Cô trò vùng sông nước hào hứng với SGK mới

Bước vào năm học 2020 - 2021, cô trò khối lớp 1 nhập cuộc dạy học với SGK mới. Sau những ngày đầu dạy học, cô trò phấn khởi vì chương trình nhẹ nhàng, học sinh cuốn hút vào các hoạt động…

Cô, trò lớp 1 Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Cô, trò lớp 1 Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Quan tâm, hỗ trợ học sinh

Giá SGK lớp 1 năm nay có tăng nhưng nhờ công tác hỗ trợ nên không xảy ra tình trạng học sinh đến trường mà không có sách. Nhiều địa phương tiến hành rà soát, hỗ trợ cho đối tượng học sinh nghèo, cận nghèo với phương châm “không để học sinh hoàn cảnh khó khăn đến trường mà không có sách giáo khoa”.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh có 300 trường tiểu học, hơn 29.000 học sinh lớp 1 tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Cuối tháng 8/2020, SGK lớp 1 đã cung ứng đến 100% cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh với hơn 30.600 bộ SGK và hơn 860 quyển theo nhu cầu của các đơn vị.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn công khai danh mục SGK lớp 1. Để phụ huynh biết phối hợp cùng nhà trường chuẩn bị sách cho con em. Sở lưu ý phụ huynh có con vào học lớp 1 hết sức bình tĩnh, an tâm, vì chương trình tiến bộ, đổi mới.

Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh. Nội dung danh mục SGK phải được niêm yết tại bảng thông báo trường TH, trường Mầm non, thông báo trong cuộc họp phụ huynh, phối hợp trường Mầm non giới thiệu SGK đến phụ huynh... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh mua nhầm sách khác hoặc chậm, thiếu SGK ngay từ đầu năm học 2020 - 2021.

Tỉnh Đồng Tháp dự trữ một số SGK (đầy đủ 45 đầu sách mà các trường trong tỉnh đã chọn) tại các cửa hàng, chi nhánh, đại lý để phụ huynh có thể mua, tự trang bị SGK cho con trong trường hợp phụ huynh có nhu cầu tự trang bị. Hiện ngành đang rà soát, bổ sung SGK theo nhu cầu thực tế của từng cơ sở giáo dục. Thực hiện công tác xã hội hóa tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 đủ SGK khi bước vào năm học mới.

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo về việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Sở yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về SGK và tài liệu tham khảo đã được quy định.

Sở lưu ý, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Mọi tổ chức, các nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, tuyệt đối không bắt buộc.

Trường tiểu học phải tổ chức công khai, thông tin kịp thời để học sinh và phụ huynh biết thực hiện mua, đảm bảo tất cả học sinh đều có SGK phục vụ nhu cầu học tập trong năm học mới. Trường hợp phụ huynh không có khả năng mua SGK do gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường có thể sử dụng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn để học.

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bước vào năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục Cần Thơ cam kết với địa phương “không vì lý do khó khăn nào mà học sinh không có sách đến trường”. Các địa phương đảm bảo nhu cầu sách cho cán bộ giáo viên và học sinh theo danh mục sách mà nhà trường đã chọn… Ngoài ra, Sở cũng chuẩn bị một số sách nhất định, giúp nhà trường giải quyết những trường hợp đặc biệt mà đến ngày khai giảng học sinh chưa kịp trang bị sách.

Bước vào dạy học SGK mới, cô trò đều hào hứng nhập cuộc.

Hào hứng với sách mới

Từ nhiều nguồn (phụ huynh mua, Nhà nước hỗ trợ, xã hội hóa…) các em học sinh lớp 1 đến trường trong niềm vui có quần áo mới, sách vở mới. Đặc biệt, buổi đầu học SGK mới các em hào hứng vì kênh hình, chữ rõ ràng, bắt mắt…

Theo chia sẻ của các giáo viên, SGK mới có nhiều điểm khác biệt so với SGK trước đây. Tuy nhiên, sách mới cũng có tính kế thừa những điểm tích cực. Chú trọng hơn các kỹ năng, năng lực của học sinh. Chương trình cũng như SGK mới tập trung vào việc phát triển năng lực, phẩm chất và tư duy cho học sinh.

“Tôi cùng đồng nghiệp đã được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn SGK mới. Khi triển khai dạy học SGK mới tại lớp, cảm nhận được không khí lớp sôi động và vui hơn. Đồng thời thấy được các em hoạt động năng nổ hơn trong chương trình mới. Sách có tranh, có ảnh giúp các em tưởng tượng, tư duy, sáng tạo mà còn làm cho lớp học trở nên sinh động với những động tác của các em khi mô tả những hành động theo sách…”, cô Phạm Thị Mỹ Anh, giáo viên bộ môn Âm nhạc Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết.

Từ buổi học đầu tiền, ngoài việc rèn cho học sinh về tư thế ngồi trong lớp, cách lấy sách vở... các giáo viên cũng dành thời gian để giới thiệu về sách của các môn học để trẻ có nhận biết chung. Khi dạy SGK mới, giáo viên giúp các em học sinh chủ động, sáng tạo, tự tìm tòi và hình thành năng lực tự học từ ban đầu…

Hỏi về SGK mới môn Âm nhạc, em Trương Lâm Huy Khang, học sinh lớp 1 Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) hào hứng cho biết: “Con rất vui khi được đến lớp học cùng các bạn. Hôm nay được cô dạy cách đọc sách và cách ngồi học, cách giơ tay phát biểu. Sách có nhiều hình ảnh đẹp, vừa học, vừa chơi rất vui”.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), giảng dạy SGK mới đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự sáng tạo của giáo viên. Giáo viên phải đảm bảo đầy đủ nội dung và kiến thức, đồng thời phương pháp giảng dạy phải đảm bảo phù hợp đối tượng học sinh. Sách mới còn giúp giáo viên tự sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy riêng của mỗi giáo viên để truyền tải nội dung, kiến thức cho các em học sinh…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-tro-vung-song-nuoc-hao-hung-voi-sgk-moi-a2AqD7dMR.html