Cố vấn Trung Quốc: Ông Trump đã bớt cực đoan, đang thực dụng hơn

Những chiến thuật từ cứng rắn đến mềm mỏng đã được đội ngũ của Tổng thống Trump áp dụng với Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn để lại 'khoảng cách khó xóa mờ' giữa hai siêu cường.

Tiến sĩ Trương Huy Đào, cố vấn chính phủ Trung Quốc, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa (trụ sở tại Bắc Kinh), nói cách đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump đã chuyển từ cực đoan sang thực dụng hơn trong thời gian gần đây.

"Tôi rất vui khi thấy ông ấy tỏ ra mềm mỏng hơn tại G20... Giờ ông ấy trở nên thực dụng hơn", ông Trương nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Channel NewsAsia. Ông được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bổ nhiệm làm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc vào năm 2015.

Tổng thống Trump là người thương lượng tệ?

Quan hệ Mỹ - Trung "tuột dốc không phanh" vào tháng 5 khi Tổng thống Trump bất ngờ rút lui khỏi thỏa thuận thương mại, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói nó đã đạt được 90%.

Vài tuần sau đó, sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản), ông Trump nói rằng đội ngũ của ông sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Trump nổi tiếng là người tự hào về khả năng đàm phán của mình. Ảnh: Livemint.

Tổng thống Trump nổi tiếng là người tự hào về khả năng đàm phán của mình. Ảnh: Livemint.

Về chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump, ông Vương nhận định: "Có lẽ ông ấy đã diễn kịch quá nhiều trong mối quan hệ giữa hai quốc gia (Mỹ - Trung) và tăng sức ép bằng một chiến thuật cực đoan".

Trở lại với những năm 1980, Tony Schwartz, phóng viên của New York Times, người chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng Nghệ thuật đàm phán về ông Trump, đã dành 18 tháng gặp gỡ và tiếp xúc với tổng thống Mỹ sau này.

Cuốn sách đứng đầu danh sách bán chạy nhất của New York Times trong 48 tuần, và được xem là "kinh thánh của giới doanh nhân" vì đã tái hiện thành công kỹ năng thương thuyết sắc bén của ông Trump, đưa tên tuổi ông nổi như cồn ở Mỹ.

Tuy nhiên, tác giả Schwartz sau này cho biết đây "hoàn toàn là tác phẩm hư cấu" và ông làm "chỉ vì tiền". Ông cũng không ngại buông lời nhận xét gay gắt về năng lực của ông Trump: "Là một người chuyên thương lượng (deal-maker), ông ấy thực sự là một trong những người tệ nhất tôi từng gặp".

Ông Trương cũng có hoài nghi tương tự. Ông cho rằng cách thương lượng trong giới kinh doang không thể áp dụng trong đàm phán giữa hai nước.

"Sau nhiều vòng đàm phán, Tổng thống Trump đã nhận ra rằng cả hai quốc gia cần phải được tôn trọng... và thực sự hai quốc gia có mối quan hệ mật thiết đến mức không thể tách rời", ông Trương nói.

Mối quan hệ không thể "hồi phục" trong sớm chiều

Cố vấn 61 tuổi của chính phủ Trung Quốc cố gắng gửi đi một thông điệp hòa giải khi nói rằng điều cần thiết là mối quan hệ giữa các công ty Mỹ, Trung Quốc và cả "ngoại giao nhân dân".

"Tôi rất vui mừng khi thấy Tổng thống Trump đề cập đến việc Mỹ chào đón sinh viên Trung Quốc lúc này. Không phải mọi sinh viên đều là gián điệp", ông Trương Huy Đào nói.

Theo Viện Giáo dục Quốc tế (trụ sở tại New York), khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đã được nhận vào các trường đại học, cao đẳng Mỹ năm 2018.

Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa Trương Huy Đào trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Channel NewsAsia. Ảnh: Channel NewsAsia.

Tuy nhiên, ông Vương thừa nhận mối quan hệ giữa hai siêu cường đã chuyển biến theo chiều hướng xấu, không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn.

Theo cố vấn Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington có thể có một "cuộc cạnh tranh lành mạnh", có lợi cho cả hai nước và thế giới.

Ông lo ngại rằng trong những năm cầm quyền của Tổng thống Trump, nhận thức về Trung Quốc của Mỹ đã chuyển sang tiêu cực. Và điều này sẽ tiếp diễn cho dù một tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-van-trung-quoc-ong-trump-da-bot-cuc-doan-dang-thuc-dung-hon-post968676.html