Cô tôi

Buổi sáng đầu mùa hạ trên quê nội, vùng Trung du rừng cọ đồi chè ríu ran tiếng chim hót không gian đẹp tuyệt vời. Tôi dậy sớm, sau một ngày đi đường và một đêm ê ẩm bởi 'dư âm' của chuyến xe xóc như giã gạo hôm qua.

Bước ra sân dưới bầu trời thanh cao, tôi tập mấy bài thể dục cho thư thái. Sáng sớm ở vùng đồi trung du không khí thật mát mẻ dễ chịu, tôi hít căng lồng ngực cái hơi nồng nồng của đất ẩm và quanh tôi thoang thoảng hương chè quyện trong gió sớm. Trong chuồng tiếng con gà trống cố gáy lên lần cuối cùng, báo hiệu bình minh đã đến. Tầm này ở thành phố, chắc chắn tôi sẽ được “hưởng” những tiếng xe cộ ầm ĩ, đôi khi cả những đám bụi bốc lên phả vào mặt.

Nghĩ thế, tôi bất chợt cười… Mọi người hay khen ở làng quê thật thoáng đãng, không khí trong lành, nhưng chỉ khen thế thôi, chứ cấm thấy có ai chuyển từ thành phố về nông thôn bao giờ. Tập xong thể dục, tôi trở vào nhà. Ông nội tôi đã ngồi chờ sắn ở bàn từ lúc nào, ông đưa cho tôi chén nước chè hãy còn nóng hổi, mùi chè ngào ngạt, ông nhẹ giọng:

- Không biết mày có giống tính bố, tính ông, thích uống chè buổi sớm?

Tôi đỡ lấy chén nuớc từ tay ông, mời ông, rồi đặt nhẹ chén vào môi chiêu một ngụm. Vị chè lúc đầu thì chát nhưng chỉ thoáng sau đã để lại cái ngọt nồng nơi cổ họng, thật chẳng có gì thú vị bằng được uống chè trên quê hương của đất chè vừa sạch, vừa thơm. Ông tôi rót đầy thêm vào chén nước của tôi, rồi kéo ghế ngồi xích lại:

- Cháu à, lần này ông mời hai bố con cháu về quê là có việc muốn nhờ

Ông nhìn tôi, còn tôi thấy ông nói tới hai chữ có vẻ trịnh trọng “mời về” thì đã thấy việc ông sắp nói ra chắc hệ trọng lắm đây. Tôi cố bình tĩnh lắng nghe.

- Nhưng bố cháu bận công tác không về được, thì ông nói với cháu, thanh niên thành phố, cử nhân báo chí may ra cháu có thể giúp được ông

Ông mân mê cái chén nước trong tay trầm giọng:

- Từ khi ông đi chiến đấu ở chiến trường ra, đau đớn khi bà nội của cháu mất, cảnh sống một mình nơi đồi thưa hoang vắng, nhiều người khuyên ông “Gà trống nuôi con vất vả lắm, còn trẻ nên tìm người về chăn gối cũng là đỡ đần nhau trong cuộc sống”, ông thấy buồn tủi nên đã lấy thêm bà hai chỉ hơn bố cháu 5 tuổi về làm dì. Bà sinh được cho ông cô Thuận và chú Tình. Chú Tình của cháu dở người như thế ông chỉ biết thương yêu và nuôi nấng, chẳng thể ơn nhờ gì được. Duy chỉ có cô Thuận của cháu, thông minh, lanh lợi nhưng không hiểu sao chẳng chịu lấy chồng. Nay đã bước sang gần băm rồi chứ ít đâu. Ông biết hai cô cháu thân nhau nhất nhà này, nên cháu xem cô có khúc mắc gì thì khuyên giải, lựa lời giúp ông, dù sao cháu và cô cùng ở một thế hệ. Hiện nay cô đang có người muốn xin đấy!

Tôi ngỡ ngàng về vấn đề ông đặt ra. Hai cô cháu tôi tuy hay điện thoại trao đổi cho nhau, nhưng có bao giờ nhắc tới chuyện chồng con đâu. Thấy tôi vẫn ngồi thừ người, vẻ mặt ông tôi buồn buồn, nói tiếp:

- Trong làng có mấy đám đến dạm hỏi nhưng cô mày từ chối, họ chê cô mày kiêu, ông cũng sợ tiếng đồn ấy làm cho cô mày ế chồng, vì thế ông rất sốt ruột. Kỳ này đang có người đến xin, cháu lựa dò ý tứ cô rồi khuyên cô giúp ông.

Nói xong, ông thong thả đứng dậy đi ra sân. Ông đi một lúc rồi, tôi vẫn ngồi lặng yên. Tôi tự thầm trách mình đã từ lâu không để ý tới những tâm tư của cô. Những lần hội thoại trên di động, trên facebook hoặc chát chít… tôi toàn kể những chuyện đâu đâu, hoặc có hỏi việc đôi lứa của cô chỉ là những lời sáo rỗng.

