Cố vấn Lê Đức Thọ - Người kiến tạo hòa bình

Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất, ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Góp sức vào quá trình đấu tranh kiên định gần 5 năm, có công lao, tâm huyết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; trong đó, có vai trò của cố vấn Lê Đức Thọ

Nhân kỉ niệm tròn 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, chúng ta cùng ôn lại một trang ký ức trong cuộc đời Cách mạng của đồng chí, từ mốc thời gian năm 1968 đến mùa xuân 1975.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt, một nhân vật lịch sử với những trọng trách lớn lao, góp phần quan trọng lập nên kỳ tích trên cả ba lĩnh vực: chính trị - quân sự - ngoại giao; và hơn hết, luôn được nhớ đến như một “Người kiến tạo hòa bình”. Tháng 5 năm 1968, căn cứ theo tình hình Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Bộ Chính trị, yêu cầu phân công “Anh Sáu” về Hà Nội gấp, để làm cố vấn đặc biệt của Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán tại Hội nghị Paris.

Suốt hành trình gần 5 năm đàm phán, trải qua hàng trăm cuộc đấu trí cam go, đồng chí Lê Đức Thọ đã bộc lộ tài ngoại giao thao lược, với một tư duy vô cùng sắc sảo. Đồng chí đã cùng Đoàn Đại biểu của ta chuyển hóa tài tình thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán, tạo nên một sự kiện đỉnh cao trong lịch sử nền ngoại giao Cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, được báo chí cùng công luận quốc tế hết sức khâm phục và nể trọng.

Cuộc đấu trí, đối diện với một học giả tiếng tăm hồi đó là Tiến sĩ Henry Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - quả không hề đơn giản! Song bằng bản lĩnh chính trị, bằng tài trí uyên thâm, đồng chí đã thể hiện năng lực của một nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, trên tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến", đúng như lời căn dặn của Bác Hồ; kiên trì đấu tranh, "vừa đánh vừa đàm", bình tĩnh giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Năm 1973, sự kiện một người Việt Nam từ chối nhận giải Nobel đã làm cả thế giới kinh ngạc về tinh thần khảng khái. Một chính khách được mệnh danh là “Người kiến tạo hòa bình” đã từ chối giải Nobel Hòa bình! Trong niềm vui lớn lao mừng thành công của Hiệp định Pa-is, trong tình cảm nồng hậu của đồng chí, đồng đội cùng nhân dân hân hoan chào đón, đồng chí Lê Đức Thọ còn có điều trăn trở, bởi hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước mình. Sau khi hoàn thành sứ mệnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục trở lại chiến trường Nam bộ. Trên cương vị đại diện của Bộ Chính trị, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, và tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng, đồng chí cũng có một vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Mời quý vị cùng theo dõi!

Thực hiện : Thiện Đoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-van-le-duc-tho-nguoi-kien-tao-hoa-binh