Có trấn áp được núi sông?

'Đại Việt sử ký toàn thư', 'Kỷ nhà Trần' chép rằng, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), đời Trần Thái Tông, tháng 6, vua sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn áp, như việc đào sông Bà Mã, sông Lễ, đục núi Chiếu Bạc ở Thanh Hóa, còn lấp các khe ở kênh, mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết.

“Toàn thư” cũng chú thêm, việc trấn yểm này “là theo lệnh của Trần Thủ Độ”. Về sông Bà, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do các sử quan thời Nguyễn soạn, viết là sông Bà Mã, tức là sông Mã. Về sông Lễ, “Cương mục” cũng chú là sông Mã nhưng các học giả ở Viện Sử học khi dịch “Toàn thư” cho rằng đó là sông Chu. Còn núi Chiếu Bạc, các học giả đoán đó là núi Chiếu Bạch ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, vì hiện nay ở đó vẫn có sông Chiếu Bạch.

Sau khi biên chép về sự kiện này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên bình luận: “Từ khi có trời đất ấy, đã có sông núi ấy, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân sinh ra, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương Đông Nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao Tổ vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu”.

Lăng Gia Long.

Lăng Gia Long.

Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tác giả luận án tiến sĩ có đề tài là “Nghiên cứu văn bản Kham dư Hán Nôm Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm” thì thời xưa, cả bên Trung Quốc và nước ta đều dùng từ “Kham dư” để nói về phong thủy. “Kham dư” ban đầu là tên một vị thần. TS. Khánh dẫn giải: Sách “Hán thư”, “Dương Hùng truyện” viết: "Kham dư là tên gọi chung trời đất, còn là thần sáng tạo đồ trạch thư". Sách “Văn tuyển”, phần “Cam tuyền phú” viết: "Hoài Nam Tứ nói Kham dư hành hùng (đực) để biết thư (cái). Hứa Thận đời Đông Hán nói Kham là đạo trời, Dư là đạo đất vậy".

TS. Khánh cho rằng, các vấn đề kham dư, phong thủy ở nước ta du nhập vào Việt Nam tứ thời Cao Biền được nhà Đường cứ làm Giao Châu đô hộ sứ (865-875). Trong 10 năm này, ông ta đã yểm các huyệt chính phát đế và huyệt bàng phát quan để nước Nam ta không có người làm quan, làm vua. Theo thống kê của TS. Khánh, các tác phẩm (được cho là) của Cao Biền để lại, hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có các cuốn “An Nam cửu long kinh”, “An Nam cửu long ca”, “An Nam địa cảo lục”, “Cao Biền di cảo”, “Hồng Vũ địa cảo”, “Vấn đáp sơn thủy phụ An Nam cửu long ca”, “Địa lý di cảo”, “Địa lý tiện lãm”.

Sách "Trùng đính thiên Nam danh địa" (chưa rõ tác giả) cũng cho rằng, tình hình phát triển phong thủy nước ta bắt đầu tứ Cao Biền. “Thời nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng đã sai An phủ sứ kiêm Đông Đô viện là Trần Quốc Kiệt biên soạn sách “Thiên Nam hình thắng ca” và giao cho ông chú giải sách cũ của Cao Biền”, TS. Khánh bổ sung.

Chuyện ở kinh đô Thăng Long

Phong thủy có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch kinh đô cho đất nước. Điều này có thể thấy rõ trong bản “Chiếu dời đô” mà Vua Lý Thái Tổ ban bố ngay sau khi lên ngôi có 1 năm, mở đường cho việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Tờ chiếu cũng mô tả phong thủy của thành Đại La: “...ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Tranh vẽ thành Thăng Long xưa.

Sử xưa thường do các sử quan đương thời viết nên đa phần có lời lẽ ca tụng các vị vua chúa một cách thái quá, từ dung mạo, cử chỉ, cho đến cả việc được sinh ra thế nào, đất phát tích làm sao, đều có phần li kỳ, huyền bí. Như về đất phát tích của gia đình Vua Lê Thái Tổ, “Đại Việt sử ký toàn thư” viết ngắn gọn: “Trước kia, tổ ba đời của vua tên húy là Hối, một hôm, đi chơi Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay), thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: "Đây chắc hẳn là chỗ đất tốt", rồi dời nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, đời đời làm quân trưởng một phương”.

Sách “Lam Sơn thực lục” do Nguyễn Trãi soạn ngay sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, viết chi tiết hơn, kể chuyện khi nhà vua sai người nhà cày ruộng, gặp nhà sư họ Trịnh từ bên Lào sang, mách nước rằng: “Xứ Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy thiên sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. Con trai sang không thể nói được. Nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc trung hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được năm trăm năm”.

