Có triển vọng tháo gỡ khó khăn tăng vốn cho 'big 4' ngân hàng

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II.

Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, các đầu mối có thẩm quyền về cơ bản thống nhất hướng tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong việc tăng vốn điều lệ.

Còn cụ thể cấu phần tăng vốn tại mỗi thành viên hiện tiếp tục chờ các cấp có thẩm quyền có thể quyết định trong tương lai gần.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chỉ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, trong khi nguồn lực nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Do đó, cơ quan này cho rằng, cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng thương mại mua bắt buộc).

Trước đó, lãnh đạo 4 ngân hàng "big 4" đã đồng loạt lên tiếng, nhấn mạnh nhu cầu tăng vốn là vô cùng bức thiết, đề nghị có cơ chế, giải pháp từ cơ quan quản lý.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, VietinBank đã trình cổ đông thông qua 2 phương án là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank nhấn mạnh tại đại hội, kế hoạch tăng vốn tự có của ngân hàng là nội dung rất cấp bách, bởi chỉ có tăng vốn thì ngân hàng mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.

Còn tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, mặc dù đã thực hiện giao dịch thành công phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2018 nhưng so với kế hoạch đã đề ra tại đề án cơ cấu lại và để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, nhu cầu tăng vốn của ngân hàng vẫn còn khá lớn.

Theo đó, Vietcombank cũng đã lên kế hoạch tăng 49% vốn điều lệ trong vòng 2 năm tới thông qua hình thức phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Đối với BIDV, dù đã được chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank, nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện hai bên vẫn còn có một số rào cản kỹ thuật và giá kỳ vọng chưa gặp nhau.

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-trien-vong-thao-go-kho-khan-tang-von-cho-big-4-ngan-hang-3507625.html