Cô Tô vững vàng nơi đầu sóng

Tháng 8 năm nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với BĐBP Quảng Ninh thực hiện dự án đưa thêm 30 hộ gia đình ra định cư lập nghiệp tại đảo Trần để tiến tới thành lập thêm một xã ở hòn đảo này trực thuộc huyện Cô Tô. Như vậy, Cô Tô vẫn luôn là mảnh đất lành, nơi Bác Hồ đặt chân tới vào năm 1961 và là nơi duy nhất Người cho phép dựng tượng mình. Tôi đứng bên tấm bia đá viết rằng, nơi này trước đây là cánh đồng muối, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, trò chuyện với người dân ở đảo, nhìn ra phía trước chỉ có bạt ngàn màu lục tươi của những trảng cỏ, những cánh rừng ken dày ra tới mép biển.

Kì 1: Cô Tô ngày mới

Kì 2: “Thắp sáng” Cô Tô

Vào bệ phóng

Trên đảo Cô Tô có một cánh rừng kỳ lạ với những thân cây chõi màu đen dài loằng ngoằng bện vào nhau như búi rắn. Con đường uốn lượn lên ngọn đồi có ngọn hải đăng trên độ cao hơn 100m cũng phủ kín cây rừng nhiệt đới. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt nhìn ra vạn dặm biển. Điểm nhìn rõ nhất từ đây là hồ nước Trường Xuân, dung tích 170 ngàn mét khối - công trình trữ nước lớn nhất của đảo Cô Tô, trị giá đầu tư 71 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2013. Huyện Cô Tô hiện có 9 hồ chứa nước tại đảo Cô Tô, 1 hồ lớn tại đảo Thanh Lân, 3 hồ khác tại đảo Trần và đang tiếp tục hoàn thiện các hồ Chiến Thắng, Bạch Vân... nhằm cung cấp đủ nước cho hòn đảo ít mưa và không có mạch nước ngầm này. Việc tiết kiệm nước là vấn đề sống còn ở Cô Tô. Vì vậy, có thể hòn đảo sẽ phải bỏ việc canh tác lúa nước, chuyển sang trồng rau và hoa màu. Không những quy hoạch lại cơ cấu nghề nghiệp, UBND huyện còn tái cơ cấu hạ tầng toàn bộ tuyến đảo, hệ thống điện, nước ngọt, xử lý rác thải, bến bãi ngư trường. Và dù thế nào thì Cô Tô vẫn phải giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên, giải quyết tốt mâu thuẫn vốn có giữa việc bảo tồn và khai thác du lịch.

Bến cảng Cô Tô.

Dù vậy, thật ngạc nhiên là Cô Tô đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và không còn hộ dân quá nghèo. Những con đường xuyên đảo hình mai rùa đều được đổ bê tông khang trang. Giờ đây, Cô Tô chỉ tập trung cho 2 việc: Xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên đảo và phát triển du lịch bền vững. Trong vòng 5 năm tới sẽ là thời kỳ tăng tốc để hoàn thiện hạ tầng trên đảo mà quan trọng nhất là xây dựng lưới điện từ đất liền ra đảo - một việc mà trước đây chừng như không tưởng.

Vốn là một hòn đảo có vị trí chiến lược quốc phòng lại đông dân cư, năm 1999, Cô Tô được đầu tư xây dựng trạm phát điện diesel và lưới điện hạ thế với tổng vốn đầu tư 2,1 tỉ đồng. Hiện tại, Cô Tô lắp đặt 21 cụm máy phát điện diesel, tổng công suất 1.300KW và các trạm pin mặt trời khác, nhưng hòn đảo luôn chỉ có điện 23/24 giờ mỗi ngày. Vào 5 giờ sáng, toàn bộ đảo cúp điện để bảo dưỡng máy. Từ đầu mùa hè đến nay, toàn đảo có thêm hơn 500 máy điều hòa, vô số máy lạnh bảo ôn hải sản, dàn âm thanh dịch vụ du lịch... Dự kiến đến năm 2014, toàn bộ đảo Cô Tô sẽ có điện lưới.

Nối đảo lại gần bờ

Anh Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch kiêm Bí thư Huyện ủy Cô Tô chia sẻ rằng, tới đây, cứ một người dân trên đảo sẽ đón 10 khách du lịch mỗi năm và doanh thu du lịch của năm nay sẽ hơn 70 tỉ đồng, những năm sau tiếp tục cao hơn. Và với định hướng hiện tại thì mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay. Dự án lưới điện ra đảo Cô Tô tổng đầu tư 1.107 tỉ đồng, hiện đang ở giai đoạn cuối và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2013. Đường điện này sẽ đi ngang qua đảo Ba Mùn trong quần thể Vườn quốc gia Bái Tử Long, sau đó lên cột ở những eo biển gần; những đoạn nối giữa hai đảo cách xa quá thì thả cáp ngầm dưới đáy biển. Như vậy, đây là công trình điện lưới phóng qua biển bề thế, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ giúp cho cả hai mục tiêu của Cô Tô sớm tới đích là phát triển du lịch và xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá.

