Cô Tô phát triển nghề cá có trách nhiệm

Nằm trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ với nguồn lợi thủy sản phong phú; ngư dân thạo nghề chài lưới, thân thuộc với biển khơi, là những thuận lợi lớn của huyện đảo Cô Tô để phát triển nghề cá. Huyện đang tập trung khuyến khích ngư dân hành nghề có trách nhiệm, đưa phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thân thiện, giá trị cao.

Sản lượng thủy sản Cô Tô khoảng 6.000 tấn/năm, trong đó sản lượng khai thác chiếm trên 90%, còn lại là nuôi trồng. Theo ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện, hướng phát triển nghề cá có trách nhiệm của Cô Tô thể hiện rất rõ qua các thông số về phương thức, quy trình khai thác, nuôi trồng cũng như sự đầu tư của ngư dân thời gian gần đây.

Nghề chế biến sứa của Cô Tô mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động mỗi năm.

Nghề chế biến sứa của Cô Tô mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động mỗi năm.

Trước đây, phần lớn ngư dân Cô Tô sử dụng tàu nhỏ, khai thác ven bờ, thì nay tiến xa hơn vào vùng lộng, vùng khơi với những tàu cá lớn hơn. Các nghề khai thác kéo, vây, rê… vốn tác động tiêu cực đến NLTS đang dần được thay thế bằng những nghề câu, lồng mực… vốn là phương thức khai thác có lựa chọn. Ngư dân Cô Tô ngày càng mạnh dạn đầu tư vào các mô hình nuôi trồng thủy sản mới, với chủng loại, công nghệ nuôi hiện đại, như rong nho, tôm thẻ, bào ngư, ngọc trai… đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Riêng lĩnh vực chế biến thủy sản, những năm gần đây Cô Tô có sự chuyển dịch mạnh mẽ với hàng chục cơ sở sơ chế thủy sản từ thô đến tinh. Điển hình là hoạt động chế biến sứa đã chuyển dịch từ chế biến sứa nguyên liệu sang sứa ăn liền với khoảng 40 cơ sở, hằng năm thu hút tới nghìn lao động, sản lượng đạt trên 300.000 thùng sứa/năm, doanh thu trên 40 tỷ đồng, biến Cô Tô trở thành trung tâm chế biến sứa lớn nhất của tỉnh.

Cũng từ phát triển chế biến thủy sản, Cô Tô có đến khoảng 40 sản phẩm thủy sản đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP, trong đó có trên 10 sản phẩm đạt hạng sao. Hiện các sản phẩm mực ống khô, mực một nắng, cá thu một nắng, cá duội khô, sứa ăn liền, ốc, nước mắm… của Cô Tô trở thành thương hiệu có tiếng, được người tiêu dùng toàn tỉnh, toàn quốc ưa chuộng.

Đặc biệt, ngư dân Cô Tô - lực lượng chính trên đảo, ngày càng đổi thay về nhận thức trong cách làm kinh tế. Nắm bắt cơ hội phát triển du lịch trên địa bàn, rất nhiều ngư dân đã dần chuyển đổi hoặc kết hợp khai thác, nuôi trồng thủy sản với dịch vụ du lịch, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đến du khách. Điển hình là các hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với chế biến, phân phối sản phẩm thủy sản, nhiều hộ ngư dân còn kết hợp mở nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách ăn nghỉ vào thời điểm mùa cá tôm sinh sản hoặc mùa cao điểm du lịch hè. Theo tính toán mức thu nhập năm 2021 của người dân Cô Tô trên 100 triệu đồng/người, riêng ngư dân cao hơn từ 10-15%.

Tàu thu mua hải sản của anh Lê Bá Tùng (khu 4, thị trấn Cô Tô) có thiết kế hiện đại, thân thiện với môi trường.

Để có sự chuyển dịch kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, giá trị cao như hiện nay, huyện từ sớm đã thực hiện lộ trình hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân, các cơ sở, doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn. Theo đó huyện tận dụng nhiều nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hạ tầng nghề cá, quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản, triển khai giao bãi triều, cho thuê mặt nước theo quy định đối với cá nhân tổ chức, xây dựng danh mục sản phẩm thủy sản chủ lực, danh mục sản phẩm OCOP trọng điểm, trọng lực của huyện, trong đó tập trung chủ yếu về sản phẩm thủy sản… Thực tế Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã phần nào tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tới đây, theo lộ trình đầu tư, công trình này tiếp tục được triển khai các phần hạ tầng thiết yếu còn lại theo quy định, qua đó sẽ phát huy tác dụng lớn hơn.

Theo ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cùng với sự phát triển của nhiều ngành nghề kinh tế trên địa bàn, lĩnh vực du lịch thì thủy sản sẽ tiếp tục thể hiện được vai trò kinh tế mũi nhọn cũng như bệ đỡ, trợ lực cho du lịch Cô Tô. Đến nay, cùng với những thắng cảnh tự nhiên tươi đẹp, thì hải sản tươi ngon cũng như cách làm du lịch hồn hậu, đậm chất bản địa của người dân, nhất là ngư dân Cô Tô, là một trong những sức hút, nét hấp dẫn du khách đến vùng đảo này.

Thanh Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/co-to-phat-trien-nghe-ca-co-trach-nhiem-3190754.html