Cô tôi không có vẻ đẹp rực rỡ của người con gái thành thị, nhưng bù lại nét mặt đoan trang, chân thật, mặn mà đằm thắm như cái yên bình chân chất của làng quê. Người ta bảo “nhất dáng nhì da” thì cô có được cả hai. Người như cô được nết ăn, nết ở, nổi tiếng trong làng ngoài xã, chăm nuôi bố già, em trai tật nguyền do di chứng chất độc da cam của người bố sau những năm đi chiến đấu ở chiến trường… nếu cô còn kén chọn thì chẳng có gì quá đáng.

Nhưng đã mấy đám hỏi, có đám chàng trai là Phó Chủ tịch xã, vừa đẹp trai, vừa có học vấn, là đảng viên thế mà cô chưa ưng ý, cứ chối đây đảy thật là điều lạ. Tôi cứ lặng đi như thế cho đến lúc cô gọi tôi vào ăn sáng mới bừng tỉnh.

Cô tôi đấy, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen lay láy, hàm răng trắng đều, nước da con gái vùng đồi chè nhuộm nắng, nhuộm gió vậy mà sao da vẫn hồng tươi. Mỗi khi cô cười cái lúm đồng tiền má bên trái phô ra trông duyên dáng lắm. Mái tóc cô đen mượt, óng ả, mỗi khi gội đầu tóc cô trải dài trên chiếc chậu thau đồng lập lờ trong nước bồ kết trông như nàng tiên bên dòng dòng suối huyền thoại và thơ mộng. Tóc cô dài bén gót chân, chả thế khi gội đầu, tóc cô vắt lên cái chậu mấy vòng.

Điểm tâm sáng xong, cô bảo tôi nếu có rỗi thì lên đồi hái chè cùng cô, ở trên đó nhiều cảnh thơ mộng, khối cái có thể viết lên báo, viết thành truyện, làm thơ... Tôi mừng quá vì đây là dịp để hai cô cháu có thể nói với nhau những điều ông nội vừa dặn. Hai cô cháu sắp đi thì chú Tình phát hiện, nằng nặc bám theo. Nhìn chú Tình chân đi lẩy bẩy, mũi, dãi dòng dòng, tôi thấy lòng mình se lại. Tôi bảo cô để cho chú đi cùng, với chú có điều gì là quan trọng đâu. Nhưng cô tôi kiên quyết không nghe. Cô ôm chú vào lòng vỗ về như người mẹ hiền ru con:

- Thôi! Ngoan nào, chị dẫn anh Minh - cô thường gọi tôi là anh chứ không gọi đúng vai vế là cháu, cũng bởi có lẽ tôi chỉ kém cô 2 tuổi - lên xí nghiệp rồi sẽ về chơi với Tình mà.

Có lẽ chú Tình cũng chẳng hiểu gì lắm, nhưng nghe giọng “nựng” ngọt ngào của người chị gái, từng nuôi mình khi còn lên 3 tuổi đầu thay mẹ vì mẹ đẻ của cô tôi và chú Tình trong lần vượt cạn lần cuối cùng đã qua đời. Nghe cô tôi dỗ dành, vỗ về chú Tình đồng ý không đi theo, chú lắng lặng ngồi xệp bên bậc cửa.

Tôi theo cô một đoạn khá xa, ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy chú ngồi đó dõi mắt hướng theo. Nhìn dáng cô thoăn thoắt trên con đường đầy sỏi, tôi chợt thấy xấu hổ với chính mình, thằng con trai to khỏe như tôi, chân xỏ dầy mà bước đi cứ khập khà khập khiễng. Hình như cô tôi cũng nhận ra điều này, cứ đi một quãng, cô dừng lại đợi tôi. Cô mỉm cười:

- Không quen hả? Đường núi, đồi không bằng phẳng như thành phố đâu.

Tôi cố gắng đi cho kịp cô rồi hỏi đế lấp ngượng:

- Cô này, Sao cô không để chú Tình đi cùng cho vui?

Cô lắc đầu:

- Anh ít về nên không biết, sáng nào chú Tình của anh chẳng đòi bám theo tôi như thế. Mà lên trên này, tôi mải làm việc, chăm chăm hái chè, không trông nom được. Có lần Tình ngã vào đá suýt gẫy tay. Nếu lần ấy Tình có làm sao thì tôi ân hận suốt đời.

Tôi chợt hiểu ra thái độ kiên quyết của cô ban nãy là rất hợp tình hợp lý. Từ lúc ấy hai cô cháu tôi im lặng, mỗi người như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi cố chọn thời cơ để tâm sự với cô về vấn đề hết sức nhậy cảm: khuyên cô đi lấy chồng. Mãi cho khi lên đến đồi chè, tôi đi bên cạnh nhìn tay cô thoăn thoắt hái chè mới có cơ hội để thực hiện lời ông tôi dặn lúc sáng. Tôi rụt rè:

- Cháu nghe nói cô đang có người đến cầu hôn?