Tổng vốn đầu tư trung tâm hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ khoảng 470 tỉ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm có đê chắn sóng, bến cập tàu chứa khoảng 500 tàu cập bến và neo đậu tránh trú bão. Ngoài ra, 17ha khu vực dành riêng cho cơ sở chế biến hải sản dịch vụ đã hình thành, bên cạnh là nhà máy sản xuất nước đá, sửa chữa tàu thuyền. Tất cả chỉ chờ có điện lưới là đi vào hoạt động. Do quần đảo Cô Tô rất gần biên giới Trung Quốc nên lâu nay, ngư dân có thói quen bán hải sản khai thác được cho tư thương thu gom phục vụ thị trường bên kia biên giới. Tiềm năng dịch vụ nghề cá cũng vì thế mà chưa thực sự được đánh giá đúng. Khác với các đảo gần bờ có người ở, Cô Tô nằm trong hệ thống đảo khơi vòng ngoài, có hai vụ cá chính, ngoài ra còn có mùa sứa biển - nguồn lợi rất lớn. Hiện vẫn tồn tại ở đảo những nghề đánh bắt hải sản đặc hữu riêng của vùng đảo có bờ cát dài và nước trong những loài như: Móng tay, sá sùng, bào ngư, sò huyết...

Cũng hiếm có huyện đảo nào có tới 3 đồn BP đứng chân như Cô Tô và cả 3 hiện vẫn là những đơn vị có bề dày thành tích, có công giữ đảo, yên dân, xây dựng nông thôn mới và ổn định địa bàn. Đồn BP Đảo Trần theo đuổi dự án di dân ra đảo, Đồn BP Thanh Lân trong 4 năm qua duy trì mô hình tự quản ngư trường, bến bãi ở cảng Chiến Thắng với hơn 400 tàu thuyền nghề cá thường xuyên ra vào hoạt động. Đồn BP Cô Tô là đơn vị chủ lực dẹp bỏ nạn dùng súng điện tự chế bắn cá, chấm dứt hoàn toàn nạn khai thác móng tay bằng cách dùng bình nén khí thổi cát, sục bùn dưới đáy biển. “Bảo vệ môi trường là cách hữu hiệu để làm du lịch bền vững” – Thiếu tá Trần Hồng Hải, Chính trị viên Đồn BP Cô Tô nói. Người dân bản địa dần cũng hiểu ra rằng, bảo vệ môi trường mình đang sống là kéo dài sự sống của cả hòn đảo. Hiện nay, bộ đội không phải tuần tra canh giữ liên tục hàng ngày, nhưng cộng đồng những người làm nghề lặn biển ở Cô Tô đặc biệt tuân thủ quy định khai thác. Bất cứ hành động khai thác tận diệt nào cũng là lạc lõng và lập tức được báo về đồn BP hoặc UBND huyện. Với mô hình tự quản bến bãi ngư trường tại cảng Chiến Thắng, đảo Thanh Lân cũng tương tự như vậy. Đúng với tên gọi tự quản, các ngư dân thực hiện quy chế xuất bến và cập cảng an toàn, các nhà bè nuôi hải sản được đánh số cho tiện quản lý.

Thợ lặn biển mang hải sản vào bờ.

Quay lại câu chuyện với Chủ tịch kiêm Bí thư Huyện ủy đảo Cô Tô, anh Nguyễn Đức Thành nói rằng, BĐBP ở đảo đã góp công không nhỏ vào công cuộc đặt Cô Tô lên bệ phóng của sự phát triển. Ngoài hai cán bộ tăng cường xã trực tiếp biên chế cho Thanh Lân và Đồng Tiến, mọi quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của đảo đều nhận được sự đồng thuận từ các đồn BP. Cả năm 2013, toàn bộ công chức, viên chức người lao động tỉnh Quảng Ninh đã dành tiền một ngày công góp cho dự án đưa điện ra Cô Tô - chưa có dự án nào được ưu ái đến mức đó. Hẳn ý nghĩa của một ngày công lao động của người dân Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc đầu tư ra biển, hơn thế nữa là niềm tin của lớp lớp người dành cho hòn đảo tiền tiêu.

Ngày cuối cùng ở đảo, tôi còn nán lại ở bến cá, nơi các thợ lặn giong thuyền về, tải xuống những túi lưới đầy hải sản mà trên người vẫn khoác nguyên bộ quần áo chì nặng trịch. Họ thân thiện mời chào và trò chuyện với tôi bằng cách nói sang sảng của dân vùng biển. “Chị sớm quay lại đảo cùng các bạn của chị nhé” – Nguyễn Ngọc Dũng tiễn tôi lên chuyến tàu cao tốc vào đất liền. Cô Tô với những người dân đáng mến xa dần cuối con sóng bạc hình dáng như một con chim hải âu đang cất cánh.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-to-vung-vang-noi-dau-song-qwd/