Cô Tô - đảo ngọc nơi tiền tiêu Tổ quốc

Sau hơn 2 giờ hành trình từ cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), tàu cao tốc cặp cầu cảng Cô Tô tấp nập du khách. Cái nóng hầm hập giữa tiết trời tháng 6 mau chóng xua tan khi chúng tôi đặt chân lên thị trấn Cô Tô rợp bóng dương xanh. Huyện đảo Cô Tô với tập hợp trên 50 hòn đảo lớn nhỏ càng trở nên hùng vĩ và thơ mộng bởi những bãi cát trắng mịn màng, trải dài ngút tầm mắt. 

Huyện đảo Cô Tô đang phấn đấu trở thành đô thị sinh thái biển của tỉnh Quảng Ninh.

Không hổ danh là hòn đảo đẹp nhất miền Bắc - Cô Tô được ví như viên ngọc xanh tuyệt đẹp đầy hoang sơ, quyến rũ. Sau hàng thế kỷ giữ trọng trách tiền đồn của Tổ quốc, huyện đảo Cô Tô đang có những bước phát triển nhanh và bền vững, trở thành một vùng kinh tế năng động, một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngọc xanh tỏa sáng

Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, ông Hoàng Bá Nam ví 50 hòn đảo như những viên ngọc trai ẩn sâu giờ mới được phát lộ để mô tả cho bước phát triển đầy ngoạn mục của Cô Tô. Cách đây 5 năm, Cô Tô còn là địa phương thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Xa đất liền 60km, thiếu điện, nước sinh hoạt và phương tiện kết nối với đất liền, khiến Cô Tô thực sự là "ốc đảo" giữa vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Giờ đây, quay trở lại Cô Tô, mọi người đều cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày.

Con đường xuyên đảo đưa chúng tôi qua những khu dân cư trù mật, vắt qua những triền núi thoai thoải và những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến các khu nghỉ dưỡng đang hình thành trên đảo chính và những hòn đảo phụ cận. Cô Tô độc đáo và nổi trội so với các danh lam, thắng cảnh khác trên vịnh Bắc bộ nhờ thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ. Nước biển chuyển màu theo ánh mặt trời với bãi biển mịn màng cát trắng, khiến du khách không thể quên cảm giác đắm mình trong sắc màu thơ mộng tại các bãi tắm Hồng Vàn, Vàn Chảy, Tài Vàn...

Mới đầu mùa du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ trên đảo đã trong tình trạng "cháy" phòng. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin Cô Tô, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng, Cô Tô đón trên 1 vạn lượt khách. Đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, đảo đón gần 2 vạn khách du lịch, gấp 3 lần dân số trên huyện đảo. 11 tàu thủy cao tốc tuyến Vân Đồn-Cô Tô phải hoạt động suốt ngày đêm mới đáp ứng nhu cầu phục vụ.

Anh Nguyễn Văn Bình, người đưa chúng tôi đi tham quan đảo bằng ô tô điện phấn chấn: "Hầu hết các hộ làm nông nghiệp đều tham gia du lịch. Riêng đội dịch vụ vận tải trên đảo đã có hơn 100 xe ô tô điện. Gia đình nào có điều kiện thì đầu tư xây khách sạn, mở nhà hàng. Những gia đình kinh tế khó khăn hơn thì tổ chức dịch vụ du lịch tại nhà - "home stay". Đầu tư cho du lịch tuy cao, nhưng thu nhập gấp nhiều lần làm ruộng. Với lượng khách ổn định hiện nay, hết mùa du lịch, tôi sẽ hoàn vốn 200 triệu đồng mua xe".

Nắm bắt vận hội mới, 1.500 hộ dân trên huyện đảo Cô Tô đang chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng nguồn lực trong dân đầu tư cho dịch vụ du lịch lên đến trên 80 tỷ đồng. Cô Tô đang chuyển mình từng ngày để từng bước trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao với sự xuất hiện ngày càng nhiều những khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng sang trọng và các hoạt động du lịch sôi nổi như: Các tour dã ngoại, tham quan các đảo, câu mực, đánh cá, bắt ốc, lặn biển...

Trên các đảo đã hình thành chuỗi cơ sở, hạ tầng phục vụ du lịch gồm: 90 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng lưu trú, có thể đáp ứng cho gần 3.000 khách; 30 nhà hàng lớn nhỏ; 3 trung tâm mua sắm phục vụ du khách và quảng bá các sản phẩm đặc sản.

Cô Tô không còn xa nữa, đúng như lời Bác Hồ khi ra thăm đảo vào ngày 9-5-1961: "Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng tiến bộ". Vùng biển đảo chiến lược đang gần hơn và được nối liền với đất liền nhờ những phương tiện vận tải hiện đại hoạt động tấp nập suốt ngày đêm, nhờ thông tin liên lạc, internet thông suốt và sự chung tay của cả nước hướng về biển đảo thân yêu.

Hơn nửa thế kỷ qua, Tượng đài Bác Hồ kính yêu, uy nghiêm hướng ra Biển Đông bao la như chở che và dõi theo từng bước phát triển của huyện đảo. Đây là bức tượng đài đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng lúc Người còn sống.