Đang hái chè, nghe thấy tôi hỏi câu này, cô quay phắt sang tôi, mỉm cười:

- Ông nói với anh rồi à? Chắc muốn tìm đồng minh đây. Tôi ngỡ ngàng, chẳng lẽ cô đã biết ý tứ của ông tôi rồi. Với cái nhìn tinh ranh cô lắc đầu:

- Ông lo cho tôi chẳng lẽ tôi không biết sao, nhưng không dễ dàng đâu- như sợ tôi ngắt lời cô nói nhanh - Chắc ông cũng đã nói với anh từ ngày mẹ tôi qua đời, mới hơn mười tuổi đầu tôi phải lo tất cả vì cuộc sống của ông nội anh, chú Tình anh, nay ông nội anh đã già yếu, chú Tình tàn tật, tôi đi lấy chồng rồi, ai sẽ lo cho ông và nhất là chú Tình?

Nghe cô nói đến đây, tôi đã hiểu ra. Cô đi lấy chồng quả là “lực bất tòng tâm” gánh nặng gia đình đang đè nặng trên hai vai cô, là người con hiếu thảo thì sự đi lấy chồng chỉ là ảo tưởng, mong manh, còn sự trả hiếu cho cha mới là sâu nặng. Nhưng chẳng lẽ cô cứ ở vậy đến suốt đời? Các cụ xưa đã dạy “con gái có thì” nhất là ở vùng quê ngoài hai mươi tuổi đầu chưa có một “mối tình vắt vai”, có chàng trai nào ướm hỏi thì dường như là “chống ề”, và ngoài băm thì coi như là hết đát và ế hẳn. Đằng này cô đã 25 tuổi rồi. Tôi lo cho cô, bây giờ có người ướm hỏi, thời cơ trăm năm có một, nếu cô bỏ lỡ lần này thì tội nghiệp quá. Cô đi lấy chồng làng vẫn có điều kiện giúp bố nuôi em cơ mà.

Tôi lên tiếng:

- Lấy chồng gần nhà, cô vẫn có thể giúp đỡ được ông và chú Tình mà!

- Không đơn giản thế đâu, đã đi làm dâu nhà người ta là phải tất cả phụng sự cho nhà chồng, còn thời gian đâu mà chăm sóc bố và em. Với lại liệu xa tôi chú Tình của anh có chịu không? Mà tôi đã thề với mẹ tôi lúc qua đời rằng sẽ không bao giờ bỏ em Tình.

Cô vừa nói, đôi khóe mắt cô long lanh giọt lệ, làm tôi luống cuống. Một người con gái mà ý nghĩ thì sâu xa đến như vậy. Thấy tôi im lặng, quay mặt đi nhìn sang hướng cánh đồng lúa xanh dưới chân đồi, thi thoảng có đôi cò trắng xoải cánh xà xuống trông thật thơ mộng. Tôi cố kìm giọt nước mắt. Dường như biết tôi cảm thông trước những lời bộc bạch vửa rồi của mình, cô dịu dàng, thủ thi bên tai tôi:

- Tôi biết là ông nội anh và gia đình lo cho tôi nhiều lắm, nhưng cái số tôi nó vậy. Nếu anh lo cho tôi thì mong anh thình thoảng về quê hoặc lúc nhàn dỗi viết thư, gọi điện về cho ông hoặc tôi là vui lắm rồi. Hay giới thiệu cho tôi một chàng nhà báo cùng làm với anh ở Hà Nội vậy- cô cười- Phận tôi, tôi sẽ có cách, cố gắng kiếm tiền, bao giờ được kha khá lưng vốn sẽ lập một sổ tiết kiệm cho chú Tình, lúc ấy tôi mới đi lấy chống. Anh yên tâm đi chẳng lâu nữa đâu…

Nói xong, hai tay cô lại thoăn thoắt hái chè, tôi hiểu cô muốn dừng câu chuyên ở đây. Trời đã về trưa, ánh nắng chói chang, rạo rực, mồ hôi trên trán cô lấm tấm, đôi mắt cô vẫn chăm chú vào những lá chè xanh tơ, tay thoăn thoát hái.

Hưong chè ngai ngái bỗng theo gió thoảng đến, tôi hít thở một hơi dài tràn căng lồng ngực. Cô tôi đấy, thấp thoáng một nét đẹp của người con gái vùng sơn cước mà không đâu có được. Một mùa hè nữa lại về. một mua hè nữa sẽ đến, còn cô tôi như con chim sáo chưa chịu sang sông…

Minh Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-toi-78824.html