Cô Tô: Khơi dậy tinh thần tự lực để thoát nghèo

Theo tiêu chí mới về hộ nghèo, huyện Cô Tô trong đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V (2015 – 2020) có 56 hộ nghèo, chiếm 3,19% tổng số hộ toàn huyện. Nghị quyết Đại hội đặt ra đến năm 2020 cả huyện cơ bản không còn hộ nghèo và với nhiều giải pháp, cách làm phù hợp đến hết tháng 7/2019 cả huyện không còn hộ nghèo. Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Ông Trần Như Long cho biết: Thực hiện Kết luận số 392 – KL/TU ngày 18/3/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh tại buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2019, trong đó phấn đấu hết năm 2019 huyện không còn hộ nghèo. Theo đó, huyện đã xây dựng kế hoạch với các biện pháp, lộ trình thực hiện cụ thể trên cơ sở điều kiện kinh tế xã hội của huyện, chú trọng quan tâm giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, đến ngày 30/7/2019, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo - vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đã đề ra, vượt 5 tháng so với tỉnh giao và hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

- Huyện đã thực hiện các giải pháp, chính sách cụ thể như thế nào để có được kết quả trên, thưa ông?

+ Trước tiên là sự vào cuộc rất tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền, chung tay vì người nghèo. Huyện đã phân công cho các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng chương trình “Mỗi đơn vị một địa chỉ đỏ” để hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm hẳn việc hỗ trợ trực tiếp cho không sang hỗ trợ thực hiện nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ lãi suất vốn vay, con giống, vật nuôi, hỗ trợ phương tiện sản xuất. Huyện đã triển khai 7 mô hình phát triển sản xuất với số tiền là 288 triệu đồng; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 8 hộ nghèo với số tiền 190 triệu đồng. 100% người dân được cấp bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi, lên lớp đạt 100%; điện lưới quốc gia, nước sạch, hệ thống truyền thanh, truyền hình, tủ sách pháp luật được đầu tư nhằm đáp ứng thông tin cho nhân dân.

- Thực tế triển khai công tác giảm nghèo của huyện có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

+ Khó khăn thì rất nhiều nhưng theo tôi có 2 khó khăn chủ yếu. Thứ nhất là nỗ lực giải quyết cho một số hộ nghèo mắc bệnh, thậm chí kéo dài hàng chục năm. Thứ hai là làm sao để thay đổi nhận thức của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại để được nhận chính sách.

Nhờ làm tốt công tác vận động và hỗ trợ vốn phù hợp của huyện, hộ bà Nguyễn Thị Mơ (bên phải) khu 2, thị trấn Cô Tô đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống trung bình khá.

- Theo ông, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo của huyện, yếu tố nào quan trọng nhất?

+ Yếu tố hết sức quan trọng và quyết định cho thành công thoát nghèo, đó là các hộ nghèo phải tự lực, tự thân vận động. Do vậy, huyện chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động giúp người nghèo tự tin hơn trong việc thoát nghèo.

Thể hiện thứ nhất là tuyên truyền cho người nghèo biết được nghèo đa chiều, trong đó phân tích rõ ra nhóm người nghèo về thu nhập và nhóm người nghèo về thiếu hụt các chiều, thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin để cho người nghèo biết được mình đang ở nhóm hộ nghèo nào và từ đó ngoài chính sách Nhà nước sẽ hỗ trợ theo chiều thiếu hụt, thì người nghèo cũng phải chủ động tự bản thân mình cải thiện chiều thiếu hụt. Thứ hai, huyện nhân rộng những cách làm hay để cho người nghèo có thể đến những điểm đấy để học tập. Thứ ba, huyện hết sức coi trọng việc khuyến khích người nghèo thoát nghèo đó là cộng đồng dân cư ở dưới thôn, khu phát huy được tính chủ động, đặc biệt là các nhóm hộ để tự trong các nhóm hộ đó động viên nhau, khuyến khích nhau, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo bền vững.

- Từ kết quả đạt được, năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện đặt ra những mục tiêu, giải pháp như thế nào để không tái nghèo, không phát sinh thêm hộ nghèo?

+ Việc giảm không còn hộ nghèo đã khó, nay giữ vững không được tái nghèo, hoặc phát sinh hộ nghèo còn khó hơn nhiều. Vì vậy, huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như:
Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực và nhận thức cho nhân dân cùng tham gia vào công tác giảm nghèo. Hỗ trợ trực tiếp, trợ giúp vay vốn kinh doanh, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập và các chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, tiếp cận thông tin. Có chính sách hỗ trợ đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để không phát sinh hộ nghèo mới, không tái nghèo, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững. Mặc dù không còn hộ nghèo, nhưng công tác giảm nghèo của huyện vẫn được đặc biệt quan tâm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Công Quý (Trung tâm TT-VH Cô Tô)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201910/co-to-khoi-day-tinh-than-tu-luc-de-thoat-ngheo-2457588/