Cô vợ 'nghiện' mua sắm lo giữ ví trước Black Friday, bão giảm giá cuối năm

Mỗi tháng tôi chi gần hết tiền lương để mua các món hàng online, vấn đề là nhiều khi mua xong về thấy hối hận và tiếc tiền.

Tôi năm nay 28 tuổi, đang làm nhân viên truyền thông của một công ty ở Hà Nội. Đang là chân chạy việc thì tôi có thai, do bị sa tử cung nên tôi phải nghỉ ở nhà treo chân để giữ gìn thai nhi. Tới khi sinh con xong tôi tiếp tục nghỉ thai sản 6 tháng. Không ngờ quãng thời gian một năm rưỡi ấy đã biến tôi thành một người hoàn toàn khác.

Trước đây tôi rất tiết kiệm, lúc nào cũng mua sắm vừa phải, đủ dùng. Với mức lương khoảng 18 triệu đồng tôi sẽ dành chi tiêu 1 nửa, 1 nửa tiết kiệm làm vốn riêng. Thế nhưng hiện tại, số tiền tôi kiếm được bao nhiêu cũng không đủ cho sở thích mua sắm của mình.

Hồi đầu ở nhà dưỡng thai, thấy buồn buồn nên tôi vào các kênh mua sắm online để mua đồ sơ sinh, đồ bà bầu, hay mấy món mỹ phẩm, sữa tắm... Thấy các món đồ hàng hiệu khuyến mãi giảm giá tôi liền nhanh tay đặt hàng tích trữ thay vì mua các loại hàng bình dân như ngày trước.

Dần dà tôi "nghiện" mua sắm lúc nào không hay, có lúc 2,3 ba người cùng tới nhà giao hàng. Mẹ chồng tôi thấy con dâu suốt ngày mua sắm cũng ca thán nhưng chồng tôi không muốn mẹ con bất hòa nên thường biến báo là tôi chỉ nhận hàng giúp chị, em, bạn, dì, thậm chí đồng nghiệp của anh.

Từ người tiết kiệm thành con nghiện mua sắm (ảnh minh họa)

Từ người tiết kiệm thành con nghiện mua sắm (ảnh minh họa)

Tài khoản mua sắm online của tôi luôn cài đặt hai địa chỉ, ban ngày, giờ hành chính thì gửi về cơ quan, tối gửi về nhà riêng. Dù chồng tôi bảo không thích "cô vợ oder" nhưng tôi thấy mua sắm online rất tiện nên chả việc gì phải từ bỏ. Thay vì phải đi siêu thị, đi chợ mua đồ thì tôi sẽ gọi đồ qua mạng.

Khoảng 1 năm trở lại đây tôi lo ngại mình không thể kiểm soát chuyện mua hàng online. Bởi vì như một thói quen, tôi tối ngày canh giờ giảm giá, canh các hội nhóm thanh lý... Các hội nhóm bán hàng tôi đều tham gia dù mình chẳng bán gì.

Rồi những trang bán hàng cứ liên tục xuất hiện mỗi khi tôi lên mạng cũng khiến nảy sinh nhu cầu mua sắm. Hễ thấy ai thanh lý hàng hiệu gì ưng ý là tôi lại mua ngay. Có chiếc túi tôi thấy người ta đăng bán lại với giá 5 triệu đồng mà giá thật của nó khoảng 15 – 20 triệu đồng là tôi sẽ cố gắng mua bằng được. Tôi muốn mình được sở hữu những món đồ hàng hiệu giá rẻ.

Đau đầu nhất là tôi "nghiện" mua hàng trên mạng xã hội. Buổi trưa thay vì ngủ một chút thì tôi sẽ lướt qua mạng xã hội xem nay có gì đẹp không, có gì mình thích không... để rồi lại đặt mua. Nhiều đồng nghiệp thắc mắc không hiểu sao tôi có thể mua nhiều thứ như thế. Có tháng tôi vừa nhận lương xong chỉ 3,4 ngày sau đã cháy túi vì đặt hàng khắp nơi.

Mua hàng về, tôi lại để đó. Ngăn tủ của tôi chất đầy hộp túi, hộp giầy. Có đôi giầy tôi mua cả nửa năm nhưng chưa đi lần nào vì tôi nghĩ chưa có dịp phù hợp. Có bộ đầm để quên vì mua về thử xong tôi mới thấy không phù hợp với vóc người của mình.

Không riêng đồ của tôi mà ngay cả đồ của chồng tôi, con tôi cứ thấy "sale" là tôi lại mua. Nhiều khi tôi mua cho đủ bộ chứ không phải hàng gì cấp thiết. Ví dụ tuần trước phát hiện mình chưa có mẫu túi hến, thế là tôi sống chết canh hết các kênh mua sắm để mua bằng được 1 cái túi hến vừa đẹp vừa giảm giá. Hay thấy chồng tôi chưa có món giày lười mẫu mới là trong đầu tôi chỉ chăm chăm suy nghĩ mua bằng được...

Cơn mua sắm phát cuồng đến mức có lúc tôi trả một người bạn bán hàng online tới 20 triệu đồng vì đặt hàng, lấy đồ rồi.

Chồng tôi thường khuyên tôi thanh lý bớt những món hàng ít dùng đi nhưng tôi tiếc rẻ nên giữ nguyên hiện trạng.

Thu nhập hàng tháng đã tăng gấp đôi nhưng giờ đây tôi vẫn thấy không đủ chi tiêu. Mặc dù mỗi lần mua sắm xong tôi có tiếc tiền hùi hụi nhưng sau đó tôi lại cuốn vào cơn mua sắm khác.

Đợt "sale" cuối năm trước, tối nào tôi cũng ôm điện thoại lướt hết trang này đến trang khác săn hàng. Có những sản phẩm tôi mua chỉ vì được giao hàng miễn phí chứ chưa biết dùng vào việc gì.

Bạn bè thường bảo tôi may mắn vì chồng có thu nhập tốt, không phải lo kinh tế gia đình. Thế nhưng tôi sợ một ngày mình không kiếm ra tiền thì thú vui mua sắm của mình sẽ ra sao.

"Nghiện" mua sắm có phải là bệnh không? Hiện giờ lại bắt đầu vào mùa "sale" cuối năm, mai kia đã tới "Black Friday 2020", tôi phải kiềm chế cơn mua sắm như thế nào đây?

Bùi Hải Anh (Hà Nội)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/con-nghien-mua-sam-lo-giu-vi-truoc-black-friday-2020-bao-giam-gia-cuoi-nam-270464.html