Cố vấn chính trị Trung Quốc: Công nghệ quan trọng như bát cơm đối với sự sống còn của đất nước

Chiến tranh thương mại với Mỹ trở thành vấn đề được các cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc quan tâm, họ cho rằng công nghệ là vấn đề cốt lõi khiến Mỹ khơi mào cuộc chiến này.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã trở thành chủ đề nóng khi cuộc họp thường niên của các cố vấn chính trị Trung Quốc từ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc bắt đầu ở Bắc Kinh vào Chủ nhật (3/3). Trong khi nó không được đề cập trực tiếp trong báo cáo chính thức của cơ quan cố vấn, tác động của cuộc chiến thương mại đối với sự phát triển của quốc gia vẫn hiện hữu trong và bên lề cuộc họp.

 Cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào Chủ nhật. (Ảnh: Simon Song)

Cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào Chủ nhật. (Ảnh: Simon Song)

Phát biểu trước hơn 2.000 đại biểu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), ông Wang Yang (Uông Dương) - chủ tịch CPPCC - nhấn mạnh những "cơn gió ngược" mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Mỹ.

"Chúng ta phải tự thích nghi với thời đại và tình hình thay đổi, nâng cao nhận thức về những nguy cơ tiềm ẩn và những mối quan tâm, hiểu đầy đủ tất cả các khía cạnh của sự ổn định và tăng cường các biện pháp để đạt được tiến bộ", ông Wang nói với các trí thức, doanh nhân và công nhân khi bắt đầu các phiên họp.

Bài liên quan

Giám đốc Tài chính Huawei đệ đơn kiện Chính phủ Canada

Hết hạn đình chiến thương mại, Mỹ chính thức ngừng tăng thuế với Trung Quốc

Trong khi báo cáo công việc hàng năm của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc không đề cập rõ ràng về cuộc chiến thương mại, nhưng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại là chủ để chính trong các bài phát biểu và nói chuyện giữa các đại biểu bên lề sự kiện, theo SCMP.

Ông Wang tuyên bố CPPCC sẽ tập trung vào chính trị và ổn định trong năm nay, giúp xây dựng một "xã hội thịnh vượng vừa phải" và chiến đấu chống lại rủi ro tài chính, nghèo đói và ô nhiễm.

CPPCC cũng sẽ tìm cách đóng góp cho ngoại giao bằng cách tạo điều kiện cho các chuyến thăm cấp cao, trao đổi liên văn hóa và tổ chức các sự kiện bao gồm Hội nghị bàn tròn Trung Quốc-EU, Hội thảo Vành đai và Con đường và Hội thảo Quốc tế về Đối thoại Hòa bình giữa các tôn giáo. Và với nhiều đại biểu ưu tú có kinh nghiệm ở nước ngoài, ông Wang cho biết CPPCC sẽ giúp tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài và kể những câu chuyện về Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới "một cách hấp dẫn".

Phát biểu bên lề cuộc họp, đại biểu Yu Minhong đề cập đến cuộc chiến thương mại - ông nghĩ rằng nó sẽ "chỉ làm lợi choTrung Quốc" trong thời gian dài, bất kể diễn biến như thế nào.

Người sáng lập New Oriental Education cho biết căng thẳng thương mại sẽ buộc Trung Quốc phải cải tổ, với việc Washington muốn Bắc Kinh bảo vệ tốt hơn sở hữu trí tuệ và cải thiện cơ chế thị trường. "Chắc chắn, cuộc chiến thương mại sẽ mang lại những khó khăn và bất ổn cho Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, nó không nhất thiết là một điều xấu", ông Yu nói.

Zhu Dingzhen, một kỹ sư của Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, cho biết các cuộc xung đột thương mại sẽ khiến Trung Quốc tập trung hơn vào việc phát triển các công nghệ của riêng mình - phù hợp với niềm tin chung của các nhà khoa học rằng "công nghệ cũng quan trọng như bát cơm đối với sự sống còn của Trung Quốc".

Một đại biểu khác, Shi Ke, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Giang Tây, cho biết sự cạnh tranh về công nghệ là tâm điểm của tranh chấp.

"Bản chất của cuộc chiến thương mại là Mỹ không hài lòng với Trung Quốc như một siêu cường mới nổi, đặc biệt là công nghệ Trung Quốc và chiến dịch ‘Made in China 2025'", ông Shi nói. "Trung Quốc đã là một quốc gia sản xuất tuyệt vời từ rất lâu. Chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học cho giai đoạn tiếp theo, và sẽ không có gì ngăn cản Trung Quốc thực hiện chương trình Made in China 2025".

Video: Mỹ tự tin chiến thắng trong chiến tranh thương mại

Trong khi đó, trước thềm Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), một nhà ngoại giao cấp cao đã kêu gọi Trung Quốc và Mỹ đưa ra thỏa thuận thương mại và tránh cuộc đối đầu mà ông nói rằng Trung Quốc không muốn, nhưng sẽ đáp ứng nếu cần thiết.

Zhang Yesui, phát ngôn viên NPC, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, cho biết hai nước đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết tranh chấp thương mại của họ, sau cuộc gặp tại Washington vào tháng 2 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các nhà đàm phán Mỹ.

"Bản chất của mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Mỹ là hai bên cùng có lợi. Do đó, tôi hy vọng rằng cả hai bên có thể nắm bắt cơ hội để tiếp tục tham vấn cho một thỏa thuận cùng nhau giành chiến thắng", ông Zhang Zhang nói ngày 4/3, trước cuộc họp thường niên của NPC.

Nhưng ông cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của mình, nếu cần thiết, trong bất kỳ tranh chấp nào đang diễn ra.

Nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Zhang Yesui (Trương Nghiệp Toại) đã kêu gọi chấm dứt tranh chấp thương mại Mỹ-Trung trước Phiên họp toàn thể thứ 2 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13. (Ảnh: Simon Song)

Khoảng 3.000 quan chức quyền lực nhất Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc họp quốc hội hàng năm, hay Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, được đánh giá là cơ hội hiếm có cho hàng nghìn nhà báo trên khắp thế giới có thể lắng nghe và tương tác với những người liên quan đến việc vận hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

NPC diễn ra cùng lúc với cuộc họp của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc – Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Hai sự kiện này thường được gọi là “lianghui” (lưỡng hội), hay “hai kỳ họp”.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-van-chinh-tri-trung-quoc-cong-nghe-quan-trong-nhu-bat-com-doi-voi-su-song-con-cua-dat-nuoc-d460869.html