Cô Tô 5 năm và những đổi thay

Gần 5 năm mới trở lại với Cô Tô, cảm nhận trong tôi là một huyện đảo tiền tiêu còn nhiều khó khăn nhưng đã có sức bứt phá vươn lên đầy ngoạn mục…

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ

Khu khuôn viên tượng đài Bác Hồ trên đảo đã được chỉnh trang, mở rộng đón du khách về tham quan, dâng hương khi đến với Cô Tô.

Thăm khu chế biến sứa của gia đình ông Mai Công Đàm, tại thôn 1, xã Thanh Lân, đã qua mùa sứa nên không có khung cảnh nhộn nhịp của công nhân chế biến sứa. Bù lại, thành quả là các bể ngâm sứa với vị mặn nồng đặc trưng trước những đợt gió biển lồng lộng thổi, đang chờ xuất bán.

Công nghệ chế biến sứa qua nhiều năm gắn bó với nghề đã được gia đình ông Đàm lĩnh hội khá trọn vẹn, cộng với sự đầu tư và những sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng sứa sơ chế.

Sứa sau sơ chế được ngâm trong bể chờ xuất bán tại gia đình ông Mai Công Đàm, xã Thanh Lân, Cô Tô.

Ông Đàm chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi khai thác, nuôi trồng hải sản nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là lúc bão gió có khi mất trắng. Sau đó, từ năm 2016, chúng tôi chuyển sang sơ chế sứa, nhập sứa nguyên liệu trong toàn tỉnh về, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng khi giá cả thị trường biến động, nhưng cho thu nhập ổn định, sự chắc chắn cao hơn nhiều...

Đây không chỉ là kinh nghiệm từ gia đình ông Đàm, một hộ dân làm kinh tế tiêu biểu trên địa bàn, mà nhiều hộ dân của Cô Tô cũng đã có sự chuyển đổi tương tự trong phát triển kinh tế. Qua đó góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ của địa phương từ chỗ chỉ thuần túy dựa vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đã chuyển sang thu mua, chế biến hải sản và cung ứng dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế so sánh của huyện.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cô Tô với doanh thu vượt cao, đạt 700 tỷ đồng vào năm 2019. Ảnh: Du khách chơi teambuilding tại bãi biển Hồng Vàn, Cô Tô.

Theo đánh giá của địa phương, thương mại - dịch vụ của Cô Tô 5 năm gần đây tăng mạnh, hiện chiếm tỷ trọng lên tới 60,8%, tăng 34,6% so với năm đầu nhiệm kỳ (26,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm tăng bình quân 2,5%, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và du khách.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với doanh thu vượt cao. Theo Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu mỗi năm doanh thu du lịch tăng hơn 10%, tuy nhiên nếu như năm 2014 con số này đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, thì đến năm 2019 đã tăng gấp 7 lần (700 tỷ đồng).

Khác với du lịch, các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp giảm mạnh, lần lượt chỉ còn chiếm 15,5% và 23,7%. Tuy nhiên, với nông nghiệp thì ngành trồng trọt trong nông nghiệp có xu hướng giảm, trong khi ngành chăn nuôi và khai thác thủy hải sản tiếp tục duy trì và phát triển.

Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt hơn 27.000 con, tăng so với năm 2015 hơn 5.500 con; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hàng năm đạt trung bình 5.600 tấn, tăng bình quân mỗi năm 3,5%.

Ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản phát triển theo hướng tập trung, chú trọng ứng dụng KHKT vào nuôi trồng những giống hải sản có giá trị cao như ốc hương, hải sâm, bào ngư, đồng thời đẩy mạnh khai thác, chế biến sứa, cá duội, mực ống...

Bên cạnh đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, với chủ yếu là chế biến nước mắm, nước đá, sứa biển, đồ gỗ gia dụng. Tổng giá trị sản xuất hàng hóa tăng bình quân 15%/năm. Giá trị đầu tư xây dựng cơ bản trung bình đạt trên 200 tỷ đồng/năm; giá trị tăng thêm từ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ phát triển kinh tế xã hội đạt trên 800 tỷ đồng.

Đến với Cô Tô hôm nay, du khách cảm nhận rõ nét sự thay đổi về diện mạo cơ sở hạ tầng của địa phương khi các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, các công trình trọng điểm mang tính động lực đã và đang hoàn thành. Đó là đường xuyên đảo Cô Tô, Trung tâm Dịch vụ thương mại, Trung tâm Y tế, Công viên tùng Cô Tô; Khu khuôn viên tượng đài Bác Hồ, khu trung tâm đô thị, tuyến phố đi bộ, đường xuyên đảo Thanh Lân, hồ chứa nước C4 và một số hạng mục tại khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ...

Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, Cô Tô đã chú trọng đầu tư toàn diện cho giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân

Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý được thực hiện hiệu quả ở các cấp học; coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, lý tưởng cho học sinh.

Hiện 100% trường học từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó có 77,61% trên chuẩn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm đạt 100%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 91%.

Trung tâm Dịch vụ thương mại Cô Tô là một trong những công trình trọng điểm đã hoàn thành thời gian qua, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương .

Hàng năm, huyện đều có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và thể thao do tỉnh và quốc gia tổ chức. Thống kê trong 5 năm gần đây, học sinh toàn huyện đã đoạt 1 giải nhất, 16 giải Nhì, 29 giải ba về các môn văn hóa, môn vận dụng kiến thức liên môn, olympic và 6 giải nhất, 5 giải nhì, 2 giải ba và nhiều giải Khuyến khích tại các giải thể thao của tỉnh và quốc gia.

Tỷ lệ học sinh tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, học nghề tăng cao. Công tác giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên hoạt động ổn định, liên kết với các đơn vị đào tạo, đa dạng các loại hình đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện.

Trung tâm y tế địa phương đã được nâng cấp từ 25 lên 50 giường bệnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, làm chủ công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân... Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt được những kết quả quan trọng cả về nhận thức và hành động, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn dưới 5%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên toàn huyện đạt 100%, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Ngọc Mai

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202007/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-huyen-co-to-lan-thu-vi-nhiem-ky-2020-2025-co-to-5-nam-va-nhung-doi-thay-2492260/