỏ thế nhưng rồi tất cả cũng qua khi ai nấy đều nhận ra, làm cho người khác an lòng cũng là một mùi vị của hạnh phúc. Suy cho cùng, chỉ là cách thay đổi thói quen.

Không gian trong mỗi bài viết tuy đa dạng, có thể là căn phòng nơi xóm, có thể là khu vườn của ba ngập nắng, có thể là chung cư yên ắng thiếu vắng tiếng người nói cười, v.v... Tuy nhiên, tất thảy đều xuôi về chiều thu hẹp, quẩn quanh, có phần bí bách, khác hẳn với những tháng ngày phóng túng thường ngày, phóng túng đến mức, bữa cơm gia đình cũng trở nên hiếm hoi. Những không gian nhỏ hẹp ấy cũng như những điều bé nhỏ khác, tưởng như đã quá quen thuộc, ấy vậy mà, lúc này đây, đang giữa mùa “Cô-vy”, khi lệnh giãn cách xã hội được thực thi, con người mới biết rằng, còn quá nhiều điều, quá nhiều giá trị bản thân đã bỏ qua hoặc để vuột mất.

Trải qua những điều khủng khiếp bao gồm cả hoài nghi, đố kỵ, ganh ghét hận thù đến hỗn loạn, bon chen chỉ vì chiếc khẩu trang. Sau cùng, người ta mới nhận ra rằng tất cả không còn quan trọng, tất thảy những thứ ấy không làm người ta tốt lên. Cũng từ đó, những hoảng loạn sợ hãi được thay thế bằng sự chấp nhận, thích nghi và thấu hiểu, những phóng túng, lãng phí được thay thế bằng tối giản, hài hòa. Những cảm giác lộn xộn bí bách ban đầu dần được chấp nhận và cảm nhận theo một cách riêng.

Nếu như phần tản văn, là chuỗi những chuyển động lãng đãng như để từng phút giây cách ly qua, từng vật dụng nhỏ va chạm nhẹ trong không gian hẹp một cách cảm tính, thì ở những truyện ngắn là những thâm trầm với những thể nghiệm, bóc tách phân tích sự việc có phần lý tính.

Không dừng lại ở cách ghi chép, lưu giữ những hình ảnh đáng nhớ về mùa dịch cuốn sách cho thấy rõ ràng, còn một cơn đại dịch khác đang xâm lấn ý nghĩ của mỗi người.

Đi qua mùa dịch, người ta phát hiện những điều lớn lao hơn cả dịch bệnh rằng, dù có ra sao thì gió và tình yêu vẫn thổi.

Ý An

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%E2%80%9Cco-vy-tu-su-gio-va-tinh-yeu-van-thoi%E2%80%9D-co-mot-mua-dich-benh-khac-78941