Nhà sư nói rồi, nhà vua liền đem đức Hoàng khảo (thân phụ Lê Lợi) táng vào chỗ ấy. Tới giờ Dần, về đến thôn Hạ Dao Xá, nhà sư bèn hóa, bay lên trời! Nơi nhà sư hóa, sau này nhà vua cho làm điện Du Tiên”.

“Lam Sơn thực lục”, cuốn tiểu sử và ký sự về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, kết luận: “Đó là gốc của sự phát tích vậy!”.

Đến chuyện các chúa Trịnh

Cũng như gốc tích vua Lê thì các chúa Trịnh cũng giải thích sự phát tích của tổ tiên mình nhờ phong thủy. Theo các bản “Trịnh gia thế phả” tìm thấy trong gia đình hậu duệ họ Trịnh, thì cụ nội chúa Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu do giúp một ông già ngủ trọ nên được chỉ cho mạch đất tốt ở xứ Linh Lạc của núi Đồn bên trái dãy Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), nếu đem hài cốt phụ mẫu táng vào đó sẽ phát nghiệp vương.

Ngoài ra, ông lão còn chỉ giúp Trịnh Liễu đất dương trạch (nhà ở) tại xã Biện Thượng, chỗ Ngõ thẳng, với lời phân tích rằng: “Cuộc đất nầy thì phía sau có núi Hoành làm thế Huyền Vũ, phía trươc có núi Viễn Triều làm thế Chu Tước, phía tả có hình cờ lớn, phía hữu có hình gươm dài, trên lưng có hình mệnh ấn; chốn ấy có thể dựng nhà ở, tọa Quý, hướng Đinh”.

Trong thời kỳ chiến tranh Lê - Mạc, “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng viết rằng, chúa Trịnh Kiểm biết dùng kiến thức phong thủy để lập hành điện cho nhà vua. Sử viết: “Bính Ngọ, năm thứ 4 (1546). Lập hành điện ở sách Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó”.

“Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú soạn, viết về chúa Trịnh Cương, như sau: “Chúa thích phong thủy làng Cổ Bi (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay), đã bàn với các quan lập đô mới, rồi sai dùng hành cung để làm chỗ chơi”.

Theo sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng, làng Cổ Bi tiếp giáp với xã Như Kinh (làng Ghềnh, Gia Lâm), vốn là quê hương bà Trương thái phi, mẹ đẻ Trịnh Cương, nên chúa thường hay sang đây chơi.

Phê phán chúa Trịnh, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của nhà Nguyễn viết: “Vì mê hoặc về thuyết phong thủy, Cương muốn dời phủ đệ đến ở đất này, bầy tôi hắn lại nhiều người a dua phụ họa. Hắn bèn sai xây dựng phủ đệ mới, công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành”.

Và vua, chúa nhà Nguyễn

Sử nhà Nguyễn chê chúa Trịnh “mê hoặc về thuyết phong thủy” nhưng lại chép rằng, thời chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu cai quản Đàng Trong, đã có những câu chuyện liên quan đến phong thủy. “Cương mục” viết: “Tân Sửu, (1601), mùa hạ, tháng 6, bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Nói xong, bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”.

“Đại Nam thực lục” viết về chuyện Vua Gia Long chọn đất làm lăng cho mình rằng: “Sai Tống Phước Lương và Lê Quang Định sung Sơn lăng sứ, sai cùng Trịnh Hiến và Lê Duy Thanh xem chọn kiểu đất đẹp cho sơn lăng. Duy Thanh vẽ đồ để dâng (thuộc xã Định Môn), sai bói thì tốt. Vua đến xem đất ấy vượng khí chung đúc, các núi quanh chầu bầy tôi đều cho là đất tốt vạn niên. Vua sai hoàng tử thứ tư bói. Bói được quẻ Dự. Nguyễn Hữu Thận xem quẻ rồi nói: “Tốt lắm”. Bèn lấy quân dân để làm lăng”.

Sử sách nhà Nguyễn cho biết, tất cả các khu lăng mộ các vị vua, hoàng hậu và các vị thân vương, quý tộc của triều đại này, đều được các thầy địa lý nghiên cứu, lựa chọn rất kỹ lưỡng và khu lăng mộ nào cũng được mô tả rất hấp dẫn về phong thủy.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/co-tran-ap-duoc-nui-song-638752/