Có tình trạng thành lập các 'đế chế' đại học

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (GDĐH). Và với quy định mới như dự thảo, các ĐBQH kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng này.

Hai luồng ý kiến về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH và khái niệm ĐH.

Loại ý kiến thứ nhất là hệ thống cơ sở GDĐH gồm có trường ĐH và ĐH (hệ thống các trường ĐH). Với mô hình này, dự thảo luật quy định các trường ĐH tùy theo nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh, tự nguyện hoặc được nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/hệ thống các trường ĐH hoặc khi một trường ĐH tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường ĐH thì được hình thành một ĐH. Hay ta thường gọi là mô hình ĐH trong ĐH.

Các ĐBQH cho ý kiến tại hội nghị ĐBQH chuyên trách. Ảnh: Chính phủ

Loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục ĐH gồm có ĐH, trường ĐH, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác, gọi chung là ĐH.

Tại hội nghị ngày 7/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ nhận được nhiều kiến nghị của các trường ĐH vùng và nhiều ĐH hiện nay góp ý rằng mô hình ban đầu mà Ban soạn thảo trình đã tốt hơn trước nhưng chưa giải quyết triệt để theo xu hướng thế giới, chưa giải quyết được mong muốn của các trường ĐH trong nước.

Theo Phó Thủ tướng, lý do thứ nhất là về ngôn ngữ, không thể phân biệt được tại sao chỉ có ĐH quốc gia và ĐH vùng được gọi là ĐH, còn những trường có uy tín và lớn về quy mô, số ngành đào tạo như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân thì không được gọi là ĐH.

“Luật của mình ra đã giải quyết được nhưng chưa tạo được động lực để tất cả các trường vươn lên mà tự nhiên hình thành một trần. Tương tự như thế, dịch ra tiếng Anh thì không phân biệt được vì tiếng Anh chỉ có một từ, tiếng nước ngoài cũng thế nên khi hội nhập rất khó giải thích”- Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, hiện các mô hình ĐH quốc gia hay ĐH vùng cũng còn có các ý kiến khác nhau.

Theo Phó Thủ tướng ĐH bao gồm ĐH quốc gia, các ĐH khu vực hoặc ĐH vùng và các ĐH lớn sau này người ta phát triển lên, tùy theo tên gọi và không nên vì tên trường mà quy định người ta là “anh” chỉ ở mức đó không được vươn lên.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình thì chia sẻ về khuynh hướng các trường ĐH được phép kết lại với nhau thành một hệ thống. Đây là một khuynh hướng trên thế giới đang làm. Vấn đề cạnh tranh bây giờ không phải là cạnh tranh trong nước mà nghĩ đến nguồn lực để chúng ta cạnh tranh với nước ngoài.

Làm rõ công tác kiểm định

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, hiện việc kiểm định của chúng ta mới chỉ dừng lại kiểm định ở cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn chương trình, giáo trình, người dạy, chất lượng giảng dạy như thế nào cũng là vấn đề đặt ra.

“Muốn có được tự chủ, có được sự sáng tạo dứt khoát phải lấy kiểm định làm công cụ, không có kiểm định chúng ta sẽ hoàn toàn thất bại. Kiểm định trong hay kiểm định ngoài, chất lượng của kiểm định phải được nâng lên”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Sơn - TP Đà Nẵng cho rằng, việc kiểm định trước để đạt được chất lượng cao hơn, thực hiện tự chủ có ưu điểm là khuyến khích kiểm định và xây dựng văn hóa về chất lượng, kiểm soát chất lượng hoạt động. Trường đảm bảo chất lượng mới có thể thực hiện được tự chủ, đảm bảo cho người học yên tâm lựa chọn.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, nhiều tổ chức kiểm định cạnh tranh nhau theo xu hướng dễ dãi, điều này chắc chắn xã hội rất băn khoăn. Trường đã kiểm định thì không hơn trường chưa được kiểm định, nó tạo ra sự không công bằng. Do vậy, đại biểu này đề nghị tiếp tục làm rõ yếu tố kiểm định.

Có hiện tượng thành lập các “đế chế” ĐH

Về độ tuổi và số nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp của Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, theo quan điểm của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, về lâu dài không nên can thiệp vào tuổi để các trường tự quyết định, nhà đầu tư vào trường tự quyết định. Bởi vì, trong dự thảo luật đã quy định quyền của nhà đầu tư, người ta hoàn toàn có quyền lựa chọn người có đủ khả năng để có thể đảm bảo mục tiêu.

“Tôi nghĩ rằng trong vòng 5 năm kể từ ngày đạo luật có hiệu lực thì chúng ta giữ nguyên như thế này, vẫn theo nhiệm kỳ, thậm chí có thể luân phiên và chúng ta tổng kết luật này, lúc đó xác định xu hướng lâu dài” – ĐB Lưu Bình Nhưỡng đóng góp ý kiến.

Trước mắt theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng là chưa nên mở rộng tuổi cũng như nhiệm kỳ.

“Chúng tôi đi nhiều trường thấy đang có tình trạng trong giai đoạn chuyển đổi này, đặc biệt là cổ phần hóa dần dẫn đến tình trạng thành lập các đế chế ĐH. Hiện nay đang có rất nhiều đơn gửi đến chúng tôi rồi, bây giờ đưa con em, đưa người nhà cài cắm hết vào tất cả các vị trí để chuẩn bị khi về hưu là yên vị xong và người ta vẫn hoàn toàn giữ vị trí thống chế lãnh chúa của ĐH đó. Luật này không cho phép điều đó và 2 nhiệm kỳ phải thay đổi theo đúng quy định”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Quan điểm này đã nhận được sự tán thành của các ĐB như ĐBQH Nguyễn Bá Sơn, TP Đà Nẵng, và ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, Nghệ An.

“Hiện nay việc không quy định về tiêu chuẩn, độ tuổi, đặc biệt số nhiệm kỳ liên tiếp thì trong ĐH công lập, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH công lập trong thời điểm hiện nay cần phải quy định để tránh hiện tượng tạo động lực, trách nhiệm, cũng như tránh hiện tượng "đế chế", đây là một thực tế”- ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền thể hiện quan điểm./.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/co-tinh-trang-thanh-lap-cac-de-che-dai-hoc-362477.html