Không phụ lòng mong muốn của Người, quân dân huyện đảo Cô Tô đã không quản gian khó, đoàn kết, đồng lòng xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Đảng, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên huyện đảo. "Đất lành chim đậu", những hộ dân dù đến từ nhiều miền quê Tổ quốc đã ra Cô Tô là mang theo quyết tâm làm giàu và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.

Sau khi dòng điện lưới quốc gia chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc (tháng 10-2013) thỏa lòng mong ước của bao thế hệ quân dân trên đảo, những tiềm năng, lợi thế của huyện đảo được chắp cánh, phát triển mạnh mẽ. 2 năm liên tiếp, mức tăng trưởng GDP đạt trên 13,5%, Cô Tô đang trở thành huyện đảo đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Huyện đảo cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước phủ sóng Wifi, công nghệ thông tin được ứng dụng trong toàn bộ hệ thống tổ chức các cơ quan, đơn vị, trường học, y tế và đến từng căn nhà, ngõ xóm. Bộ mặt khu vực nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc với 100% các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện chỉ còn 8 hộ nghèo (chiếm 0,05% dân số toàn huyện); thu nhập bình quân đầu người đạt 1.600 USD/năm.

Vươn ra biển lớn

Theo chân đội kiểm soát Biên phòng làm nhiệm vụ trên cầu cảng mới được đưa vào sử dụng, tôi cảm nhận đầy đủ sự hùng vĩ của Cô Tô khi hoàng hôn buông xuống, bầu trời chuyển từ xanh sang hồng, vàng cam rực rỡ rồi tím biếc. Vẻ đẹp đó càng nổi bật hơn nhờ sức sống đầy năng động nơi đảo xa qua hình ảnh những con tàu tất bật chuẩn bị ra khơi, tiếng cười giòn tan của ngư dân tin tưởng bước vào một chuyến đi bội thu... Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ đầy hứng khởi trong bài “Đoàn thuyền đánh cá" của nhà thơ Huy Cận: "Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng".

Trong bối cảnh chủ quyền biển đảo nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là lệnh cấm đánh bắt hải sản đơn phương, ngang ngược, vô lý của Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ, ngư dân huyện đảo Cô Tô vẫn vững vàng bám biển lao động sản xuất. Hơn 111 tàu cá được tổ chức thành những đội sản xuất tự quản, duy trì hoạt động thường xuyên trên biển như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân.

Thượng tá, Đồn trưởng Đồn BP Cô Tô Bùi Thế Tuyên cho biết, mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một đài canh trên biển, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trên vùng biển đảo, nhất là các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển và đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để huyện đảo triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Gần 2 thế kỷ trước, Cô Tô đã là tiền đồn vững chắc của đất nước khi Nguyễn Công Trứ xin triều đình cho thành lập làng và đồn binh Hướng Hóa đầu tiên trên đảo Cô Tô từ năm 1832, làm nhiệm vụ canh phòng, tiễu trừ cướp biển phương Bắc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Cô Tô trở thành pháo đài hiên ngang giữa vùng biển Đông Bắc khiến không lực Hoa Kỳ khiếp sợ, khi mò vào đánh phá miền Bắc. Nhiều siêu phản lực Con Ma, Thần Sấm của giặc Mỹ đã bị quân dân trên đảo bắn hạ ngay tại cửa ngõ Biển Đông.

Truyền thống, lịch sử hào hùng của Cô Tô đang được các thế hệ tiếp bước không chỉ bằng ý chí, quyết tâm cao, mà bằng những định hướng cụ thể. Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết: Mục tiêu của huyện đảo trong giai đoạn tới là tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở một tầm cao mới, đưa Cô Tô trở thành một huyện điểm văn hóa nông thôn.

Phát huy thế mạnh kinh tế biển, trong năm 2015, Cô Tô sẽ đưa Trung tâm hậu cần nghề cá vào hoạt động và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để huyện đảo thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc vịnh Bắc bộ. Trong đó, tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm thủy hải sản thành thương hiệu mạnh có giá trị xuất khẩu cao như: Sứa, hải sâm, mực ống, ốc móng tay, sá sùng, cá duội...

Bên cạnh đó, huyện đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất để đưa dân ra đảo Trần phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sau khi hoàn tất các quy hoạch chiến lược, Đảng bộ, chính quyền huyện Cô Tô đang tập trung mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư để hoàn thiện trung tâm du lịch mới trên vịnh Bắc bộ và từng bước xây dựng huyện đảo trở thành đô thị sinh thái biển của tỉnh Quảng Ninh.

"Mặt trời đội biển nhô màu mới.
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi".

Cô Tô ngày mới đang khoác lên mình một tấm áo tuyệt đẹp, đúng như những gì nhà thơ Huy Cận từng miêu tả. Với niềm tin phơi phới, Cô Tô đang cùng cả nước bước vào vận hội mới.

Tuấn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-to-dao-ngoc-noi-tien-tieu-to-quoc/